250 ngày trên biển mỗi năm

07:52 21-08-2023

VBĐVN.vn - Đó là thời gian những người đàn ông tại xóm Mỹ An thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) không được ở bên gia đình. Họ lênh đênh trên những con tàu đánh cá, vừa mưu sinh vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Xóm Mỹ An thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), còn gọi là xóm Cù Lao, là một xóm nhỏ nằm ở vùng hạ lưu sông Trà Bồng. Đây là một trong số ít xóm chài còn giữ nghề truyền thống câu mực xà. Mỗi năm họ ở trên biển khoảng 250 ngày để hành nghề. Chính vì vậy, xóm chài này cũng được rất nhiều người biết đến.

Sự ra đời của làng câu mực xà

Hơn 100 năm trước, xóm Cù Lao chỉ là một vùng ngập mặn, nằm cạnh bờ sông Trà Bồng. Lâu dần, bồi lấp của tự nhiên, vùng ngập mặn có nhiều mô đất nổi lên, người dân đến ở.

Số lượng dân cư khi ấy còn thưa thớt, hằng đêm ánh đèn dầu phát sáng từ những ngôi nhà dựng trên mô đất nằm giữa vùng ngập mặn, trông giống như những hòn cù lao, nên cái tên xóm Cù Lao cũng được ra đời từ đó.

Xóm Cù Lao bên dòng sông Trà Bồng
THANH QUÂN

Về sau, những người đến ở, sinh con, cùng nhiều người từ các vùng lân cận đến lập nghiệp, xóm Cù Lao trở nên sầm uất hơn. Nhưng khi đó, nghề câu mực xa bờ vẫn chưa có, hầu hết người dân chỉ đi đánh cá ven biển. Cứ tối đi, sáng lại về.

Phải đến năm 1990, nghề câu mực xà mới xuất hiện ở xứ này. "Ban đầu, chỉ có một vài hộ đi. Giá mực hồi đó cao lắm, cứ 10 kg mực là đổi được 1 chỉ vàng, nhưng thuyền nhỏ nên hầu hết mọi người chỉ đi ngắn ngày, khoảng 1 tháng là về. Đi ngắn ngày vậy nên 1 năm phải đi 6 - 7 chuyến, mỗi chuyến đi mỗi người chỉ được 30 kg mực là hết mức", anh Huỳnh Việt Khoa (39 tuổi, ngư dân ở Cù Lao), chia sẻ.

Những chiếc tàu gỗ của người dân Cù Lao hành nghề câu mực xà
THANH QUÂN

Theo anh Khoa, đến năm 1997, phần lớn các hộ dân xóm Cù Lao bỏ nghề cá để chuyển sang câu mực xà. Tuy nhiên, khi ấy tàu nhỏ nên chỉ đi ngắn ngày và ít người, nên nhiều ngư dân cùng ngồi lại với nhau để quyết định "chơi" lớn.

Để dễ hình dung hơn về việc "chơi" lớn của người dân Cù Lao, anh Khoa chỉ tay về chiếc tàu gỗ vừa cập bến được ít hôm đang neo ở gần cửa biển: "Con tàu đó mới có thể đủ chở được hơn 30 người và ra khơi gần 3 tháng mới trở về lại, đi như vậy thì mỗi năm 3 lần, tức khoảng 250 ngày mỗi năm chúng tôi ở trên biển. Nhưng để đóng được con tàu đó, những năm 1997 phải ít nhất 5 hộ dân góp vốn với nhau, nên thời điểm đó rất ít chiếc tàu lớn".

Thấy được sự hiệu quả do chiếc tàu lớn mang lại, từ năm 2000 đến năm 2005, những chiếc tàu lớn liên tục ra đời tại xóm Cù Lao. Kể từ đó, thu nhập của người dân cũng được tăng cao, những ngày đói khổ của người dân cũng dần chấm dứt.

Những chuyến đi dài

Nghề câu mực xà phải lênh đênh trên biển suốt gần 3 tháng mỗi chuyến, chỉ khi nào tàu ghé vào một đảo nào đó để trú bão hoặc lấy thêm nhiên liệu, lương thực mới có thể gọi điện về nhà. Vì vậy, khó khăn là nhiều vô kể.

Những ngày trời nắng thì còn đỡ, ngày mưa thì 30 - 40 con người cùng quây quần sinh hoạt trên con tàu, nước mưa hòa cùng nước mực đen ngòm chảy nhoe nhoét khắp tay chân, như một thứ a xít khiến da của ngư dân bị bong tróc ra từng mảng.

Sau chuyến biển dài ngày, những người đàn ông xóm Cù Lao lại sửa chữa các dụng cụ hành nghề
THANH QUÂN

Hễ nhắc đến trải nghiệm đáng nhớ về nghề biển là anh Huỳnh Duy Khánh (37 tuổi) lại rùng mình. Ngửa tay ra để mọi người thấy rõ vết sẹo kéo dài từ lòng bàn tay đến cổ tay, anh Khánh nói: "Đây là lần tôi gặp tai nạn trên biển, lúc đầu tưởng nhẹ nhưng sau đó lại suýt mất mạng vì chủ quan".

Câu chuyện xảy ra vào buổi sáng cuối tháng 4.2015 giữa ngư trường Trường Sa. Khi đó, anh Khánh dậy sớm để phơi mực, bất ngờ sóng giật khiến con tàu chao đảo, hất anh ngã ngửa. Vừa kịp hoàn hồn, anh Khánh thấy buốt nhói ở bàn tay trái vì vô tình chống tay trúng chiếc đinh của giàn phơi mực.

Ngư dân câu mực trên biển vào chiều tối
NVCC

Tuy nhiên, thấy vết thương nhỏ, anh chỉ sơ cứu vội rồi tiếp tục công việc của mình. Được vài hôm vì vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, nhưng vì nghĩ đến cơm áo gạo tiền nên anh nén đau, tiếp tục ở lại tàu để câu mực cùng mọi người.

Gồng được thêm ít hôm thì tay bị nhiễm trùng nghiêm trọng, anh Khánh sốt nằm li bì, tàu buộc phải ghé vào Trường Sa để cứu chữa cho anh Khánh. "Thời điểm anh em trên tàu đưa tôi vào viện, tôi bị nhiễm trùng nặng đến mức tay sưng to như cổ chân, người sốt mê man. Tôi cứ nghĩ chắc mình không thể qua khỏi. Ấy vậy mà sau gần một tháng được các bác sĩ cứu chữa, tôi gần như đã bình phục hoàn toàn".

Anh Phạm Quốc Trường (25 tuổi), kể thêm: "Tai nạn tinh thần mỗi đêm thì nhiều lắm".

Chuyện là, mỗi đêm ở giữa muôn trùng biển khơi, một ngư dân chỉ ngồi trên một cái thúng chai bé tí để câu mực, khoảng cách giữa các thúng không dưới 5 km. Xung quanh biển cả, trên thúng thì chong cái bóng đèn bé tí nên gần như không nhìn thấy được những thứ ở xa. Vậy nên, hễ nghe tiếng con gì đập vào nước đùng đùng là tim của anh Trường lại "nhảy ra ngoài".

Như sợ người khác không hình dung ra được cảnh một mình một thúng giữa đại dương bao la, anh Trường còn mở tấm ảnh lưu lại trong điện thoại ra, vừa kể vừa phụ họa.

Những đổi thay ở làng chài

Dẫu nhiều khó khăn là vậy, nhưng mỗi chuyến biển dài ngày nếu ổn thì mỗi ngư dân sẽ thu được lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng tiền bán mực. Có những chuyến biển thua lỗ, nhưng cũng có những chuyến trúng đậm. Vì vậy, ở cái xóm bé tí mà đã có khoảng 50 tàu câu mực xà với hơn 1.300 người đi câu.

Từ những năm 2000 trở về trước, xóm Cù Lao rất nghèo, nhiều gia đình bữa đói bữa no nên phải chấp nhận cho con nghỉ sớm để đi làm. Thuở ấy, đường ở Cù Lao rất khó đi, vừa quanh co ngoằn ngoèo, vừa bụi cát vào mùa nắng, nước ngập liên tục vào mùa mưa.

Những năm gần đây kinh tế dần khá lên, cả xóm này đã làm đường bê tông và chong điện đường gần 100%. Cùng với những căn nhà 2 - 3 tầng nằm cạnh nhau, ít ai dám tin đây là một làng chài nằm xa trung tâm TP.Quảng Ngãi cả 40 km.

Với những người đàn ông xóm Cù Lao, gia đình ấm no, quê hương giàu đẹp thì mỗi năm họ xa nhà 250 ngày, nỗi cô đơn giữa biển cũng không đáng là bao. Nghề câu mực xà đã cho họ rất nhiều, vì vậy họ luôn trân quý về công việc của mình.

Thanh Quân (thanhnien)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang