Để “cơm dẻo, canh ngọt” trên tàu Cảnh sát biển 8003

10:41 30-11-2020

4 giờ sáng, khi cả thành phố vẫn còn chìm trong bóng tối, trên tàu Cảnh sát biển (CSB) 8003, bếp ăn đã sáng đèn.

Các chiến sĩ và thủy thủ đoàn, mỗi người một việc, người vận chuyển, người cất trữ, phân chia thực phẩm vào kho đông lạnh cho chuyến hành trình tuần tra trên biển dài ngày. Ở nơi chỉ có sóng và gió, những người lính biển ấy cũng chính là đầu bếp.

5 giờ 30 sáng, bữa ăn đầu ngày đã sẵn sàng, với tôi, đó là bữa buffet đặc biệt. Bước vào phòng ăn dành cho thủy thủ, mùi cháo cá thơm đậm vị biển, những bát phở mang hương vị thành phố, những đĩa xôi dẻo, bùi, thơm mùi nếp mới... Thưởng thức và cảm nhận, chúng tôi mới thấy hết sự chu đáo, cẩn thận của các anh. Đón đoàn công tác đến, các thành viên trên tàu có phần tất bật hơn, bất cứ ai không trong ca trực hay làm nhiệm vụ chuyên môn, đều có mặt để trợ giúp tổ bếp sơ chế, nấu nướng. Trong căn bếp rộng chừng 10m2, người nhặt rau, người chiên cá, hấp tôm, người thái thịt, cuộn chả... ai ai cũng tranh thủ lúc tàu chưa nhổ neo, biển còn êm, gió còn lặng.

Tổ bếp chuẩn bị bữa cơm trưa.

Nhanh tay lật đều từng miếng cá chiên trên hai chiếc chảo nhỏ, Thiếu tá QNCN Vũ Ngọc Dũng, Thủy thủ trưởng tàu CSB 8003 chia sẻ: “Nấu ăn trên tàu, chúng tôi thường phải dùng nhiều chảo nhỏ, vì dùng chảo lớn, khi gặp sóng gió, dầu nóng đổ ra mặt sàn gây trơn trượt, bắn vào người, vừa mất vệ sinh vừa mất an toàn”. Anh tâm sự, nấu thành nhiều mẻ sẽ mất thời gian hơn, cần nhiều người đứng bếp hơn nhưng bảo đảm an toàn.

Đã nhiều năm nay, kể từ khi có nồi hơi điện, trên tàu 8003 khi nào cũng có một nồi cháo được nấu từ nước hầm xương cá. Hỏi thêm các anh, tôi mới biết đó là “năng lượng” dự phòng, cứu nguy mỗi khi tàu gặp bão, không thể đứng bếp hoặc các bữa ăn bị sóng đánh đổ. Vì lênh đênh cả tháng, thậm chí vài tháng trên biển nên anh em luôn tính đến phương án dự trữ và tiết kiệm thực phẩm. Cá biển, sau khi đã dùng phần thịt, xương cá được hầm nhừ, sử dụng làm nước dùng nấu súp, cháo hoặc các món canh. Theo Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Tuấn, rau xanh là thứ khó bảo quản nhất, do vậy, các anh thường dự trữ trên tàu củ, quả, cà muối, sung muối. Quả thật, bữa cơm trưa dọn ra, bát canh vị biển, dù chỉ điểm vài ngọn rau mồng tơi nhưng ăn kèm với vài quả cà, lát sung, ai ai trong đoàn cũng đều tấm tắc, trầm trồ khen ngợi sản phẩm từ những đôi bàn tay của thủy thủ, nhân viên trên tàu.

Tại phòng nghỉ của đoàn công tác, Trung sĩ Vũ Anh Nhật cẩn thận lau chùi, dọn vệ sinh, tỉ mỉ gấp từng chiếc khăn, xếp đồ dùng ngay ngắn. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết, đây là phòng nghỉ của các thủy thủ, vẫn thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ, dù các thành viên trên tàu được phân công luân phiên, nhưng những chiến sĩ trẻ như anh thường xung phong đảm nhiệm. Đoàn công tác đến, sự chuẩn bị có phần kỹ càng hơn, Trung sĩ Vũ Anh Nhật chuẩn bị từng bàn chải, đôi dép, không quên kiểm tra hệ thống nước nóng, lạnh và hệ thống điện.

Những ngày trong chuyến công tác, bếp ăn tàu 8003 luôn bảo đảm cho chúng tôi những bữa "cơm dẻo, canh ngọt". Vất vả là vậy nhưng tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên, chiến sĩ nuôi quân để lại ấn tượng tốt đẹp cho tất cả thành viên trong đoàn. Chị Hà Minh Hảo (TP Hải Phòng) tâm sự: “Mặc dù nhiều lần được tham gia công tác trên tàu CSB 8003, nhưng mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi những kỷ niệm khó quên. Khi trở về đất liền, tôi lại nhớ những bữa cơm trên tàu, và xúc động trước sự quan tâm, chăm sóc của các anh".

Theo qdnd.vn

Nguồn:qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang