Văn hóa biển, đảo Việt Nam - nguồn lực phát triển bền vững

Bài 1: Bản sắc văn hóa biển, đảo Việt Nam

14:57 11-09-2023

VBĐVN.vn - Lời Tòa soạn: Biển, đảo Việt Nam luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo, trong đó có văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, trở thành nguồn lực phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân thực hiện loạt bài phỏng vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa để làm rõ hơn nội dung này.

Bài 1: Bản sắc văn hóa biển, đảo Việt Nam

Trong tiến trình phát triển hàng nghìn năm, dân tộc ta đã sớm hình thành nền văn hóa biển, đảo với các giá trị độc đáo riêng, trong đó văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là một thành tố đặc biệt quan trọng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Có một nền văn hóa biển, đảo Việt Nam

Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian gần đây, văn hóa biển, đảo Việt Nam được các nhà nghiên cứu cũng như xã hội quan tâm nhiều hơn với những quan niệm đưa ra khác nhau. Chúng ta có thể hiểu thế nào về văn hóa biển, đảo?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Văn hóa biển, đảo là khái niệm, hay nói cách khác là một thuật ngữ được quan tâm rất nhiều. Thuật ngữ này xuất phát từ cách tiếp cận dân tộc học mà có thể nhắc đến hai trường phái tiêu biểu từ các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Nga.

Tại triển lãm ở Thượng Hải (Trung Quốc) về văn hóa biển, đảo, các nhà khoa học Nga trong nhiều đề tài nghiên cứu đã đưa ra lựa chọn quan niệm: Văn hóa biển, đảo là những sáng tạo hữu hình và vô hình của người dân ven biển và trên các đảo. Con người gắn bó với biển từ rất sớm nên những sáng tạo văn hóa biển, đảo cũng xuất hiện từ rất sớm.

GS, TS Nguyễn Chí Bền.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi cho rằng, nói đến văn hóa biển, đảo là nói đến văn hóa của những cư dân ven biển và trên đảo. Định nghĩa, cách tiếp cận có thể khác nhau nhưng điều cần lưu tâm của văn hóa biển, đảo đó là những sáng tạo của con người vùng ven biển, trên đảo. Có thể gọi là "văn hóa biển, đảo" hay "văn hóa biển" đều được.

Trên lát cắt của địa lý đương đại, có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, hiện có tới 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với biển, có 12 huyện đảo. Vì vậy, tất yếu, chắc chắn chúng ta có văn hóa biển, đảo. Theo tôi, về không gian văn hóa, có thể chia thành 3 không gian: Vùng núi đồi; đồng bằng châu thổ; biển, đảo. Với cách chia ấy thì không gian biển, đảo sẽ tạo ra văn hóa biển, đảo và theo tiến trình lịch sử của dân tộc ta thì văn hóa biển, đảo Việt Nam cũng có từ hàng nghìn năm nay.

Phóng viên: Những thành tố tạo nên văn hóa biển, đảo Việt Nam có thể kể đến là gì, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Nói đến văn hóa biển, đảo Việt Nam, trước tiên có thể kể đến các sáng tạo dân gian, như: Truyền thuyết, ca dao, tục ngữ... mà nhiều địa phương như Đà Nẵng, Thái Bình đã tuyển chọn riêng những sáng tạo này trong khi làm các tập văn hóa dân gian; nghệ thuật biểu diễn, gồm sáng tác bài hát, điệu hò (kéo lưới, đan lưới), nghi lễ...; nghệ thuật tạo hình với các đình, lăng thờ cá Ông (cá voi)...; các lễ hội của người dân ven biển, trong đó tiêu biểu là lễ hội nghinh Ông-bắt nguồn từ kinh nghiệm đi biển, mong được thấy cá Ông xuất hiện, phun nước như một cách gọi ngư dân đến nơi nhiều cá.

Ngoài ra, một thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa biển, đảo Việt Nam là văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đây là câu chuyện đã có từ rất sớm và được các vương triều phong kiến quan tâm. Ví như, nhà Trần là vương triều xuất thân từ những dân chài, rất hiểu về biển, biết sử dụng biển như là thành tố để bảo vệ quốc gia. Tới triều Nguyễn, Vua Gia Long còn ra sách về các cửa biển và hướng dẫn đi lại trên các cửa biển; Vua Minh Mạng quan tâm cắm mốc trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời Vua Tự Đức có nhân vật rất tiêu biểu là Bùi Viện-nhà canh tân hướng biển-có công xây dựng cảng Hải Phòng, nâng cấp, sử dụng hải quân Việt Nam, phát triển kinh tế biển; được người dân Hải Phòng kính trọng, tôn thờ, đặt tên đường, gọi là thành hoàng của TP Hải Phòng.

Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, biển cũng đã được sử dụng là thành tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta. Nhiều chiến công vang dội của Quân đội ta trên biển, trong đó có Đường Hồ Chí Minh trên biển là sáng tạo độc đáo trong lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam. Như tôi đã nói ở trên, văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là thành tố quan trọng của văn hóa biển, đảo Việt Nam, cũng là một phần làm nên truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Luôn giữ được căn cốt nền văn hóa

Phóng viên: Như ông nói, văn hóa biển, đảo Việt Nam đã có từ hàng nghìn năm, vậy công tác nghiên cứu lâu nay được thực hiện thế nào?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Lịch sử nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam có ít nhất 500 năm nay, từ những ghi chép về các huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân trong “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên và cộng sự, hay những ghi chép trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi. Thời đó, các nghiên cứu cơ bản mang tính tự phát nhưng rất quan trọng, ví dụ: Ghi chép về Vân Đồn; những sắc lệnh của vua về biển, đảo, như là Vua Minh Mạng ra sắc lệnh về việc làm bia đá, trồng cây ở Hoàng Sa như thế nào, lập những đoàn thuyền ra khơi ra sao...

Đến thời hiện đại, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã quan tâm tới văn hóa biển, đảo một cách khoa học hơn. Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa) có riêng chương trình nghiên cứu và xuất bản tập sách "Văn hóa dân gian làng biển" do GS, TS Ngô Hữu Thịnh chủ biên. Sau này, nhất là từ khi có những vấn đề xung đột chủ quyền quốc gia trên biển, nghiên cứu về văn hóa biển, đảo càng được thúc đẩy quan tâm hơn.

Không chỉ có các nghiên cứu trong nước, nhiều tác giả nước ngoài cũng rất quan tâm nghiên cứu văn hóa biển, đảo Việt Nam. Có thể kể đến nữ học giả người Italy Sandra Scagliotti viết cuốn sách “Những bãi cát vàng, Việt Nam và các quần đảo trên Biển Đông” với nhiều dữ liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, đã dịch và xuất bản sách tiếng Việt. Một học giả người Singapore cũng đã nghiên cứu về nhà Nguyễn và những dải ven biển với cái nhìn đặc biệt về các vương triều quân chủ Việt Nam đối với biển, đảo; nhà nghiên cứu Philippines với những tìm hiểu về kinh nghiệm đóng tàu, thuyền từ người Chăm ở Việt Nam...

Có thể nói, tiến trình nghiên cứu về văn hóa biển, đảo của chúng ta đạt những thành tựu lớn, chỉ ra và khẳng định người Việt Nam đã sáng tạo một nền văn hóa biển, đảo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, với những nét riêng.

Ngư dân lao động trên vùng biển Phú Yên. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG

Phóng viên: Những nét riêng của văn hóa biển, đảo Việt Nam là gì so với các quốc gia khác, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Trên thế giới có hơn 150 quốc gia gắn với biển và mang những đặc điểm khác nhau. Ví như thần biển của các nước phương Tây là một nhân vật, còn thần biển phương Đông là mặt trăng với những cơ sở rất khoa học về con nước lên xuống gắn với mặt trăng. Vì thế các lớp văn hóa sau đã hiện thân thần mặt trăng thành thần Độc Cước, cá Ông. Người phương Tây có thể ăn thịt cá voi nhưng ở Việt Nam thì không, cá voi được kính trọng, lập lăng thờ và có cả hệ thống văn hóa từ huyền thoại đến ứng xử với cá voi.

Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam có biển nhưng lịch sử Trung Quốc đậm nét văn hóa người Hán ở phía Bắc. Ảnh hưởng của Nho giáo tới văn hóa Hán rất mạnh nên dân biển không được đánh giá cao. Biến thiên văn hóa Việt Nam trong lịch sử đã có lớp văn hóa của người Hán tràn vào trong thời gian dài nhưng chúng ta vẫn giữ được căn cốt văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa biển, đảo.

Phóng viên​​​​​​​:​​​​​​​ Vấn đề nghiên cứu để đưa ra những đánh giá, đề xuất hướng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay cần chú ý những gì, thưa ông?

GS, TS Nguyễn Chí Bền: Bên cạnh những thành tựu đạt được trong nghiên cứu văn hóa biển, đảo như tôi đã nói ở trên thì điểm chưa đạt được là chúng ta mới chỉ nghiên cứu sản phẩm con người làm ra và các sự kiện lịch sử mà chưa quan tâm nghiên cứu tới chính con người biển, danh nhân văn hóa biển. Ví như tại sao các vua Trần thích khu vực Quảng Ninh? Bùi Viện suy nghĩ như thế nào về biển? Các nhà nho thời xưa quan niệm về biển ra sao? Hay là, người Việt có tư duy ra sao khi ăn, ngủ, ở trên thuyền nơi cửa biển?...

Đã có trường phái trong thời gian dài cho rằng người Việt “xa rừng, nhạt biển”. Tôi lại nghĩ người Việt sau lưng là rừng, trước mặt là biển, nên không hề xa rừng, cũng không hề nhạt biển, nhưng chiều sâu tâm hồn họ thì phải nghiên cứu kỹ hơn. Đó cũng là điều hiện tại ta chưa làm được, nhất là tìm hiểu chân dung người lính biển Việt Nam trong lịch sử; bộ đội hiện nay với những giá trị văn hóa biển, đảo được kế thừa từ truyền thống lịch sử... với cách tiếp cận họ vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa cũng là khách thể tiếp nhận nền văn hóa ấy.

Ngoài ra, những vấn đề như sự tương đối của bờ biển, biến tiến-lùi theo thời gian cũng chưa được chú ý nhiều; công tác khai quật khảo cổ, trong đó điều quan trọng là phải đọc được linh hồn hiện vật, chưa kể có những hiện vật mà chúng ta không tiếp cận quản lý được cũng là một điểm hạn chế đang được quan tâm khắc phục. Đặc biệt, việc xuất bản những công trình nghiên cứu, sách về văn hóa biển, đảo của nước ta, nhất là xuất bản ra nước ngoài còn ít, trong khi các nước láng giềng lại làm rất mạnh công tác này, đó là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài 2: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

Thu Hòa (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang