An toàn tàu cá thời đại 4.0: Bài 1: “Mắt thần” cho tàu cá­­

18:41 03-11-2021

VBĐVN.vn - Cách đây khoảng 3-4 năm về trước, tình trạng tàu đánh cá của ngư dân đi hành nghề bị tàu vận tải đâm va luôn là nỗi lo đối với các bạn chài. Ngư dân bắt đầu chú ý đến công nghệ 4.0, sau khi tàu cá BĐ95207TS của ông Phạm Tiết ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị đâm chìm và vị thuyền trưởng này cố đọc dãy số IMO trên màn hình, trong lúc tàu sắp chìm đắm.

Tìm IMO

Ngày 9-1-2014, trên báo chí bắt đầu đăng thông tin về ông Phạm Tiết, thuyền trưởng tàu cá BĐ95207TS loan tin về việc toàn bộ ngư dân trên tàu đã được tàu của ông Nguyễn Minh Thi, là người đồng hương cứu vớt. Chiếc tàu cá của ông Tiết bị một tàu nước ngoài không rõ danh tính và ông Tiết thông tin về việc chiếc tàu vận tải nước ngoài này có dãy số IMO là 009115092, Korea Maiconrent, DSC X3. Toàn bộ ngư lưới cụ trên tàu câu cá ngừ đại dương đều bị chìm, trong đó có một giàn lưới rút trị giá hơn 700 triệu đồng. Tổng thiệt hại của tàu trên 2 tỷ đồng.

Ngư dân trên tàu cá của ông Phạm Tiết trở về sau cú đâm va của một chiếc tàu vận tải khiến tàu cá của ngư dân bị chìm.

Phóng viên Báo Biên phòng từ Quảng Ngãi đã vào tỉnh Bình Định ngay trong ngày hôm đó. Người nhà của ông Tiết trình bày lại sự việc đã được nghe qua Icom, đồng thời, trao lại mảnh giấy nhỏ in dòng chữ có số IMO của con tàu. Số IMO là gì và tại sao ngư dân có được? Một số cán bộ địa phương lắc đầu và nhìn vào tờ giấy cũ kỹ, trong đó con số 9, ghi gần giống số 2.

Thời điểm đó, ngư dân ở các tỉnh, thành phố Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng đều lần lượt hỏi về số IMO là gì và làm sao bắt được sóng? Bởi vì đối với ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ, nỗi lo lắng luôn thường trực trong đầu là bị tàu lạ bất ngờ tông va lên con tàu vỏ gỗ. Đêm tối, tàu cá thường bật đèn để cảnh báo. Nhưng khi trời có mưa giông, khoảng cách quan sát chỉ còn 10 mét kể từ mũi tàu, ngư dân giống như đang ngồi trong hũ nút bịt kín và họ chỉ cầu mong vào sự may rủi.

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc chịu trách nhiệm chính về an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển nói chung, nghề cá nói riêng. Số IMO được đặt theo Công ước quốc tế về Luật biển và áp dụng từ ngày 1-1-1996 đối với các loại tàu biển. Đến ngày 1-7-2004 thì số IMO cũng áp dụng đối với tàu chở khách. Số IMO được giữ ổn định, dù tàu sau này có thay tên, đổi chủ.

Vụ đâm va trên biển vào ngày 9-1-2004, trên tàu cá của ngư dân Bình Định đã lắp đặt hệ thống máy định dạng để phát sóng AIS, quét số IMO, nên nhờ đó ông Tiết mới nắm được chi tiết số IMO của con tàu đã gây ra vụ việc. Tuy nhiên, lúc tàu sắp chìm và tiếng la hét loạn xạ đã khiến ông Tiết ghi chép quá nhanh, dẫn đến 1 vài chi tiết có thể bị nhầm lẫn.

Ngày 13-1-2016, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị đâm chìm ngày 9-1-2014, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lý Quốc Tuấn cho biết, vụ việc được các cơ quan Việt Nam xác minh, điều tra. Ông Tuấn khẳng định, dù trong bất kỳ tình huống nào, việc tàu của bất cứ nước nào gây ra vụ việc trên mà bỏ đi, không tổ chức cứu nạn cho thường dân là đáng lên án, kể cả từ góc độ pháp lý lẫn nhân đạo.

Ông Tiết hy vọng sẽ tìm ra thủ phạm từ dãy số IMO nhờ máy phát sóng AIS, nhưng sau nhiều năm mòn mỏi mà không có kết quả, ông Tiết đã vay tiền sắm lại chiếc tàu cá khác để trở lại biển. Vụ việc trên được các ngư dân rút ra bài học là thay vì ghi chép số IMO để truy cứu thủ phạm đâm tàu rồi bỏ chạy thì nên sử dụng điện thoại để chụp ảnh làm chứng cứ.

AIS nhận dạng…

Sau vụ việc đáng buồn nói trên, ngư dân bắt đầu tìm hiểu về thiết bị nhận dạng tự động hàng hải để trao đổi thông tin giữa tàu, thuyền (AIS - Automatic Indentification System). Hệ thống nhận diện tự động AIS ra đời tháng 12-2004 từ khi Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) yêu cầu tất cả các tàu chở hàng lớn trên 299GT mang một hệ thống nhận và phát tín hiệu để truyền vị trí, tốc độ, hướng đi cùng với một số thông tin cố định khác như: tên tàu, số nhận dạng (ID), kích thước và chi tiết chuyến đi...

Hệ thống sẽ tự động trao đổi dữ liệu với các tàu ở gần cũng như các trạm cố định và vệ tinh (hệ thống AIS nhận dạng vệ tinh được ký hiệu là S-AIS). Thông tin được cung cấp bởi thiết bị AIS có thể được hiển thị trên màn hình hay trên hệ thống thông tin và hiển thị biểu đồ điện tử (ECDIS).

Tàu vận tải sẽ sớm được cảnh báo tránh đâm va nếu các tàu cá gắn thiết bị AIS.

Thông tư số 19/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 2-12-2013 về việc quy định tần số cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn trên biển và hàng không dân dụng quy định tần số 161,975 MHz và 162,025 MHz là các tần số AIS1 và AIS2, được sử dụng đối với các máy phát tìm kiếm và cứu nạn AIS (AIS-SART) trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn (AIS là hệ thống nhận dạng tự động hàng hải để trao đổi thông tin giữa tàu thuyền với tàu thuyền và giữa tàu thuyền với bờ). Bài viết này giới thiệu sơ lược các vấn đề cơ bản và tổng quan các chức năng của hệ thống AIS hàng hải.

Vụ việc tàu cá BĐ95027TS của ông Phạm Tiết đã trôi qua 7 năm. Và giờ đây, nhiều chủ tàu cá bắt đầu liên tục quan tâm và nhắc đến chữ AIS, đồng thời lắp đặt thiết bị này để đảm bảo an toàn hàng hải và ngư dân đi bạn đỡ bồn chồn, nhất là thời điểm thời tiết xấu và tàu hành trình trong điều kiện tầm quan sát chỉ vài sải tay.

Ban đầu, ngư dân chỉ đề cập tới chức năng giúp tàu cá nhận dạng. Nhưng sau một thời gian sử dụng, ngư dân đã hiểu thêm nhiều chức năng của thiết bị định dạng và phát sóng AIIS, bao gồm: Thông báo cho tàu đang tiến lại gần về mục tiêu phía trước, kèm theo các thông số như kích thước, hướng di chuyển, tốc độ, khoảng cách, số điện thoại, tên tàu, khả năng đâm va... Hệ thống phát sóng AIS mang đến các lợi ích như an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, điều tra tai nạn và quản lý tàu.

Ngày nay, ngư dân còn tiến xa hơn ở việc gắn thiết bị phát sóng vào phao đặt trên những giàn lưới có kích thước quá dài, hoặc đặt trên thúng câu mực của ngư dân khi khai tác ở vùng biển Trường Sa. Tại cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, ngư dân Nguyễn Tuấn đưa cho tôi xem những thiết bị AIS tích hợp trong chiếc hộp giống như đèn pin và cho biết: “Chừ hồi trước ngồi trên thúng mà thấy tàu vận tải là quơ đèn pin; hắn né được thì tốt, không thì mình ráng mà né hắn; còn chừ có cái ni thì cũng đỡ lắm rồi”.

Bài 2: Qua thời ngóng tàu

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang