An toàn tàu cá thời đại 4.0: Bài 3: Đi tìm “tàu ma” (tiếp theo và hết)

18:40 03-11-2021

VBĐVN.vn - Thời ngư dân chưa lắp đặt máy phát sóng AIS để nhận dạng tàu, cảnh báo, tránh đâm va trên biển, có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Có vụ việc ngư dân nhìn rõ biển hiệu tàu nhưng vẫn không truy được thủ phạm gây tai nạn. Hiện nay, việc ngư dân lắp đặt máy định dạng nhưng chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ nên nhiều khi các cơ quan chức năng bắt được sóng tàu cá của Việt Nam nhưng lại tưởng tàu nước ngoài.

Đâm rồi bỏ chạy

Ầm! Sau cú va đập như một cơn địa chấn, chiếc thuyền lắc mạnh, chao đảo và chìm xuống đại dương, “hút” theo 2 ngư dân xấu số. Đó là thảm họa được các ngư dân sống sót kể lại. Vụ việc đã xảy ra cách đây 17 năm nhưng vẫn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều ngư dân trên tàu cá QNg4032TS ở thôn Thạch Bi 1, phường Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Các ngư dân kể lại rằng, khi tàu bị nhấn chìm, ai cũng nghĩ phải tìm một cái phao, miếng gỗ trôi nổi để bám vào để sống sót. Cuối cùng, 7 trong 9 ngư dân chui ra khỏi đống bùng nhùng gỗ, ván, dây, lưới rồi trồi lên được mặt nước, còn 2 ngư dân xấu số bị chết, do kẹt trong ca bin và chìm theo con tàu vỏ gỗ.

Thuyền trưởng Bạch Cơ. Ảnh: Văn Chương

Ông Bạch Cơ (thuyền trưởng) - người trực tiếp cầm lái lúc tàu bị nạn nhớ lại: Lúc đó là rạng sáng 28-3-2004, tàu trên đường từ ngoài khơi trở về đất liền và chở 8 tấn cá chuồn. Chiếc tàu có thân vỏ cũ nên hành trình tốc độ chậm. Khi tàu chỉ còn cách cửa biển Sa Huỳnh khoảng 7 hải lý thì bất ngờ một chiếc tàu lạ từ phía sau húc mạnh vào mạn tàu khiến con tàu chìm ngay xuống biển.

Các ngư dân dìu nhau đu trên một chiếc thúng, còn chiếc tàu nổi lên được phần chóp mũi nhờ hàng trăm tấm lưới và phao, riêng thân tàu chìm dưới nước. Điểm lại ngư dân thấy thiếu 3 người, trong đó có anh Bạch Long Tơ. Mọi người chèo thúng bổ đi tìm, gào khóc khản tiếng. Sau khi được vớt lên và đưa vào đất liền, anh Tơ thuật lại, thủ phạm đâm chìm tàu là một con tàu chở rất nhiều hàng, be tàu mấp mé sát mép nước. Khi bị nạn, anh Tơ đã bám mạn tàu và nhìn thấy chữ in trên tàu là Thanh 09.

Do không đủ sức trèo lên boong tàu, anh đu dọc thành tàu, hướng về gần ca bin kêu cứu. Tuy nhiên, điều mong đợi lại không đến - các thủy thủ trên tàu gào lên như một con thú dữ: Đánh cho nó chết luôn đi cho rảnh nợ! Thấy các thủy thủ cầm cây lao đến giết người phi tang, anh Tơ buông tay, đạp mạnh người để trôi theo dòng nước.

Ông Bạch Cơ sau đó quyết tâm đi tìm cho được thủ phạm đã khiến ông trắng tay và vướng vòng lao lý.

Khó khăn trong truy vết

Mỗi dịp đi qua làng biển Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), tôi thường ghé thăm thuyền trưởng Bạch Cơ và nghe ông kể về chuyện cất công đi tìm con tàu “Thanh 09”, tìm mãi không ra, dù được một số cán bộ trong ngành hàng hải nhận định, “có thể chiếc tàu vận tải này ở tỉnh Thanh Hóa?”. Lần đó, ông Cơ mất tàu, mất người, là những ngư dân thân cận như người nhà, ông còn vướng vòng lao lý, bị truy tố và ngồi tù 40 tháng vì điều khiển tàu cá đã hết hạn đăng kiểm 9 tháng. Chiểu theo luật, ông đã phạm tội “điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Chuyện cũ được ông Cơ kể vanh vách. Nguyên nhân thì ông vẫn còn thuộc làu bản cáo trạng của tòa án trong những đêm dài nằm trong trại giam Kim Sơn ở tỉnh Bình Định. Và sau khi ra tù, ông vẫn không nguôi nỗi niềm là tìm ra hung thủ đã đâm tàu cá, sau đó bỏ chạy.

Ở làng biển Sa Huỳnh, nơi từng xảy ra vụ ngư dân bị tàu lạ đâm chìm, sau 17 năm đã có nhiều thay đổi. Nhiều tàu đánh cá xa bờ đã lắp đặt thiết bị phát sóng AIS. Khi tôi lên thăm các tàu đánh cá nằm ở trong cảng Sa Huỳnh, một số ngư dân vẫn nhắc chuyện tàu cá của thuyền trưởng Bạch Cơ từ 17 năm về trước. Thuyền trưởng tên Hùng cho biết: “Hồi đó còn lạc hậu lắm, vì tàu đổi máy liên tục nên ngư dân ngại làm lại đăng kiểm, tới khi đụng chuyện chết người thì bị đi tù. Sự việc này đã trở thành bài học cho người dân làng chài”.

Câu chuyện cách đây 17 năm, nhưng cũng phản ánh thực trạng chung của nghề biển vào thời này, đó là tàu cá của ngư dân liên tục bị tàu vận tải đâm va trên biển. Thời điểm đó, ngư dân được khuyến cáo mua radar Raycon do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, thiết bị này có giá rất cao. Chính vì thế, ngư dân không có khả năng mua về lắp trên tàu để trở thành “tín hiệu nổi” cảnh báo thường trực trên radar của các tàu vận tải.

Đến nay, nhiều tàu đánh cá và tàu vận tải đã lắp đặt hệ thống máy định dạng, phát sóng AIS để nhận ra nhau ở khoảng cách từ rất xa. Nhưng khi ngư dân áp dụng công nghệ 4.0 trên tàu cá thì công tác quản lý của các cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp. Các đồn, trạm Biên phòng ở trong đất liền chưa có thiết bị tương ứng “lưu vết” tàu cá đánh bắt trên biển để khi xảy ra sự cố có thể kết luận chính xác thủ phạm đâm va, làm rách lưới, hay gây tai nạn rồi bỏ chạy, hoặc ở gần vị trí tàu cá bị nạn nhưng không cứu hộ, cứu nạn...

Màn hình của máy phát sóng AIS chỉ hướng đi của tàu. Ảnh: Văn Chương

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi nhiều tàu cá đi tiên phong trong việc gắn thiết bị định dạng, phát sóng AIS, nhiều lần, cán bộ các cơ quan chức năng giật mình vì nghe các thuyền trưởng ở ngoài khơi điện vào bờ thông báo có tàu đánh cá Trung Quốc lảng vảng, đi lại khá tự nhiên ở gần bờ. Khi nhận được thông tin này, BĐBP đã cho tàu tuần tra ra tiếp cận thì phát hiện đó là tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, nhưng lắp đặt thiết bị định dạng được Trung Quốc sản xuất, cài đặt phần mềm Trung Quốc. Khi máy này đưa về Việt Nam thì chưa điều chỉnh thông số, nên cứ phát tín hiệu là tàu cá có chữ Trung Quốc.

Khi được hỏi vì sao không thay đổi thông tin trong máy định dạng, phát sóng AIS, một số thuyền trưởng cho biết, vì không muốn bạn chài biết tàu mình nằm ở chỗ nào, đánh cá ra sao, để giấu ngư trường đánh bắt. Thậm chí, có tàu cá khi ra khơi còn tắt cả máy định dạng, vì không muốn mọi người nhìn thấy để họ tự do đánh bắt.

Câu chuyện trên cho thấy, thiết bị công nghệ trên tàu cá thời đại 4.0 mang lại lợi ích rất lớn cho ngư dân, nhưng ở một số hoàn cảnh thì ngư dân lại muốn quay lại với thời kỳ đi mò, dùng đèn sáng trên tàu để thay cho máy phát sóng AIS.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang