Văn hóa biển, đảo Việt Nam - nguồn lực phát triển bền vững

Bài 2: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

14:57 11-09-2023

VBĐVN.vn - Việt Nam có không gian văn hóa vùng biển, đảo rộng lớn, đa dạng, là tiềm năng lớn trong phát triển ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, quá trình phát triển kinh tế cũng như hội nhập quốc tế về mọi mặt đã đặt ra cho văn hóa nói chung, văn hóa biển, đảo nói riêng những cơ hội và thách thức không nhỏ để phát triển bền vững. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, về câu chuyện này.

Văn hóa biển, đảo phong phú

Phóng viên: Thưa ông, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, thời gian qua, văn hóa biển, đảo đã được quan tâm ra sao?

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng: Biển, đảo nước ta là khu vực rất quan trọng, không chỉ với phát triển kinh tế-xã hội, mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, đường lối và chính sách cụ thể để quản lý và phát triển khu vực biển, đảo. Hiện thực hóa những chủ trương đó, nước ta đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo, là cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho việc tăng cường quản lý nhà nước ở khu vực biển, đảo, không chỉ trên lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế-xã hội mà còn quan tâm đến phát triển văn hóa vùng biển, đảo.

Sau khi đất nước thống nhất, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai miền Nam-Bắc, đặc biệt từ Nghị quyết Đại hội VI của Đảng năm 1986, văn hóa Việt Nam được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII năm 1998 đã nêu rõ mục tiêu cụ thể, rõ ràng: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, toàn bộ hệ thống giá trị của nền văn hóa, ở khắp các vùng, miền đều được quan tâm, trong đó quan tâm hơn tới văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng biển, đảo... để hướng đến việc xóa bỏ khoảng cách giữa văn hóa ở miền xuôi và miền ngược, giữa vùng đồng bằng đất liền với hải đảo xa xôi. Những vấn đề tăng cường hợp tác trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái tiêu biểu ở vùng ven biển và hải đảo phục vụ phát triển du lịch biển; tổ chức sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch biển ở một số thành phố ven biển, quảng bá thương hiệu biển Việt Nam tới quốc tế... đã được quan tâm đẩy mạnh.

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng.

Ngoài những văn bản chung, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng những quy định riêng của địa phương, bao gồm cả lĩnh vực văn hóa, trong đó, các địa phương có biển cũng đều chú ý đến quản lý và phát triển văn hóa biển, đảo.

Đến nay, có thể nói chúng ta đã và đang nỗ lực hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa nói chung, văn hóa biển, đảo nói riêng và đã đem lại những kết quả thực tế thiết thực.

Phóng viên: Nước ta có đường bờ biển dài với nhiều địa phương gắn với biển, đảo, tạo nên hệ thống văn hóa biển, đảo phong phú, ở nhiều loại hình. Tiềm năng khai thác các giá trị văn hóa biển, đảo ở nước ta ra sao, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng: Ở góc nhìn địa-chính trị, địa-văn hóa, chúng ta có không gian văn hóa vùng biển, đảo vô cùng rộng lớn, là tiềm năng lớn trong khai thác kinh tế; tiếp nhận tinh hoa văn hóa từ những nền văn minh nhân loại; phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh, di sản, ẩm thực... biển. Như chúng ta thấy, ngư dân với việc bám biển từ bao đời nay đã tạo nên những giá trị văn hóa riêng, cũng quá trình đó, người dân tạo nên những giá trị kinh tế từ việc đánh bắt, khai thác tài nguyên biển. Biển cũng là cửa ngõ giao thương của quốc gia, quá trình đó cũng thúc đẩy việc giao lưu và tiếp nhận những tinh hoa văn hóa từ các nền văn hóa khác trên thế giới, qua đó góp phần quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc và làm giàu, hình thành các giá trị văn hóa mới.

Văn hóa biển, đảo với sự phong phú, đặc sắc ở các vùng, miền đất nước đã là vốn quý cho khai thác để phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Hệ thống bãi biển với di sản thiên nhiên trải dài từ Bắc vào Nam được đánh giá thuộc hàng đẹp nhất khu vực, cùng với hệ thống các di tích, văn hóa phi vật thể như lễ hội, phong tục, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực vùng biển... đã thực sự trở thành tài nguyên du lịch biển giá trị, hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cùng với việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo thì quá trình phát triển hiện nay cũng đặt ra những thách thức đối với việc bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa biển, đảo. Bên cạnh đó, những thách thức từ biển khác như thiên tai, vấn đề nước biển dâng tác động trực tiếp tới đời sống người dân ven biển, xâm thực mặn làm ảnh hưởng đến các vùng đồng bằng châu thổ, hay những thách thức về vấn đề quốc phòng, an ninh trên biển... đòi hỏi chúng ta cần hết sức quan tâm trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Thách thức phát triển bền vững

Phóng viên: Bên cạnh kết quả chúng ta đạt được thì những vấn đề của cuộc sống hiện đại với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập thế giới sâu rộng về mọi mặt... cũng kéo theo không ít thách thức, hệ lụy cho văn hóa nói chung và văn hóa biển, đảo cũng không ngoại lệ, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng: Bác Hồ từng căn dặn: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Nếu chúng ta quá coi trọng kinh tế mà lãng quên những giá trị văn hóa thì rất khó để phát triển bền vững. Vì thế, phát triển kinh tế phải đồng thời quan tâm phát triển văn hóa nữa. Bởi con người là trung tâm, chủ thể của sự phát triển mà quan tâm phát triển văn hóa chính là chăm lo phát triển con người. Hệ giá trị của người Việt nếu được bồi đắp, hình thành từ những giá trị văn hóa, tạo nên những con người Việt Nam có trí tuệ mẫn tiệp và trái tim cao thượng, nhân văn, vì Tổ quốc, vì con người thì sẽ quyết định tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh... và tạo nên sự phát triển bền vững.

Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển du lịch từ văn hóa biển, đảo. Trong ảnh: Bãi biển Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Thực tế thì phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa thường khó tránh khỏi những xung đột. Thời gian qua, chúng ta tập trung phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực, vùng, miền và đạt được những kết quả tốt đẹp, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Phát triển kinh tế là sự tất yếu nhưng cần có sự cân đối hài hòa với phát triển văn hóa, nhất là văn hóa vùng biển, đảo, cần chăm sóc nhiều hơn nữa, quan tâm nhiều hơn nữa.

Câu chuyện rạn san hô ở vùng biển của một số địa phương đang bị hủy hoại cần phục hồi; ô nhiễm môi trường biển; quá trình xây dựng các công trình làm biến đổi địa hình vốn có của bờ biển, phá hỏng các di sản thiên nhiên, hệ sinh thái biển, đảo; việc đánh bắt tận diệt khiến một số loài sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở vùng biển nước ta, việc ngư trường không còn nhiều cá buộc ngư dân phải tìm ngư trường mới dẫn đến tình trạng vi phạm vùng biển quốc tế... là những vấn đề đáng báo động. Nếu phát triển kinh tế nhưng tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng đến thiên nhiên, đời sống con người, thậm chí sẽ làm biến đổi các giá trị văn hóa vùng biển, đảo bởi nếu ngư dân không còn sống bám biển thì văn hóa biển, đảo cũng mai một.

Phóng viên: Thưa ông, thực trạng đó đặt ra yêu cầu gì cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng biển, đảo để phát triển bền vững?

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng: Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến khó lường thì trong nước, chúng ta phải quan tâm tới hai nhiệm vụ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là phương châm của Đảng ta, đã được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Biển, đảo không chỉ là nơi sinh tồn của con người mà còn có ý nghĩa thiêng liêng là lãnh hải, "phên giậu" quốc gia, là trọng tâm của chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì thế, hiện tại và tương lai không xa thì văn hóa biển, đảo cùng kinh tế, quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo là một trong những hoạt động, nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Muôn đời nay, cha ông ta luôn lấy sức mạnh từ nhân dân, dựa vào dân để chiến thắng các thế lực xâm lược. Người dân với việc hình thành, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, cùng với các lực lượng khác đã trở thành những chiến sĩ, những cột mốc sống gìn giữ và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Chúng ta biết rằng, chủ thể của văn hóa biển, đảo là chính người dân vùng biển, đảo. Chúng ta đã có những chủ trương, chính sách rất tốt, ý nghĩa trong ưu tiên quan tâm tới người dân ở những vùng này, tuy vậy, quá trình thực hiện chưa mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng. Vì thế, yêu cầu đặt ra là nâng cao đời sống, dân trí cho người dân, cán bộ, nhất là cán bộ văn hóa vùng biển, đảo để chính những chủ thể văn hóa biển, đảo có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, một điều quan trọng đặt ra là phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với những giá trị văn hóa mới, đó là văn hóa kinh doanh, sản xuất, văn hóa doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực gắn với biển như khai thác tài nguyên, thủy-hải sản, du lịch, để không gây tác động xấu tới môi trường, không làm mai một văn hóa biển, đảo và góp phần tiếp sức cho người dân vùng biển, đảo trong việc làm, nâng cao trình độ khoa học-kỹ thuật, tư duy trong lao động sản xuất cũng như gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng mình...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là địa phương mang đậm nét văn hóa biển, đảo với những giá trị vật thể và phi vật thể được lưu giữ qua hàng trăm năm. Cảnh quan thiên nhiên đẹp và biết cách khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa địa phương gắn với phát triển bền vững, Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước nhiều năm nay. Lễ hội đua thuyền tứ linh, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hay các lăng thờ cá Ông với những bộ xương cá voi có niên đại tới 300 năm... trở thành cầu nối các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử với hiện tại.

Bài 3: Văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Thu Hòa (thực hiện)

Nguồn:qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang