ASEAN ra Thông cáo chung về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông

17:58 18-12-2019

Tối 31/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Bangkok (Thái Lan) đã ra Thông cáo chung.

Thông cáo chung đề cập tới nhiều nội dung, bao gồm: Xây dựng Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, các quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế, khu vực và việc tổ chức Hội nghị AMM-53 cùng các hội nghị liên quan tại Việt Nam vào năm 2020 - thời điểm Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN và vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông.

Thông cáo chung khẳng định cam kết của các nước thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tinh thần đoàn kết trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng. Các bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, qua đó thúc đẩy sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.

Thông cáo chung cũng đề cao vai trò và những đóng góp quan trọng của các cơ chế hợp tác tiểu vùng như Tam giác Phát triển Indonesia - Malaysia- Thái Lan, hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam....

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cũng nhấn mạnh nền kinh tế các nước ASEAN tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,2% trong năm 2018.

Quang cảnh phiên họp toàn thể của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thông cáo chung bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới liên quan tới căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn của ASEAN và tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN đối với một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, cởi mở và dựa trên các quy tắc.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đồng thời nêu bật những nỗ lực nhằm ngăn chặn và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, chống sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan bạo lực và cực đoan hóa dưới mọi hình thức. Thông cáo chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh bền vững trong khu vực thông qua củng cố lòng tin chiến lược và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước ASEAN và các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thông cáo chung nêu rõ: "Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách trọn vẹn".

Trong thông cáo chung, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hoan nghênh việc tiếp tục cải thiện quan hệ giữa ASEAN-Trung Quốc và được khích lệ bởi tiến bộ của các cuộc thương lượng thực chất hướng tới việc sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực và thực chất trong một tiến trình thời gian đã được nhất trí. Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC, do đó hoan nghênh các biện pháp thực tế có thể làm giảm những căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm và tính toán sai.

Thông cáo chung nêu rõ các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm tăng cường sự tin cậy và tin tưởng giữa các bên; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc nêu cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thông cáo chung khẳng định các Bộ trưởng đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số Bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo đảo và những vụ việc nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin cũng như sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Các Bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng, kiềm chế tiến hành các hoạt động và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Thông cáo chung nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và tất cả những nước khác, trong đó có những hoạt động được đề cập trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.

Theo TTXVN

Nguồn:TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang