An toàn tàu cá thời đại 4.0: Bài 2: Qua thời ngóng tàu (tiếp theo)

18:41 03-11-2021

VBĐVN.vn - “Đẩy ga, đi tới lẹ... không, dừng lại, chạy chậm”, đó là những cuộc trao đổi của ngư dân khi hành trình trên biển gặp một chiếc tàu vận tải cắt ngang mũi tàu cá vào thời điểm vài năm về trước. Rất khó có thể ước lượng bằng mắt thường để 2 tàu tránh nhau. Nhưng hiện nay đã có thiết bị phát sóng AIS với âm thanh tút tút, có khi là tiếng kêu cảnh báo “chú ý, có tàu...!”, đã giúp con tàu đi theo vạch an toàn.

“Mắt thần” hành trình

Tàu cá QNg90693TS của ngư dân Nguyễn Văn Thanh, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từ biển khơi trở về đất liền vào ngày 15-5-2021. Chiếc tàu vỏ gỗ này đóng theo phương thức truyền thống, nhưng bên trong tàu có đầy đủ thiết bị cảnh báo, hướng dẫn, định vị của một tàu cá thời đại 4.0. Ông Thanh cho biết: “Thiết bị điện tử trên tàu có giá cả trăm triệu đồng nên ngư dân đều yên tâm khi hành trình trong đêm, gặp sương mù, hay mưa giông lớn”. Toàn bộ thiết bị này đã giúp con tàu có thêm “mắt thần”.

Thiết bị định vị đang cảnh báo có tàu cắt ngang.

Ngay vị trí cầm lái là một chiếc máy phát sóng tín hiệu VX 1700 cứ tới giờ là nhấn nút để gửi thông tin; trên nóc cabin gắn tới 2 máy định vị GPS Navigator, bên cạnh là máy giám sát hành trình Vifish.18; thiết bị chiếm nhiều diện tích nhất trong cabin là màn hình định dạng có kích thước 14 inches. Các tín hiệu trên màn hình thay đổi theo tốc độ, vị trí của con tàu. Khi tàu cách tàu hàng còn khá xa thì tín hiệu về mục tiêu di động đã hiện lên các thông số, cộng với thước đo.

Ông Thanh cười và cho biết, nhiều năm trước, hễ tàu hàng mà cắt ngang là khó tránh lắm, vì không ước lượng được là khi mình đi tới thì có đụng mũi tàu kia hay không. Có nhiều thuyền trưởng thấy khó tính ra đường cắt quá thì dừng hẳn tàu cho tàu hàng đi qua. Còn bây giờ thì có thiết bị định vị tính toán, chỉ đường cho tàu, thông báo là chiếc tàu hàng đó sẽ cắt ngang mũi hoặc sẽ đi phía sau đuôi con tàu của ngư dân.

Khi tàu QNg90693TS đi vào gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì thiết bị định vị hiện dòng chữ đỏ: “Tàu chính và tàu MMSI, số 574003062”. Vị trí con tàu của ngư dân hiển thị là một vòng tròn, con tàu nằm giữa tâm và có vài đường kẻ cắt phía trước và cắt ngang để ước tính hướng đi của 2 tàu vận tải cùng một lúc, một tàu đi từ phía sau tới, một tàu thì cắt ngang mũi. Các ngư dân cho biết, mới vào nghề và cầm lái mà gặp những tình huống này thì khá luống cuống.

Địa chỉ chập chờn

Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong, quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhìn kỹ vào màn hình thiết bị định dạng rồi lắc đầu: “Không thấy gì, cả 3 tàu đều không có số Icom, điện thoại, cứ vậy rồi đi đè lưới”. Đó là câu chuyện về việc một số tàu cá hiện nay gắn thiết bị phát sóng AIS nhưng trên chùm thông tin phát đi thì chỉ có tín hiệu tàu, ngoài ra không có số điện thoại, không có tần số Icom, không có số hiệu tàu. Khi những chiếc tàu như vậy băng băng cắt ngang giàn lưới nổi của tàu cá mà ông Phong đang điều khiển, ông Phong chỉ biết lắc đầu, vì giàn lưới dài tới 13km và 3 con tàu kia đang “dẫm đạp” lưới ở đầu ngoài cùng.

Nhiều đêm, ngồi trên cabin tàu, đi tác nghiệp trên biển, tôi chứng kiến bao nhiêu lần các thuyền trưởng nhấp nhổm với một chiếc tàu đang chạy cắt ngang lưới và thốt lên “rồi, rồi, hắn cắt ngang phao nữa, bữa sáng chuyển thành bữa trưa rồi”. Đó là những giàn lưới có kích thước quá dài, ngư dân thường gắn nhiều cụm thiết bị phát sóng AIS trên các phao lưới. Các tàu cá khi hành trình sẽ nhận được tín hiệu phát ra trên mặt biển. Tuy nhiên, một số tàu không lắp thiết bị thu phát sóng AIS, hoặc có khi tàu làm nghề kéo lưới giã cào đôi (làm nghề này thì ngư dân cứ chạy cắt ngang, làm đứt lưới).

Mỗi khi thuyền trưởng thốt lên những câu xót ruột như vậy thì sáng ngày hôm sau sẽ thu về một đống lưới rối. Loại lưới rê xù, mỗi khi bị cuộn vào nhau thì ngư dân phải mất nửa ngày để gỡ ra. Mỗi khi gặp hoàn cảnh đó, ngư dân phải cắt lưới ra rồi tiếp tục vá lưới để kịp phiên lưới vào buổi chiều tối. “AIS thiếu thông tin; tàu không gắn thiết bị phát sóng AIS và nhận dạng, ngư dân gặp cảnh đó là đứt cả hơi” - nhiều ngư dân nói với tôi như vậy.

Mười tàu chỉ có một

Thời đại công nghệ 4.0, Bộ đội Biên phòng ở các trạm kiểm soát không nhất thiết phải sử dụng tàu ra biển kiểm tra việc các tàu có khai báo đầy đủ thông tin trên sóng AIS hay không, mà chỉ cần ngồi một chỗ để rà thông tin. Tại cảng cá Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, vị trí cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 4km, tôi thử mở một thiết bị dò, phát sóng AIS trên tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng vào neo đậu và nhanh chóng phát hiện ra ngay những con tàu khai báo lý lịch mập mờ.

Tàu vận tải cắt ngang mũi tàu đánh cá của ngư dân.

Có một tàu đánh cá hiển thị thông số: Tàu AIS, MMSI: 574000028, hướng 105 đô...; một tàu khác thì hiển thị thông số là: Tàu AIS, MMSI: 574709075, hướng 44 đô... Phần lớn các tàu đánh cá đều không cài đặt số tàu, tần số Icom, số điện thoại (để kết nối khi tàu ở vùng gần bờ).

Ngư dân Trần Hò, thuyền trưởng tàu QNa91478TS, quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là một trong số ít những ngư dân công khai thông tin của mình trên sóng AIS. Ông Hò là một ngư dân giỏi, đánh bắt thành công, năm 2020, những ngư dân đi bạn trêu tàu cá của ông Hò được chia phần 120 triệu đồng. Trong phiên biển tháng 9 vừa qua, tàu cá của ông Hò đầy ắp hải sản nặng hơn 30 tấn từ biển khơi trở về.

Ông Hò cho biết: “Lâu ni là tôi công khai đủ mọi thông tin trên sóng AIS, nhờ đó mà anh em trong thôn cứ bám theo để cùng kiếm sống và nương tựa lẫn nhau ngoài biển khơi; còn đa số các tàu không khai báo số tàu, không hiển thị tần số liên lạc”. Ông Hò cho biết thêm, vì tàu cá QNg91478TS trở thành điểm quy tụ nhiều tàu cùng hướng đến, nên anh em trên tàu luôn cảm thấy thêm vững tâm, đồng lòng và đó cũng là bí quyết giúp cho ông đánh bắt thành công.

Bài 3: Đi tìm “tàu ma”

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang