20 năm lặn biển nhặt rác
VBĐVN.vn - Vốn là huấn luyện viên (HLV) lặn song anh Nguyễn Văn Đức còn kiêm thêm công việc khác dưới đáy biển đó là nhặt rác, gỡ những tấm lưới ma khỏi rạn san hô, công việc này đã được anh thực hiện tròn 20 năm nay.
Xót xa vì rác
Vào học nghề lặn biển tại Công ty Rainbow Divers (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) từ năm 2004, anh Đức đã đi nhặt rác trước khi trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Công việc đặc thù của anh Đức khiến thời gian anh một ngày ngâm mình dưới nước biển nhiều hơn trên bờ, vì vậy nước da anh đen sạm ẩn sâu bên trong là một tình yêu môi trường bao la, tuyệt vời.
Còn đang trong bộ đồ lặn chưa kịp thay, anh Đức mang lên bờ một mớ rác gồm chai lọ, hộp xốp và tấm lưới ma. Những loại rác này được tập kết lại một chỗ sau đó được chuyển đến nơi xử lý rác hoặc tái chế.
Anh Đức cho biết, công việc nhặt rác dưới đáy biển khác hoàn toàn nhặt rác trên đất liền bởi rác theo dòng chảy trôi rất khó nhặt. Ngoài ra những tấm lưới ma bị vứt bỏ trong quá trình đánh bắt cá của ngư dân sẽ bám chặt vào rạn san hô cản trở sự sống của san hô, phải khéo léo tháo gỡ để tránh làm tổn thương san hô. “Người thợ lặn phải có kỹ năng, sức khỏe và chịu được áp lực nước trong thời gian dài mới có thể làm công việc này được. Ban đầu tôi cũng chỉ nhặt rác theo hình thức tự phát, cứ thấy rác thì ráng nhặt đưa lên bờ. Sau này, tôi mới phát triển thành nhóm để cùng những học viên lặn nhặt rác sau khi kết thúc khóa học”, anh Đức cho biết.
Sinh ra ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), anh Đức yêu biển ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Lớn lên anh Đức học trường đại học Thủy sản nay là đại học Nha Trang nên anh càng được trang bị thêm những kiến thức về môi trường biển và vẻ đẹp của biển đảo quê hương. Năm 2007 anh chính thức được nhận bằng huấn luyện viên lặn biển của Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI).
Anh Đức tự nhận công việc nhặt rác của mình chỉ như muối bỏ bể nếu như không có sự chung tay đồng lòng của cả cộng đồng. Chỉ cần mọi người có ý thức cao không xả rác bừa bãi thì sẽ không có những người đi nhặt rác như anh Đức. Còn nếu ai cũng xả rác bừa bãi, đặc biệt xả xuống biển thì một vài người thậm chí hàng trăm người như anh Đức cũng không bao giờ nhặt xuể.
Nối dài tình yêu biển
Ngoài những dụng cụ lặn biển thứ mà anh Đức cũng như các học viên khác luôn mang theo bên mình là chiếc máy quay phim dưới nước. Những hình ảnh sống động dưới đáy đại dương, những rạn san hô lung linh tuyệt đẹp và những đàn cá sặc sỡ hiện lên thật sinh động. Song, còn một hình ảnh thực tế khác mà chẳng ai muốn nhìn đó chính là rác - dưới đáy biển không hề thiếu rác, ngay như các đồ lặn biển cũng bị một số người vô tư vứt lại sau khi kết thúc việc lặn. Điều này khiến cho những người như anh Đức vô cùng xót xa và trăn trở.
Đối với anh Đức, biển chẳng khác nào ngôi nhà thứ 2 của mình. Lặn xuống biển là trở về nhà, trở về với những người bạn san hô, bạn cá thân thiết. “Có nhiều chú cá nhận ra tôi, lần nào khi thấy tôi lặn xuống đều bơi lại gần tạo nên một tình yêu rất đẹp giữa con người và tự nhiên”, anh Đức tâm sự.
Theo anh Đức việc gỡ các tấm lưới ma bám chặt vào san hô là khó nhất trong quá trình nhặt rác. Rạn san hô lầm tưởng tấm lưới ma là thức ăn của nó rồi vô tình cuốn lấy, điều này làm nguy hại đến sự sống của san hô và nếu không giải cứu kịp thời rạn san hô sẽ chết và chẳng thể hồi sinh được nữa.
Ban đầu, anh Đức lặn biển nhặt rác quanh khu vực biển hòn Mun, TP. Nha Trang nhưng nay đã được mở rộng ra các vùng biển ở Phú Quốc, Hội An, Côn Đảo. Hiện, anh Đức và các học viên của mình thường xuyên nhặt rác dưới đáy biển và đây cũng là học phần được công ty anh đưa vào khóa huấn luyện lặn biển.
Đặc biệt, nhiều du khách đến với anh Đức ban đầu chỉ với mục đích học lặn biển, song trong quá trình học họ thấy người thầy của mình quá tận tâm với môi trường biển và đã làm rung cảm chính trái tim họ. Để rồi không ít lần, học viên, khách du lịch tự bỏ tiền thuê tàu ra biển nhặt rác. Chính tình yêu biển của Đức đã lan tỏa trong cộng đồng để mỗi người dù ít hay nhiều hoặc dù chỉ cần không vứt rác bừa bãi đã là một hành động có ý nghĩa với môi trường.
Anh Thái Quang Quốc - một HLV lặn biển ở Nha Trang cho biết: Việc nhặt rác dưới đáy biển giúp cho hệ sinh thái của biển sạch hơn và tác động đến ý thức cộng đồng, nâng cao tình yêu biển, yêu thiên nhiên. Vì vậy mỗi HLV như chúng tôi đều ý thức được việc đó nên đây là một công việc chúng tôi cần làm và làm tốt hơn nữa.
Còn chị Lê Thị Kim Hà - du khách lặn biển tại TP. Nha Trang chia sẻ: Mình cũng chịu sự tác động rất nhiều từ anh Đức khi anh không chỉ làm huấn luyện viên lặn tâm huyết mà còn nhặt rác suốt 20 năm qua, Không có lý nào mình lại không ủng hộ anh và đồng hành cùng anh nhặt rác những lúc có thể.
Không những thế, một yêu cầu đối với học viên lặn của anh Đức là quay lại những hình ảnh, thước phim dưới đại dương và lên mạng xã hội để lan tỏa tình yêu môi trường, cảnh tỉnh những ai đã hoặc đang xả rác ra biển. Hiệu ứng thấy rõ khi những bài đăng của học viên nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng. Tính đến nay, riêng anh Đức đã đào tạo hơn 600 học viên, đây cũng chính là 600 cánh tay nối dài tình yêu môi trường biển của anh Đức.
“Đây là công việc chung của cả cộng đồng, một vài người hay nhóm khó có thể làm hết trách nhiệm này. Tôi mong muốn mỗi chúng ta có ý thức cao hơn khi tham gia bơi lội, du lịch ở biển để môi trường biển trong sạch hơn, bảo vệ ngôi nhà của sinh vật biển và cũng là ngôi nhà của chính chúng ta”, anh Đức nói.
Nguyễn Duy Khánh (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận