Tái tạo nguồn lợi hải sản trên vịnh Bắc Bộ

Bài 1: Hải sản khan hiếm, nhiều ngư dân bỏ tàu

00:27 23-10-2023

VBĐVN.vn - Nguồn lợi hải sản ở vịnh Bắc Bộ đã và đang bị khai thác quá mức, sản lượng giảm sút, theo đó, hiệu quả những chuyến đi biển của ngư dân ngày càng kém đi.

Ngư trường Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Vịnh Bắc bộ là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là nơi lưu giữ nguồn lợi sinh vật biển vô cùng phong phú và là nơi sinh cư, sinh sản của rất nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm he, mực nang, mực ống, cá hồng, cá song, cá tráp, cua ghẹ và rất nhiều loài hải đặc sản khác.

Hoạt động khai thác hải sản ở vịnh Bắc Bộ diễn ra nhộn nhịp với cơ cấu ngành nghề khai thác đa dạng, ngư trường khai thác rộng lớn, từ vùng biển ven bờ quanh các quần đảo cho đến vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc. Các tỉnh, thành ven biển có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá phát triển với nhiều cảng lên cá hiện đại, đáp ứng không những cho ngư dân địa phương mà còn cho ngư dân ở nhiều tỉnh khác.

Những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ nói chung đã và đang bị khai thác quá mức do số lượng tàu thuyền tăng nhanh cùng với việc quản lý chưa tốt đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi cả về chất và lượng. Bên cạnh đó, hàng loạt các loài hải đặc sản có nguy cơ biến mất, các loài cá tạp chất lượng thấp đang dần chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác.

Xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên là một trong những địa phương có truyền thống khai thác thủy sản nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Vào thời kỳ cao điểm cách đây khoảng 40 năm, khoảng 1.000 hộ dân trong xã làm nghề đánh bắt cá ven bờ và xa bờ, chiếm hơn 50%.

Cảng cá Trân Châu, Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Để hỗ trợ các hộ dân làm nghề đánh bắt cá biển, năm 1988, UBND huyện Thủy Nguyên ra quyết định thành lập Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu, thời kỳ cao điểm, liên tập đoàn đánh cá có tới hơn 800 con tàu đánh bắt ven bờ và xa bờ. Những chuyến tàu ra khơi khi về mang theo đầy hải sản, bán được vài trăm triệu đồng là bình thường, thậm chí có những chuyến ngư dân thu về đến hàng tỷ đồng.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nghề đánh bắt cá biển ở Lập Lễ đi xuống hẳn, từ hơn 800 tàu đánh bắt cá biển giai đoạn hoàng kim, đến nay, số tàu khai thác thủy sản ở xã Lập Lễ giảm xuống còn chưa đến 400. Trong số đó nhiều con tàu nằm bờ dài ngày, nhiều nghề từng “hái ra tiền” như đánh lưới tôm 3 lớp, đánh cá thu, nhụ, đé… biến mất, nghề xăm đáy cũng chỉ còn vài hộ bám trụ, tất cả cũng vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt

Trong số những con tàu nằm bờ, cám cảnh nhất là trường hợp tàu của vợ chồng anh Vũ Văn Lửng đóng mới năm 2017 với giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Hiện vợ chồng anh Lửng cùng đi xuất khẩu lao động, nhờ người nhà rao bán tàu với giá hơn 2 tỷ đồng. Nhiều ngư dân ở xã Lập Lễ cũng rao bán tàu, nhưng chẳng ai hỏi mua dù giá chỉ bằng 1/2, 1/3 so với đóng mới.

Nhiều tàu cá công suất lớn nằm bờ ở xã Lập Lễ thời gian đầu năm 2023. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu, đây là hậu quả của thời gian dài đánh bắt quá mức theo hình thức tận diệt, đánh bắt không đi đôi với phục hồi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Những năm gần đây, giá xăng dầu tăng trong khi giá các mặt hàng thủy sản ít biến động, thu nhập bấp bênh khiến nhiều ngư dân chuyển lên bờ tìm công việc khác ít rủi ro. Thực trạng này đang khiến nhiều chủ tàu cá trên địa bàn thành phố “đỏ mắt” tìm lao động hoặc chấp nhận ra khơi mà không đủ quân số, khó khăn cứ thế ngày càng chồng chất.

Cũng như ở huyện Thủy Nguyên, ở quận Đồ Sơn, trước đây là địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh. Nhưng do hoạt động khai thác đánh bắt ngày càng khó khăn, chi phí giá xăng dầu tăng khiến từ năm 2019 đến nay, quận này có 42 tàu cá bị bán hoặc dừng hoạt động. Tính đến tháng 10-2023, toàn quận này còn 152 phương tiện, trong đó, chỉ có 14 tàu chiều dài từ 15 m trở lên. Nhiều ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 với số tiền gần 20 tỷ đồng nhưng vì việc đánh bắt thủy sản không đủ để trang trải nợ nần nên đã bỏ tàu đi xuất khẩu lao động hoặc chuyển đổi nghề.

Ghi nhận của PV, thực trạng nguồn lợi hải sản khan hiếm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và đời sống ngư dân không chỉ xảy ra ở Hải Phòng mà diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành ven biển phía Bắc. Đơn cử như tại Quảng Ninh, hiện nay nguồn lợi thủy sản khu vực gần bờ trên vùng biển cũng đã giảm dần, cả về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt được. Mặc dù tổng sản lượng khai thác thủy sản năm sau vẫn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước.

Nguồn lợi hản sản ngày càng khan hiếm, những chuyến đi biển của ngư dân cũng buồn hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Nếu như trước đây, một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm, như cá trích, tôm hùm, bào ngư, điệp, mực và trong mỗi mẻ lưới của ngư dân, tỷ lệ cá tạp có lúc chiếm tới 70%. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi là do khai thác quá mức, sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ và tình trạng sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Theo Viện nghiên cứu Hải sản, vùng biển vịnh Bắc Bộ hiện có khoảng 568 loài hải sản, thuộc 321 giống và 145 họ. Trong đó, cá đáy được xác định là 197 loài, cá nổi 70 loài, giáp xác có khoảng 47 loài và chân đầu 30 loài.

Khảo sát gần đây nhất cho thấy, tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ ước tính khoảng 752 nghìn tấn trong mùa gió Đông Bắc và 719 nghìn tấn trong mùa gió Tây Nam, khả năng khai thác cho phép khoảng 350 nghìn tấn. Đáng lưu ý trong cả hai giai đoạn sản lượng khai thác tối ưu nhóm cá nổi đều chiếm khoảng 70-80% và nhóm hải sản tầng đáy chiếm khoảng 20%.

Ở vịnh Bắc Bộ, các họ chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác bao gồm: họ cá khế, cá tráp, cá sơn sáng, cá liệt, mực ống, cá lượng, cá mối và cá đù. Các loài chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác gồm: cá nục số, cá bánh đường, cá sơn sáng, cá sòng nhật và mực ống.

Một chuyến đi biển may mắn hiếm hoi của ngư dân ở Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ có sự biến động rõ ràng trong 2 mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Trong giai đoạn gần đây, nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy có sự biến động cao hơn các nhóm nguồn lợi khác ít có sự biến động.

Trước thực trạng này, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng nguồn lợi, hoạt động khai thác, ở vùng biển vịnh Bắc bộ đã được Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện, có giá trị thực tiễn khi áp dụng vào thực tế.

Cùng với đó, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn lợi hải sản bền vững, cùng với tuyên truyền, tái tạo là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Qua đó, bước đầu đã giúp ngư dân dần thay đổi thói quen, chủ động hơn trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản trên biển. Đồng thời bước đầu khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng, hoạt động khai thác thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, sản lượng suy giảm. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 500 tàu cá giải bản, xóa tên trên hệ thống đăng ký tàu cá quốc gia. Hoạt động khai thác thủy sản thời gian tới dự báo gặp không ít khó khăn do nguồn lợi suy giảm, tiêu chuẩn nghề cá thế giới nâng lên cùng với đó do tình trạng già hóa, khan hiếm nguồn nhân lực đi biển ngày một tăng.

Đinh Mười (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang