Bắc Trung Bộ: Kỳ vọng “cất cánh” từ kinh tế biển
VBĐVN.vn - Với chiều dài đường bờ biển hơn 630km, các tỉnh Bắc Trung Bộ có lợi thế lớn để phải triển kinh tế biển. Trên thực tế, những năm vừa qua, không ít tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã “thay da đổi thịt” nhờ phát huy tốt thế mạnh này và hứa hẹn những bước “cất cánh” nhờ dựa vào các thế mạnh từ biển khơi.
Lực lượng tàu cá hùng hậu, sản lượng khai thác cao
Các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… có lực lượng tàu cá đánh bắt hải sản rất hùng hậu và không ngừng tăng lên về số lượng, nâng cao về chất lượng phương tiện đánh bắt theo thời gian.
Tại Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh có gần 3.500 tàu cá, với tổng công suất gần 700.000 CV, trong đó số tàu cá trên 12m có 1.762 chiếc. Năm 2021, kế hoạch của Nghệ An tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 170.000 tấn hải sản. Trong 10 tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngư dân đã khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản. Sản lượng khai thác 10 tháng đầu năm đạt khoảng 150 nghìn tấn, giá trị ước đạt khoảng gần 3.000 tỷ đồng.
Quảng Bình là địa phương có bờ biển dài hơn 116km, thềm lục địa hơn 20.000km2; 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển với 37 xã, phường có hoạt động nghề cá. Theo thống kê, toàn tỉnh này có gần 7.000 tàu cá (chiều dài từ 6m trở lên), lao động trực tiếp khai thác trên biển là 24.100 người; sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 đạt 74.000 tấn; riêng 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 72.800 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hà Tĩnh, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt gần 40 nghìn tấn. Hiện nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên khoảng 1.000ha; năng suất nuôi thâm canh bình quân đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 - 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát.
Phát huy thế mạnh cảng biển và du lịch
Phát triển kinh tế biển bền vững không chỉ là hướng đi của các tỉnh Bắc Trung Bộ mà còn là mục tiêu trọng tâm của các tỉnh ven biển trên toàn quốc. Thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ đang đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế biển; trong đó, trọng tâm hướng đến là khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế của vùng biển và ven biển.
Kinh tế biển của Nghệ An ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế, đóng góp khoảng 50% GRDP của tỉnh; trong đó, giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng biển và ven biển cao gấp 1,27 lần so với bình quân toàn tỉnh. Nhiều khu du lịch lớn ở các địa phương ven biển như Cửa Lò, Diễn Thành, Biển Quỳnh, Bãi Lữ, Vinpearl Cửa Hội; Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng xăng dầu DKC, Cảng Vissai Nghi Thiết cũng được xây dựng, đưa vào sử dụng...
Từ năm 2020 đến tháng 8-2021, số lượng tàu thuyền và hàng hóa thông qua cảng biển của Quảng Bình là 2.066 lượt tàu, gần 5,5 triệu tấn hàng hóa. Ngoài các bến cảng đang khai thác, hiện nay có 5 dự án cảng biển được xúc tiến đầu tư; ưu tiên xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông Cảng biển Hòn La thành cảng nước sâu trung chuyển quốc tế với đường QL12, nối Lào và Đông Bắc Thái Lan, Mianma và các nước trong khu vực...
Tại Hà Tĩnh, từ nhiều năm nay, Khu kinh tế Cảng biển Vũng Áng được xem là “hạt nhân” của kinh tế tỉnh này. Trong đó, điểm nổi bật của Khu kinh tế Vũng Áng là Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS) đi vào hoạt động ổn định. Tính đến thời điểm này, đây là dự án FDI lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 12,787 tỷ USD.
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, FHS đã góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh tăng cao. Quý I/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 1.018,6 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 366,55 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 652,09 triệu USD. Góp phần rất quan trọng trong việc đưa kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh tăng là xuất khẩu sản phẩm thép, phôi thép và nhập khẩu nguyên liệu của FHS.
Theo baotainguyenmoitruong
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận