Bài 1: Linh hoạt trong tuyên truyền
VBĐVN.vn - Trong những năm qua, Quân chủng Hải quân đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) và thu hút nguồn lực với các tỉnh, thành; cơ quan, đơn vị toàn quốc. Trong đó, các đơn vị Hải quân có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới trong phối hợp TTBĐ với địa phương có đường biên giới trên bộ. Công tác tuyên truyền đó đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về biển, đảo, biên giới quốc gia...
Năm 2021, toàn Quân chủng đã tổ chức gần 180 buổi TTBĐ với hơn 138 nghìn lượt người tham gia. Các cơ quan, đơn vị phối hợp với báo, đài Trung ương, địa phương viết 1.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Quân chủng, tạo ấn tượng đẹp về hình ảnh bộ đội Hải quân trong lòng nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Năm qua, đã diễn ra hàng loạt các sự kiện quan trọng của đất nước, Quân đội, Quân chủng như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Bầu cử Quốc hội Khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Mỗi sự kiện như vậy các cơ quan, đơn vị Hải quân đều phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành để tuyên truyền tạo điểm nhấn về biển, đảo, dấu ấn bộ đội Hải quân trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả.
Tại hội nghị trực tuyến báo cáo viên Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức với gần 1.800 điểm cầu, gần 44 nghìn đại biểu đã được thông tin 2 chuyên đề (Đường Hồ Chí Minh trên biển-hiện thân của ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc; Tình hình Biển Đông thời gian gần đây và nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay) được dư luận đánh giá cao, lan tỏa đến mọi miền của Tổ quốc.
Tỉnh Điện Biên là địa phương duy nhất có đường biên giới chung với hai nước Trung Quốc và Lào. Đây là một trong những địa phương ký kết phối hợp TTBĐ với Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân. Dù địa phương không có biển song các cấp ủy, chính quyền luôn xác định công tác TTBĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định chính trị, kinh tế-xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay. Các cấp của tỉnh đã chỉ đạo cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong tình hình mới, vấn đề về chủ quyền biển, đảo và tình hình Biển Đông...
Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân cho biết: Cơ quan đã phối hợp TTBĐ với Ban Tuyên giáo một số tỉnh, thành ủy trong đó Hà Giang, Điện Biên là 2 tỉnh biên giới. Đời sống của bà con nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đường vào các thôn, bản nhưng được sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương qua những buổi tổ chức tuyên truyền đều đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, ghi dấu ấn đậm nét.
Chúng tôi tìm hiểu về công tác TTBĐ tại một số nơi có đường biên giới trên bộ thấy địa phương đã rất nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị Hải quân để có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm vùng miền trong tuyên truyền... Ở tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức tốt hội nghị tập huấn về công tác thông tin đối ngoại, TTBĐ, biên giới đất liền. Tỉnh đoàn và các nhà trường tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề biển, đảo Tổ quốc và người chiến sĩ Hải quân thu hút hàng chục nghìn lượt cán bộ, giáo viên, đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức giờ dạy học liên môn với chủ đề “Biển đảo Việt Nam”, “Em yêu biển, đảo Việt Nam” và tăng cường nội dung biển, đảo trong các môn học lịch sử, địa lý, giáo dục quốc phòng.
Tỉnh Cao Bằng cũng tích cực, chủ động triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa hướng về biển, đảo. Riêng Tỉnh đoàn Cao Bằng có sáng kiến chương trình “Chiếu trúc biên cương-Gửi yêu thương tới hải đảo”. Hàng nghìn chiếu trúc được làm từ chính vùng cao biên giới đã gửi tặng cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói chung, các lực lượng làm nhiệm vụ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 nói riêng; góp phần làm ấm lòng hơn người lính biển vững tay súng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Trong dịp kỷ niệm 60 Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, Tổng công Tân cảng Sài Gòn đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam và 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển” bằng hình thức trực tuyến. Cuộc thi thu hút đông đảo mọi người tham gia, nhất là tuổi trẻ những đơn vị ký kết phối hợp TTBĐ với Tổng công ty. Kết quả cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 755 nghìn bài dự thi đến từ 45 tỉnh, thành trong cả nước; trung bình mỗi kỳ có gần 189 nghìn bài dự thi. Tỉnh Gia Lai có Sở Giáo dục và Đào tạo, TP Pleiku, thị xã Ayun Pa, các huyện: Kbang, Phú Thiện, Đak Đoa... là địa phương có nhiều người tham gia.
Theo đồng chí Huỳnh Thế Mạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, cuộc thi được tổ chức thành công đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, tạo không khí thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Cuộc thi cũng khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên tầng lớp nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, chung sức đồng lòng trong giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận