Ấm áp Trường Sa

08:59 27-02-2023

VBĐVN.vn - Đi lễ chùa cầu an đầu năm ở các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của quân và dân trên đảo. Ngoài ra, chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những tiết mục đặc sắc của các em học sinh trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa cũng góp phần làm không khí đón Xuân Quý Mão 2023 trên đảo Trường Sa rộn ràng, ấm áp hơn.

Bình an đi lễ

Tàu Khánh Hòa 01 mang phiên hiệu 561 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân lướt sóng ra khơi, rời cảng Cam Ranh, Khánh Hòa chở theo Đoàn công tác cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Hải quân Vùng 4 cùng hơn 40 phóng viên báo chí đến với các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngay trước thềm năm mới 2023. Chúng tôi đi dưới hàng cây bàng quả vuông, cây phong ba, bão táp, cây nho biển… xanh mướt mắt đến trung tâm của đảo, lòng thấy an yên, thảnh thơi khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang.

Lễ chùa trên đảo.

Hoạt động không thể thiếu ở đảo Trường Sa ngày đầu năm mới đó là ngay sau lễ chào cờ thiêng liêng, quân và dân cùng dâng hương, dâng hoa thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ và đi lễ tại Chùa Trường Sa.

Sinh sống trên đảo Trường Sa nhiều năm, việc lễ Phật trong ngày đầu Xuân cũng là thói quen của gia đình anh chị Lâm Ngọc Vinh, Nguyễn Thị Phương Dung. Là lượt chiếc áo dài cẩn thận, chị Dung cho biết: “Mỗi dịp đi lễ, chị em các hộ dân trên đảo thường mặc áo dài để tà áo dài truyền thống của quê hương, của đất nước vẫn luôn được hiện diện ở đảo xa, nơi đầu sóng ngọn gió, để Trường Sa thật gần hơn với đất liền”. Sáng mùng Một Tết, ríu rít theo chân bố mẹ đi chùa, cháu Lâm Nhật Tinh Anh tỏ ra vui vẻ khi được diện bộ đồ mới. Trước khi đi chùa, cháu đã được mẹ tắm sạch sẽ, chọn bộ đồ mới cho mặc. Bên cạnh việc cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng, cuộc sống bình yên, đi chùa cũng giúp chị Dung cùng những người dân nơi đây thấy tâm mình thanh thản, an yên, tràn đầy năng lượng tích cực, thêm yêu quê hương đất nước và bày tỏ tấm lòng luôn hướng về cội nguồn dân tộc.

Đi lễ chùa cầu an đầu năm là nét đẹp văn hoá truyền thống của quân và dân đảo Trường Sa.

Dẫn đầu đoàn đi lễ, thắp nén nhang đầu tiên, giây phút đó thật thiêng liêng đối với anh Trần Văn Hoàng - Phó chủ tịch thị trấn Trường Sa. Ngày Xuân, người dân đến chùa, thắp những nén nhang thơm, lễ thì chủ yếu dâng bánh kẹo gửi từ đất liền và trái cây tươi trồng trên đảo như chuối, nho biển, đu đủ… Ai nấy đều mong muốn ước nguyện đầu Xuân năm mới cầu chúc cho mọi người sức khỏe, an khang thịnh vượng, các con, cháu càng ngày càng lớn khôn, học giỏi. Và hơn nữa, những người dân nơi đây còn chúc cho các CBCS Hải quân và các lực lượng đóng quân trên đảo luôn vui khỏe, gặp nhiều điều may mắn, vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền, biển, đảo thiêng liêng, từng tấc đất, sải biển của Tổ quốc để họ có thêm nghị lực, niềm tin ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, em đón cái Tết ở đây là cái Tết thứ 5. Cũng như mọi năm, Tết ở đây khác đất liền một chút, mình xa quê, xa mọi người thân của mình nhưng bù lại mình nhận được tình cảm, CBCS, Chỉ huy trưởng đảo cũng như chính quyền cũng rất quan tâm tới dân, lương thực thực phẩm cũng chu cấp cho dân, đối với cái tết như thế này người dân cảm thấy ấm cúng không thiếu thốn gì lắm so với trong bờ. CBCS cũng tới chúc tết các hộ dân, cùng vui tham gia các hoạt động trên đảo chào Xuân nên em thấy rất xúc động và vui”.

Không đơn thuần là nơi thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, những ngôi chùa còn là điểm tựa tâm linh gắn liền với nếp sống muôn đời của tổ tiên. Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết, toàn huyện có 10 ngôi chùa. Ngoài chùa Linh Nguyên tọa lạc tại Trung tâm hành chính huyện thì còn 9 ngôi chùa tọa lạc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong hải trình 16 ngày đêm, chúng tôi may mắn đặt chân đến đảo Trường Sa Đông vào đúng ngày đầu năm mới Quý Mão, ngày 1 tháng 1 năm 2023. Trong tia nắng ban mai ấm áp trải dài trên biển lấp lánh, đảo Trường Sa Đông đón chúng tôi bằng tiếng chuông chùa. Cảm giác đặt chân lên đảo ngày đầu tiên của năm mới, thảnh thơi đi lễ chùa trên đảo rất đặc biệt, thật thiêng liêng.

Nhẹ bước, chậm rãi thỉnh chuông, thắp nén hương thơm ở ban thờ Tam bảo, đại đức Thích Quý Nghĩa, trụ trì Chùa Trường Sa Đông, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh ngôi chùa. Cảm giác bình yên ùa về khi đắm chìm trong không gian văn hóa tâm linh được bao quanh bởi những vườn rau xanh mướt mắt. Xa xa là những cây bàng quả vuông đang nảy lộc đâm chồi, vươn mình bên cạnh cột mốc chủ quyền.

Truyền thống lâu đời của đất nước ta, ở đâu có người Việt an cư lập nghiệp, ở đó có văn hóa tâm linh. Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đã góp phần khẳng định chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đảo xa, được nghe tiếng chuông chùa giúp mỗi CBCS, người dân cảm nhận sự gần gũi, quen thuộc như trong đất liền, hướng về nguồn cội từ đó, có thêm nghị lực, an tâm công tác, ngày đêm bám đảo, bám biển để bảo vệ biển đảo quê hương.

Rộn ràng ngày hội

Háo hức, được mong chờ nhất trước thời khắc giao thừa chính là buổi biểu diễn văn nghệ do Đội văn nghệ xung kích Liên chi đoàn đảo Trường Sa thực hiện và chương trình hái hoa dân chủ, thu hút đông đảo quân và dân trên đảo Trường Sa tham gia. Đêm văn nghệ, hình ảnh các cháu học sinh trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng cùng nắm tay, dắt nhau lên sân khấu, hát vang ca khúc “Quê em ở Trường Sa” với sự cổ vũ nhiệt tình của quân, dân trên đảo thật ấn tượng. Giữa muôn trùng khơi, giọng trong trẻo của các cháu cùng hòa vào âm vang sóng biển làm ấm lòng những người đón Tết xa quê, gắn chặt, để họ xích lại gần nhau hơn.

CBCS Hải quân giao lưu văn nghệ.

Sau tiết mục hát, múa “Tiến bước dưới Quân Kỳ” do các thành viên đội xung kích thực hiện, bài hát “Hào khí Việt Nam” do binh nhất Lê Quốc Hưng thể hiện đã thu hút được sự chú ý của khán giả. Các khán giả là chiến sĩ lứa tuổi 2k3, 2k4 đã cùng vỗ tay, cùng hát: “Trời bừng sáng lấp lánh ánh dương hồng/Nghe sông núi reo vang câu thanh bình/Thời đại mới đất nước đã vươn mình/Về trên khắp quê hương đẹp xinh/ Tình đoàn kết thắm thiết khắp ba miền/Yêu đất nước yêu thêm bao con người/ Lạc hồng đó gắn bó biết bao đời/ Việt Nam hỡi thắp lên niềm tin…”.

Có mặt ở cánh gà hội trường, Đại úy Đỗ Xuân Thanh, quê Thanh Hóa là một hạt nhân văn nghệ trên đảo được phân công tổ chức chương trình lần này chia sẻ với chúng tôi rằng, cách đây nửa tháng, Đội văn nghệ xung kích đã lên ý tưởng, xây dựng chương trình, lựa chọn hạt nhân văn nghệ và tổ chức luyện tập. Chương trình văn nghệ, hái hoa dân chủ kéo dài tới hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng được sự quan tâm của chỉ huy đảo, sự tham gia nhiệt tình của các CBCS và người dân sinh sống trên đảo đã giúp chương trình thành công hơn mong đợi.

Nhập chú thích
Các tiết mục văn nghệ của quân và dân, các cháu Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa chào Xuân Quý Mão 2023.

Tiết mục hát “Hào khí Việt Nam” là tiết mục được “chen” vào chương trình khi binh nhất Lê Quốc Hưng mới nhận nhiệm vụ tại đảo đã xung phong đăng ký. Ngay trong đêm văn nghệ, nhóm thành viên của Câu lạc bộ biển đảo quê hương cũng đã hào hứng đăng ký với Ban tổ chức biểu diễn bài hát “Tự nguyện”. Trong màu áo xanh tình nguyện, ba cô gái gồm: Tạ Thị Thu Huyền, giáo viên Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội; Trần Thị Kim Huế, trường Tiểu học Mỹ Thắng, Huyện Mỹ Lộc, Nam Định và Nguyễn Thị Hồng Diệu, hiện đang công tác ở Công ty cổ phần tập đoàn khách sạn A25, Hà Nội cùng cất lên lời ca trong trẻo : “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng…. là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”. Lời ca như món quà Xuân sẻ chia với quân và dân nơi đây đã gác lại riêng tư trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, hy sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp vì hòa bình, vì sự bình yên, chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền, biển đảo quê hương.

Những tràng pháo tay, những lời hát dường như lan tỏa đến những con sóng trùng khơi, chạm tới trái tim những người nghe, người xem, khoảnh khắc đó, dường như Trường Sa với đất liền thật gần.

Thật hạnh phúc khi chúng tôi được cùng hòa lời ca, tiếng hát ở thời khắc đón Xuân sớm với những người lính Trường Sa trong bài ca “Khúc Quân ca Trường Sa” hùng tráng để kết thúc đêm giao lưu. Không chỉ với CBCS mà cả với người dân, đoàn đại biểu có mặt trên đảo, đêm văn nghệ sẽ còn vang vọng mãi, là ký ức tươi đẹp trong trái tim mình.

Theo antgct.cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang