Cảng biển kết nối để vươn xa

Bài 1: Hạ tầng đi trước một bước

15:05 17-10-2021

VBĐVN.vn -Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng và là nền tảng để các cơ quan chức năng lập, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, giúp hệ thống cảng biển phát triển liên tục, đồng bộ trong quy hoạch tổng thể, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta hội nhập sâu rộng, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong trí nhớ của ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam “hình hài” cảng biển thời trước khi có quy hoạch tổng thể đầu tiên vẫn hiển hiện rõ nét. “Ngày ấy, khu vực phía nam chưa có cảng chuyên dùng cho container, các cảng Sài Gòn, Tân Cảng,… chỉ tiếp nhận được tàu container trọng tải hơn 1.000 TEUs với năng suất bốc xếp khoảng hơn chục container/giờ. Ở phía bắc, những bến cảng lớn nhất thành phố cảng Hải Phòng như Hoàng Diệu, Chùa Vẽ,… cũng chỉ đón được tàu sức chở khoảng 500 TEUs”, ông Lân hồi tưởng.

Còn giờ đây, hàng loạt các cảng mới như Nam Hải - Đình Vũ, Vip Green Port, Lạch Huyện,… mọc lên ở thành phố cảng Hải Phòng, hiện đại ngang ngửa các nước trong khu vực. Ở phía nam, những cẩu cổng khổng lồ, sừng sững tại các cụm cảng container lớn nhất cả nước như Cái Mép - Thị Vải, Cát Lái,… đủ năng lực đón tàu trọng tải lớn nhất thế giới làm hàng, với sản lượng container thông qua chiếm tới trên 70% tổng sản lượng cả nước (nếu chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Bộ).

Bản vẽ quy hoạch tổng thể cảng Cái Mép – Thị Vải

Hiện tại, cả nước có 286 bến cảng/chiều dài khoảng 96 km cầu cảng (gấp hơn 4,5 lần năm 2000), với tổng lượng hàng hóa thông qua đạt 692,2 triệu tấn (gấp khoảng 8,4 lần năm 2000). Đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía bắc và phía nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132 nghìn DWT tại khu bến Lạch Huyện (TP Hải Phòng), đến 214 nghìn DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn DWT, hàng lỏng đến 150 nghìn DWT (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320 nghìn DWT; cơ bản đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020.

Nước ta đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. Ngoài các tuyến nội Á, ở khu vực phía bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía nam hình thành 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và Châu Âu, vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore). Đã đưa vào khai thác 44 luồng hàng hải công cộng, 34 luồng hàng hải chuyên dùng, 94 đèn biển trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, 32 đài thông tin trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên cùng hệ thống thu nhận, truyền phát,… hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, giám sát vị trí tàu thuyền; hoạt động hàng hải trong vùng nước cảng biển.

Theo thống kê, lượng hàng container qua cảng biển Việt Nam khoảng 20 năm trước (năm 2000) đạt 1,14 triệu TEUs (chiếm 16% tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển) thì hiện nay, con số này đã tăng khoảng 40 lần. Năm 2020, sản lượng container qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 22 triệu TEUs, chiếm gần 32% tổng sản lượng hàng hóa và tốc độ tăng trưởng rất nhanh, trung bình khoảng 11,7%/năm. Sản lượng thực tế thông qua cảng năm 2020 đã vượt chỉ tiêu dự báo ở phương án cao trong quy hoạch 1,7% về tổng hàng và 13,5% về hàng container.

Lượng hàng qua cảng biển Việt Nam giai đoạn 2015-2020

Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang đánh giá, kỳ tích có được của phát triển cảng biển hôm nay chính là nhờ chúng ta đã hiện thực hóa phương châm “hạ tầng cảng biển luôn đi trước một bước”. Chính sách đa dạng hóa nguồn vốn cho hạ tầng cảng biển, dựa trên nền tảng phát triển của nền kinh tế đất nước giống như “thỏi nam châm” có sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp đầu tư. Thời điểm hiện tại, gần như 100% hạ tầng bến cảng tại Việt Nam được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Chính sách mở về đầu tư đã giúp chất lượng dịch vụ khai thác cảng ngày một nâng cao. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn trên thế giới đã tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam như: Tập đoàn Hutchison Port Holding (Hongkong, Trung Quốc), nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới đầu tư bến cảng SITV tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn APMT (Đan Mạch), nhà khai thác cảng số 2 thế giới đầu tư khai thác cảng CMIT tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn PSA (Singapore), nhà khai thác cảng số 3 thế giới đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA (Bà Rịa - Vũng Tàu); Tập đoàn DP World (UAE), nhà khai thác cảng số 5 thế giới tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT (TP Hồ Chí Minh); Tập đoàn SSA Marine (Mỹ) nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới đầu tư khai thác bến cảng CICT (Quảng Ninh) và bến cảng SSIT (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Các hãng tàu Mitsui O.S.K Line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…, cùng một số nhà khai thác cảng trong nước như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã mang đến những dịch vụ cảng biển tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.

Hơn hai thập kỷ qua, chúng ta đã xây dựng hệ thống hạ tầng cảng biển đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế với mức giá dịch vụ cạnh tranh trong khu vực. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, song nước ta đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây hai cảng nước sâu ở hai đầu đất nước, tạo cơ sở hình thành các tuyến feeder (trung chuyển) từ các cảng địa phương, làm động lực phát triển thị trường vận tải nội địa.

Bài 2: Kết nối giao thông, khâu then chốt

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang