Bảo vệ vùng biển Thừa Thiên Huế

Bài 1: Ngư dân vươn khơi, giữ gìn chủ quyền

10:17 28-09-2021

VBĐVN.vn - Lênh đênh trên biển dài ngày, vật lộn với sóng dữ để mưu sinh, nhưng ngư dân tại Thừa Thiên Huế vẫn không quên góp phần giữ gìn chủ quyền an ninh biển, đảo.

Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nói chung, biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trong đó ngư dân đóng vai trò rất quan trọng.

Ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro... nhưng với họ, vươn khơi bám biển đâu chỉ là hành trình để kiếm sống, đó còn là hành trình của ý chí kiên cường, khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa...

Ngư dân Thừa Thiên Huế trở về sau những ngày dài bám biển

Mỗi thuyền là một “cột mốc sống”

Mặt trời xuống biển, xa xa dưới ánh hoàng hôn là chiếc thuyền 705CV với lá cờ Tổ quốc bay phấp phới của ngư dân Nguyễn Thanh Đô, chủ tàu số hiệu TTH - 91456 - TS tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang). Sau chuyến đi biển kéo dài hơn 2 tuần, ông Đô cùng các bạn thuyền cập bờ với khuôn mặt hớn hở bởi “bội thu” tôm, cá. Ra khơi từ khi còn là một thanh niên mười chín, đôi mươi, đến nay ngót nghét gần 30 năm ông Đô gắn bó với biển. Chính vì thế đối với ông, biển “là nhà”, trở thành quê hương thứ hai và trở nên gần gũi, thiêng liêng. Mỗi chuyến ra khơi không còn là hành trình đánh bắt hải sản, kiếm kế sinh nhai... mà đó còn là hành trình để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.

Theo ông Đô, đã đi biển thì ngư dân phải nắm vững quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Luật Biển 1982 và các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để đánh bắt, khai thác đúng ngư trường quy định của nước ta trên khu vực biển Đông.

“Mỗi đợt ra khơi, những thông tin về vị trí tọa độ, phương án đấu tranh trên biển đều được bà con ngư dân chúng tôi phối hợp thực hiện nhằm bảo vệ ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt. Chúng tôi mua sắm thêm bộ đàm và radio mới để kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra. Khi tổ chức khai thác trên biển, các phương tiện thường giữ khoảng cách gần nhau hơn chứ không xa nhau như trước nữa. Nhìn lá cờ Tổ quốc trên thuyền, ai ai cũng một lòng cố gắng vừa đánh bắt vừa sẵn sàng trước mọi thế lực...”, ông Đô thổ lộ.

Những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới

Ngư dân Trần Đinh (phường Thuận An, thành phố Huế) cho hay, hầu như năm nào phía Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng các ngư dân vẫn kiên trì, quyết tâm cho tàu cá hoạt động đánh bắt ở ngư trường xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa.

“Mỗi lần tôi và các ngư dân cho tàu nổ máy ra khơi không những mang tôm, cá về mà quyết tâm vươn khơi còn thể hiện sự phản đối trước hành động phi lý, sai trái khi Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam...”, anh Đinh khảng khái.

Các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” phát huy được tinh thần vươn khơi, bảo vệ chủ quyền của ngư dân

Cũng trong thời gian qua tại Thừa Thiên Huế, các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” đã được lập nên. Khi tham gia tổ, các thành viên được hỗ trợ trang thiết bị, thông tin, tài liệu, được ưu tiên xét, cấp phương tiện, trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát, phương tiện an toàn, cứu sinh… khi có các chương trình, dự án. Được ưu tiên trong xem xét giao diện tích sản xuất diêm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo quy định của pháp luật...

Nếu thành viên nào trong tổ đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết, mất mát ngư lưới cụ, máy móc hỏng hóc… thì các thành viên còn lại của tổ sẽ tham gia đóng góp, hỗ trợ. Hằng ngày, các tàu cá đã phát huy được vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ viên trong tổ hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, chấp hành nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển. Cũng nhờ vậy, các ngư dân trở nên mạnh dạn, tự tin giữa biển cả bao la.

Thành lập từ năm 2015, đến nay ở Thừa Thiên Huế đã có 92 “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” với 318 phương tiện, 1.305 thuyền viên. Mỗi tổ khoảng 10 - 12 người.

Phát huy vai trò ngư dân

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, để nâng cao hiệu quả hoạt động của “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”, đơn vị đã thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản của Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam...

Trên cơ sở đó, đội ngũ này sẽ làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân phát huy vai trò trách nhiệm, tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Ngư dân gặp nạn được lực lượng biên phòng cứu trợ kịp thời

Tại cảng Thuận An, những người lính biên phòng trực 24/24h để thực hiện các thủ tục đăng ký, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa tàu cá ra vào cửa biển, tuyên truyền thực hiện cam kết về việc đánh bắt đúng quy định trước khi ngư dân ra khơi hoặc sau chuyến đánh bắt trở về. Đặc biệt trong tình hình Covid – 19 đang biễn biến phức tạp, biên phòng không quên nhắc nhở ngư dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi khi gặp sự cố trên biển, nhất là khi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển quốc gia, các tàu cá đã kịp thời truyền tín hiệu về bờ để các đồn biên phòng có phương án xử lý. Lực lượng biên phòng sẵn sàng có mặt nơi đầu sóng, bất kể thời gian, không gian, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo tính mạng, tài sản của ngư dân.

Các ngư dân đều cho rằng, nhờ có các cán bộ, chiến sĩ biên phòng mà ngư dân đã đoàn kết, “xây” cho mình một “ngôi nhà chung” mà ở đó mỗi thuyền viên đều biết tương trợ, sẻ chia ngư trường và bảo vệ nhau trước những tình huống hiểm nguy có thể xảy ra trên biển.

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thành lập 2 CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” ở xã Phú Thuận và phường Thuận An với hàng chục thành viên tham gia.

Theo ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An, tính đến tháng 8-2021, phường có 337 tàu thuyền lớn nhỏ đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong đó ngư trường xa bờ tập trung chủ yếu ở Hoàng Sa với 122 tàu, sản lượng hải sản khai thác đạt hơn 10.000 tấn/năm. Đặc biệt, từ khi có CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” thì hoạt động ngư nghiệp của địa phương trở nên sôi động, đạt hiệu quả cao. Thời gian gần đây, các ngư dân trẻ đang nỗ lực thực hiện hoạt động đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các ngư dân trẻ trong CLB còn tích cực tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU đến các ngư dân, chủ tàu cá địa phương. Nhờ thế nên nhiều ngư dân, chủ phương tiện tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ ở Thuận An nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã chấp hành nghiêm quy định để thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU, không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài...

Biên phòng đồng hành cùng ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi

Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân luôn được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế thực hiện thường xuyên để khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền các xã biển tặng hàng ngàn lá cờ cho ngư dân các huyện Phú Lộc, Phú Vang, thành phố Huế...

Thay lá cờ đã bạc màu bởi nắng và gió biển bằng lá cờ Tổ quốc còn mới nguyên trước khi tàu xuất bến, ngư dân Bùi Văn Dũng (58 tuổi, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) không giấu được niềm vui. Đây là cờ Tổ quốc do cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng trên địa bàn vừa tặng. Món quà ý nghĩa này là nguồn cổ vũ, động viên mỗi ngư dân như ông Dũng về ý thức, trách nhiệm của mình với biển, đảo.

“Dù cả đời gắn bó với nghề biển, hình ảnh biển cả đã trở nên thân thuộc nhưng mỗi lần nhìn những con tàu nối đuôi nhau xuất bến vươn khơi trong lòng tôi không khỏi xúc động. Đặc biệt là những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên vùng biển quê hương, tiếp thêm niềm tin về mỗi chuyến ra khơi. Chúng tôi đánh bắt ở bất cứ vùng biển xa hay gần cứ nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là thấy quê hương, thấy trách nhiệm của mình không chỉ là một ngư dân mà còn như là một chiến sĩ vừa đánh bắt vừa bảo vệ vùng biển”, ông Dũng tâm sự.

Đại tá Hà Văn Ái, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, mỗi con tàu như mỗi một căn nhà của ngư dân trên biển, là mỗi cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Nhờ ngư dân mà đơn vị được cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị. Nhiều tàu cá đã trực tiếp cũng như phối hợp với lực lượng chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn thành công hàng chục vụ tai nạn xảy ra trên biển.

“Việc tặng cờ, tặng quà... với mong muốn động viên, khích lệ niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh để bà con ngư dân vượt qua những khó khăn; khơi dậy cho những ai vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, Đại tá Ái chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đến tháng 8-2021, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có 400 phương tiện tàu thuyền khai thác xa bờ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Các tàu này không chỉ tổ chức đánh bắt hải sản đưa lại hiệu quả kinh tế, mà còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo baotainguyenvamoitruong.vn

Bài 2: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang