14 năm, 1.879 chuyến tàu không số "rạch biển Đông để cứu sơn hà"

07:51 08-10-2021

VBĐVN.vn - Từ 38 cán bộ, chiến sĩ và 5 chiếc thuyền gỗ thô sơ đầu tiên, lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường biển chiến lược-Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày càng được tăng cường.

Trong 14 năm (1961-1975), chúng ta đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vượt 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, hàng hóa và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam. Để làm nên chiến công đó, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã kiên trì thực hiện phương châm “nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật, an toàn”.

Để vận chuyển “nhanh, nhiều”, kịp thời chi viện cho các chiến trường, sau mỗi chuyến đi là mỗi lần rút kinh nghiệm sâu sắc nhằm tìm cách cải tiến phương tiện, đổi mới phương thức, xây dựng lực lượng, bảo đảm lộ trình an toàn hơn, đi nhanh hơn, chở được nhiều hơn. Vì thế, từ những con tàu vỏ gỗ, sức chở dưới 30 tấn, sau hơn 3 năm, đã có hơn 20 tàu có trọng tải từ 50 đến 150 tấn tham gia vào tuyến chi viện quan trọng này. Đến tháng 2-1965, đã có 89 chuyến tàu, vận chuyển được gần 5.000 tấn hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đây là con số hết sức ý nghĩa, bởi để vận chuyển được 100 tấn hàng hóa vào đến chiến trường Đồng bằng Sông Cửu Long theo cách thức gùi thồ bằng đường bộ trên tuyến Trường Sơn thì phải cần tới 4.500 người, trong điều kiện thời tiết thuận lợi và đi liên tục trong hai tháng, kèm theo một khối lượng lương thực, thực phẩm bảo đảm cho từng ấy con người trong thời gian vận chuyển, chưa kể những hao hụt trên đường vận tải. Trong khi vận chuyển đường biển thường khoảng một tuần với tối đa 20 người, tỷ lệ hao hụt dưới 7%, rất thấp so với đường bộ.

Vận tải biển thành công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi không chỉ đơn thuần vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam mà còn mang lại niềm tin, động viên tinh thần chiến đấu cho quân và dân ở chiến trường nằm sâu trong vùng địch kiểm soát. Nhận rõ trọng trách, ý nghĩa của nhiệm vụ nên dù địch tăng cường phong tỏa, đánh phá nhưng cán bộ, chiến sĩ trên con đường mang tên Bác vẫn nêu cao quyết tâm đưa hàng tới bến, đưa tàu trở về để tiếp tục cho những chuyến hàng tiếp theo. Cùng với đó, các cơ quan chỉ huy, bảo đảm luôn làm việc hết sức mình để những con tàu ngày càng hiện đại hơn, chở được nhiều hơn, rút ngắn thời gian thực hiện hải trình.

Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy nên phải giữ bằng được bí mật con đường đó. Phải kiểm tra thật kỹ, nắm chắc từng chuyến đi. Không để có một sai sót nhỏ đáng tiếc khiến kẻ địch nghi ngờ”. Đây là công việc hết sức khó khăn bởi biển mênh mông, trống trải, hải trình kéo dài nhiều ngày, trong khi phương tiện cảnh giới, tuần tra của địch hết sức hiện đại, hệ thống tình báo, gián điệp rộng khắp. Ở trên biển, đế quốc Mỹ và ngụy quân Sài Gòn đã thiết lập các hệ thống tuần tiễu "chống xâm nhập”, như: Hệ thống cận duyên (từ bờ trở ra 12 hải lý); hệ thống viễn duyên (từ 12 hải lý trở ra đến 40 hải lý), với hàng trăm tàu chiến lớn nhỏ thường xuyên rà quét phát hiện những vấn đề khả nghi. Ngoài ra, địch còn sử dụng máy bay tuần tra ngoài 200 hải lý, kết hợp với quét radar để phát hiện tàu ta. Ở những hòn đảo, vùng cửa sông có tính chiến lược như Cù Lao Ré, Hòn Khoai, Côn Sơn; các cửa Bồ Đề, Gành Hào, Ông Đốc... địch luôn có các tàu túc trực.

Đoàn 125 Hải quân chở bộ đội vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975. Ảnh tư liệu

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ tàu không số đã linh hoạt, sáng tạo, hành động táo bạo để tới đích an toàn cả hàng, người, phương tiện. Mỗi chuyến tàu là một hải trình mới, không bao giờ lặp lại hải trình cũ. Sau sự kiện phải phá hủy Tàu 143 ở bến Vũng Rô (Phú Yên) vào tháng 2-1965, Mỹ-ngụy tăng cường lực lượng, phương tiện tạo thành một hệ thống kiểm soát dày đặc trên khắp các vùng biển từ gần bờ đến khơi xa, từ vùng biển chủ quyền của Việt Nam ra đến các vùng biển quốc tế, theo dõi giám sát liên tục, đánh phá quyết liệt hòng chặt đứt con đường biển, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, Quân chủng Hải quân và Đoàn 125 quyết tâm đưa hàng vào miền Nam theo phương thức đi xa bờ, xác định hải trình bằng phương pháp thiên văn. Từ đây, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã phát triển thành một hệ thống với 6 hải trình khác nhau, có tuyến dài hơn 3.500 hải lý, từ Hải Phòng ngược qua eo biển Quỳnh Châu ở phía bắc của đảo Hải Nam, lên tận Macao (Trung Quốc) ra khu vực biển giữa bắc Philippines và Hồng Kông, đi sang phía tây của Philippines và đông quần đảo Trường Sa, vòng xuống ven biển Malaysia, đến sát Singapore, qua vịnh Thái Lan rồi về vùng biển Tây Nam để tìm cách vào bến giao hàng...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã phải vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của quân thù, đã khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chiến đấu 30 lần với tàu địch, hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Khi tình huống hiểm nghèo thì sẵn sàng hy sinh, hủy tàu, hủy hàng để bảo vệ bí mật. Bằng quyết tâm sắt đá, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt lên gian khổ, khắc phục khó khăn, dũng cảm, táo bạo vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng nghìn lượt tàu đã ra khơi, hàng trăm nghìn tấn vũ khí, hàng hóa và hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn miền Bắc vào tới tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần tạo nên những thắng lợi vang dội trên các mặt trận.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang