Vang mãi thiên hùng ca trên biển

Bài 3: Những con tàu mang tên Phương Đông

23:14 18-10-2021

VBĐVN.vn - Sau những chuyến tàu gỗ từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc thành công, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện khác, thời cơ thành lập đoàn vận tải quân sự đặc biệt đã chín muồi.

Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759-vận tải biển, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đoàn 759 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng và lấy số nhà 83 Lý Nam Đế (Hà Nội) làm sở chỉ huy-nơi này hiện là Thư viện Quân đội. Từ đây, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã ra đi qua các bến K15, K20 (Hải Phòng), lên tàu không số thẳng tiến về phương Nam.

111 tấn vũ khí đầu tiên vào Khu 9

Sau ngày thành lập, Đoàn 759 vừa ổn định tổ chức vừa tích cực chuẩn bị bến bãi, tàu, thuyền cho những chuyến đi. Thời cơ đưa vũ khí vào chiến trường bằng đường biển đã đến. Con đường chạy suốt theo chiều dài đất nước trên Biển Đông, là cầu nối để đưa vũ khí vào chiến trường nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Mỗi lần có dịp trở lại bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), các cựu chiến binh của Đoàn tàu không số lại bồi hồi xúc động nhớ lại không khí thiêng liêng đêm 11-10-1962, khi cả đơn vị làm lễ tiễn con tàu gỗ mang tên Phương Đông 1, chở theo 30 tấn vũ khí nhận lệnh xuất phát. Tàu do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Thuyền viên gồm một số người thuộc các đội tàu vượt biển từ Nam ra hồi năm 1961. Vượt qua sóng gió và sự phong tỏa của kẻ thù, ngày 16-10-1962, tàu Phương Đông 1 đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau).

Cựu chiến binh Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển làm lễ tưởng niệm đồng đội tại cửa Vàm Lũng (Cà Mau)
Đoàn cựu chiến binh Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đến viếng mộ Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa tại khuôn viên của gia đình ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau)

Đến thăm gia đình thuyền trưởng Lê Văn Một tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phát hiện có một sự trùng hợp vô cùng lý thú. Đó là năm 1946, con thuyền mang tên Chiến Thắng chở 50 tấn vũ khí từ Thái Lan về nước cũng do đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên và ông Lê Văn Một làm thuyền trưởng. 15 năm sau, lịch sử được lặp lại trên con tàu Phương Đông 1-tàu không số đầu tiên chở vũ khí từ miền Bắc vào Nam thành công, cũng chính hai ông lại sát cánh bên nhau với vai trò là thuyền trưởng và chính trị viên.

Ông Nguyễn Xuân Lai, nguyên đài trưởng vô tuyến điện trên tàu Phương Đông 1 nhớ lại: "Tàu Phương Đông 1 có tất cả 13 cán bộ, chiến sĩ. Sau khi tàu rời bến K15 ra đến vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thì có dấu hiệu bị hỏng, nhiều người trên tàu có ý kiến cho tàu quay lại để sửa chữa rồi mới đi tiếp nhưng thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa đều có chung một quyết tâm, đó là tàu đã làm lễ xuất phát thì quyết tâm khắc phục chứ nhất định không quay lại...".

Đoàn cựu chiến binh Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm đồng đội tại của biển Vàm Lũng (Cà Mau)

Trở lại thăm bến Vàm Lũng (Cà Mau), nơi con tàu Phương Đông 1 cập bến cùng 30 tấn vũ khí, cựu chiến binh, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm, một trong những người được cử ra đón tàu ngày ấy nhớ lại: "Trước 10 ngày, chúng tôi đã ra biển để đón nhưng đến ngày thứ 11 thì tàu Phương Đông 1 mới vô. Hôm ấy, ngay từ 6 giờ sáng, anh em ở bến đã phát hiện có con tàu lớn mà lạ. Chúng tôi không dám nghĩ tàu của miền Bắc đưa vũ khí vào miền Nam lại bự như vậy. Trong suy nghĩ của anh em khi đó chỉ hình dung tàu nhỏ xíu như lúc mấy con tàu vượt biển ra Bắc hồi năm trước thôi nên chúng tôi không dám sáp lại. Chúng tôi đánh tín hiệu đèn để hỏi thì tàu Phương Đông 1 đáp tín hiệu trả lời đúng. Lúc đó, chúng tôi mới vỡ òa trong sung sướng và sáp lại, kéo cờ lên để nhận nhau và tổ chức hướng dẫn đưa tàu Phương Đông 1 qua cửa Vàm Lũng...".

Tin vui chiến thắng về chuyến đi của tàu Phương Đông 1 được báo cáo lên Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã điện biểu dương Đoàn 759 và chỉ thị hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc.

Cựu chiến binh Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển đến thăm mũi Cà Mau
Đất mũi Cà Mau hôm nay

Vậy là con đường biển nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn không chỉ là một thử nghiệm, một mong ước mà đã trở thành hiện thực. Chuyến đi đầu tiên thắng lợi làm tiền đề cho những chuyến đi tiếp theo. Đêm 16-10-1962, khi tàu Phương Đông 1 vào bến Vàm Lũng an toàn thì tàu Phương Đông 2 xuất phát. Tàu do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, đồng chí Lê Công Cần làm chính trị viên. Sau những ngày lênh đênh trên biển, lại bị sóng gió làm hỏng điện đài vô tuyến khiến tàu bị mất liên lạc với sở chỉ huy, nhưng với nỗ lực cao của tập thể tàu, mấy ngày sau, tàu Phương Đông 2 cũng cập bến an toàn. Kế theo tàu Phương Đông 2, ngày 14-11-1962, tàu Phương Đông 3 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Dục, chính trị viên Hồ Đức Thắng chỉ huy lên đường. Ngày 14-12-1962, tàu Phương Đông 4 do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, đồng chí Đặng Văn Thanh làm chính trị viên xuất phát. Tất cả những chuyến đi của những con tàu mang tên Phương Đông đều vào được bến Cà Mau an toàn.

4 chuyến tàu gỗ mang tên Phương Đông trong hai tháng đã đưa được 111 tấn vũ khí vào Khu 9. Đây không chỉ là một thắng lợi lớn mà còn giúp đáp ứng kịp thời cho lực lượng vũ trang của ta ở cực nam Nam Bộ đang phát triển, rất cần vũ khí. Việc đưa được vũ khí vào vùng đất tận cùng của Tổ quốc có ý nghĩa đặc biệt, nó có sức cổ vũ mãnh liệt về niềm tin cho đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu, củng cố quyết tâm của nhân dân miền Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, vào hậu phương lớn miền Bắc. Đặc biệt, đó là thời điểm địch mở cuộc càn lớn mang tên “Sóng tình thương” vào vùng Năm Căn (Cà Mau). Tàu chiến của địch nhiều như cua bò vào khắp các kênh rạch, máy bay trực thăng lượn lờ kín trên không và đổ quân, bắn phá. Nhưng nhờ có súng đạn đưa vào kịp thời từ 4 con tàu mang tên Phương Đông, quân, dân vùng cực nam Nam Bộ đã anh dũng chiến đấu, đập tan chiến dịch càn quét của địch, bắn chìm và phá hủy 20 tàu chiến các loại. Từ đó, bến Vàm Lũng trở thành địa điểm ghi dấu những kỷ niệm sâu sắc của nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ chở vũ khí vào đây.

Ở nơi “khai sinh” tàu không số

Để có phương tiện, Bộ Quốc phòng đã đặt Xưởng đóng tàu 1 (Hải Phòng) đóng 4 con tàu gỗ giống như những con tàu gỗ ở miền Nam đi ra Bắc. Sau nhiều ngày nghiên cứu và thiết kế, đội ngũ cán bộ tham mưu, hậu cần đã hoàn chỉnh hồ sơ, thiết kế để gửi đến Xưởng đóng tàu 1 (nay là Công ty Đóng tàu Hạ Long). Với tinh thần lao động khẩn trương, tháng 8-1962, những con tàu gỗ được Xưởng đóng tàu 1 bàn giao cho Đoàn 759. Đó chính là những con tàu mang tên Phương Đông.

Ông Lương Văn Diễn, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đóng tàu Hạ Long cho biết: "Trụ sở của công ty ngày nay chính là nơi mà Xí nghiệp X25 và Xưởng đóng tàu 1 đã đóng những con tàu không số phục vụ và góp phần vào thắng lợi của việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Nhưng mãi đến tận sau này, khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi mới biết những cán bộ, công nhân tiền bối của đơn vị đã góp công sức để đóng những con tàu không số. Lịch sử của công ty ghi lại cụ thể Xưởng đóng tàu 1 đã đóng 4 tàu, Xí nghiệp X25 đóng 2 tàu. Thực tình lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ rằng đóng tàu cho tập đoàn đánh cá của miền Nam".

Qua 4 chuyến tàu gỗ đưa vũ khí vào Cà Mau thành công, Bộ Chính trị nhận định ta có thể mở con đường vận chuyển lâu dài, muốn vậy phải có những phương tiện tốt hơn, có thể đi trong mọi thời tiết. Hơn nữa, phong trào cách mạng miền Nam đang không ngừng phát triển, lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, đặc biệt đã xuất hiện những đơn vị chủ lực. Tình hình đó đòi hỏi con đường vận chuyển vũ khí trên biển cần phát triển nhanh hơn. Không chỉ tăng số lượng chuyến đi mà phải tăng chất lượng, hiệu quả trong mỗi chuyến. Chủ trương của Quân ủy Trung ương cần có những con tàu sắt từ 50 đến 100 tấn làm phương tiện vận chuyển. Công việc đóng tàu được xúc tiến khẩn trương, Bộ Quốc phòng đề nghị Xưởng đóng tàu 3 (Hải Phòng) đảm nhiệm công việc này.

Đến thăm cơ sở từng đóng những con tàu sắt đầu tiên của Xưởng đóng tàu 3 ngày đó, chúng tôi gặp ông Trương Văn Trọng, một trong số những người trực tiếp tham gia đóng tàu. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiếc tàu sắt đầu tiên do Xưởng đóng tàu 3 (Hải Phòng) đóng đã được bàn giao cho Đoàn 759. Ông Trương Văn Trọng nhớ lại: "Cuối năm 1962, chúng tôi nhận được nhiệm vụ đóng tàu vận tải sắt cho quân đội kèm với yêu cầu phải làm ngay và làm cấp tốc để có thể hạ thủy tàu 100 tấn sớm nhất. Với tất cả tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân, đầu năm 1963, Xưởng đóng tàu 3 đã bàn giao con tàu đầu tiên cho phía quân đội. Sau này, chúng tôi mới được biết những con tàu do chúng tôi đóng là để thực hiện nhiệm vụ chở vũ khí tiếp tế cho quân giải phóng miền Nam nên anh chị em rất phấn khởi".

Đoàn cựu chiến binh Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đến viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu di tích Cù lao Ông Hổ (An Giang)
Đoàn cựu chiến binh Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam đến viếng Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu di tích Cù lao Ông Hổ (An Giang)

Cùng với việc đóng mới tàu sắt, Quân ủy Trung ương chỉ thị gấp rút chuẩn bị bến bãi, cầu cảng. Ở phía Nam, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn Giang thuyền 962 thuộc Quân khu 9) làm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển đến từng chiến trường, từng đơn vị chiến đấu. Còn ở miền Bắc, nhiệm vụ kiên cố hóa cầu cảng được giao cho Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83 thuộc Quân chủng Hải quân) đảm nhiệm. Vị trí được chọn làm cầu cảng kiên cố mang ký hiệu K15 là một vịnh nhỏ nơi thung lũng xanh, đối diện bãi tắm Khu 3 (Đồ Sơn, Hải Phòng) ngày nay. Cảng K15 còn được cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số gọi là "cây số không" của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây hiện đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia với một bia tưởng niệm trang trọng. Tại vị trí này, đã có hàng trăm con tàu không số lặng lẽ ra khơi, vượt qua muôn trùng sóng gió và sự phong tỏa của kẻ thù để chở hàng chục nghìn tấn vũ khí cùng nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội chi viện cho cách mạng và chiến trường miền Nam.

Bài và ảnh: MAI CHU ANH

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang