Bài 3: Văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển
VBĐVN.vn - Văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là một thành tố quan trọng của văn hóa biển, đảo Việt Nam; được liên tục bồi đắp theo tiến trình phát triển của dân tộc ta qua hàng nghìn năm. Ngày nay, phát huy giá trị văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển càng có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, nguyên Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, nguyên Phó chính ủy Học viện Quốc phòng về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, từ xa xưa, con người gắn bó với biển, tạo nên nền văn hóa biển, đảo. Văn hóa này đã tác động thế nào đến việc hình thành văn hóa giữ nước của dân tộc ta?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ hàng nghìn năm trước, cư dân đã gắn bó với biển. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 người con xuống biển, 50 người con lên non đã thể hiện tư duy sơ khai về chinh phục và lấn biển, bám biển của tổ tiên ta xa xưa. Khoa học lịch sử và khảo cổ với những phát hiện hiện vật trong những mộ cổ có hình tượng con thuyền cũng đã chứng minh cho việc người Việt cổ có sự gắn bó chặt chẽ với sông, biển.
Biển gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân ta, vì thế cũng đã sớm hình thành ý thức về chủ quyền và nhu cầu bảo vệ hoạt động trên biển. Bởi vậy, xây dựng quân thủy và giỏi thủy chiến đã trở thành nét nổi bật trong lịch sử tổ chức quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta. Và, cùng những chiến công oanh liệt trên đất liền, dân tộc ta cũng lập nên biết bao chiến công oai hùng trên sông và trên biển. Tương truyền, thời Hùng Vương thứ 6, Vua Hùng đã cùng dân đánh thắng quân giặc từ đảo Quỳnh. Nhiều trận thủy chiến nổi tiếng khác của quân và dân ta ở thời Hai Bà Trưng, nhà Lý, nhà Trần, 3 lần chiến thắng quân xâm lược trên sông Bạch Đằng lịch sử...
Đặc biệt, thời kỳ phong kiến, vấn đề chủ quyền lãnh hải được các triều đại quan tâm một cách cụ thể, có hệ thống và ở tầm cao hơn. Nhà Lý đã thành lập trang Vân Đồn quản lý vùng biển Đông Bắc; nhà Trần thiết lập các trấn; nhà Lê đặt tuần kiểm ở các cửa biển, đảo để quản lý biển và thu thuế tàu, thuyền nước ngoài qua lại vùng biển nước ta; thời các Chúa Nguyễn tuyển chọn người nhiều kinh nghiệm, thành lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải luân phiên nhau đi biển; triều đình Vua Gia Long giao đội Hoàng Sa cùng thủy quân ra Hoàng Sa khảo sát và đo vẽ đường biển, trông nom lưu dấu để ghi nhớ chủ quyền. Các đời vua triều Nguyễn cũng rất quan tâm đến việc phát huy sức mạnh của con người, văn hóa khi huy động dân các làng sở tại ven biển sẵn sàng thuyền bè, khí giới tiếp ứng đánh giặc biển lúc cần...
Phóng viên: Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có Bộ đội Hải quân đã được thẩm thấu những giá trị văn hóa biển, đảo, đặc biệt là văn hóa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ra sao, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Có thể khẳng định giá trị văn hóa đầu tiên mà những người lính giữ biển được hun đúc từ dân tộc, đó là tình yêu biển, đảo, yêu quê hương, đất nước, gắn bó và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Những tri thức phong phú và tài thao lược của cha ông ta trong đánh giặc trên chiến trường sông, biển được hình thành và phát triển theo yêu cầu của các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược; đã trở thành truyền thống, là vốn quý của Quân đội ta nói chung, trong đó có Hải quân nhân dân Việt Nam, được kế thừa và phát huy trong các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghệ thuật thủy chiến, thủy binh của dân tộc ta là một phần tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam, cũng là một phần của văn hóa biển, đảo.
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ hải quân đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những chiến công vang dội. Trong đó, sự kiện ngày 5-8-1964, lần đầu ra quân chiến thắng hải quân và không quân Mỹ của Hải quân nhân dân Việt Nam, cũng là minh chứng cho quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ với Bộ đội Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Bộ đội đặc công Hải quân đã rèn luyện, trở thành những Yết Kiêu thời hiện đại bơi hàng chục ki-lô-mét, dũng cảm, mưu trí đánh chìm nhiều tàu, trong đó có những con tàu hiện đại hàng nghìn tấn của Mỹ. Hay còn là việc thành công mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, góp công lớn cùng quân và dân làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Thời bình, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều được giáo dục, thấm nhuần mỗi tấc đất, góc đảo, sải biển là chủ quyền thiêng liêng quốc gia và vẫn có những tấm gương hy sinh của bộ đội trong chiến đấu, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Bộ đội cũng luôn là chỗ dựa vững chắc, là lực lượng cùng ngư dân bám biển, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, lao động, khi gặp nạn trên biển. Bộ đội cùng nhân dân gìn giữ, bồi đắp và phát huy truyền thống văn hóa biển, đảo của cha ông, tạo thành những "cột mốc mềm" trên các vùng biển, đảo Tổ quốc, bằng việc: Lập làng, xây miếu thờ, cắm mốc, dựng cờ, xây đồn, bốt...
Theo thời gian, đến hôm nay, tình yêu, tinh thần gắn bó, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vẫn liên tục được bồi đắp, phát huy. "Đảo là nhà, biển cả là quê hương, quân dân trên đảo là anh em ruột thịt"; "Còn đảo, còn người, còn Tổ quốc"; "Đồn là nhà, biển đảo là quê hương"; "Xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường"... là những phương châm của lớp lớp người lính giữ biển, dẫu cuộc sống hằng ngày còn những gian nan, thiếu thốn; dẫu biết phía trước có thể là hy sinh, nhưng bộ đội vẫn luôn sẵn sàng vượt qua.
Phóng viên: Thưa đồng chí, văn hóa giữ biển và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được bồi đắp cho nhau như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Từ xưa, ngư dân cũng chính là những người gìn giữ, bảo vệ biển, đảo, vì thế, người dân vùng biển và người lính biển luôn có mối liên hệ khăng khít với nhau. Trong số những thủy thủ Tàu không số làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, có những người xuất thân là ngư dân dạn dày nắng gió, yêu biển, hiểu biển, có bản lĩnh, trí tuệ. Trên những chuyến Tàu không số, các thủy thủ không chỉ là những chiến sĩ gan dạ mà còn là những ngư dân thực thụ làm nghề đánh bắt cá trên biển để ngụy trang trước kẻ thù. Đối mặt với những sóng to gió lớn, không hải đồ, trước những hiểm nguy cận kề, các chiến sĩ, thủy thủ bằng kinh nghiệm, trí tuệ, ý chí kiên cường vẫn quyết tâm bám tàu, hoàn thành nhiệm vụ cao cả.
Bao giờ cũng thế, người lính giữ biển luôn được ôm ấp bởi tình yêu thương, che chở; được thấm đẫm những nét văn hóa trong đời sống lao động sản xuất của người dân vùng biển, từ kinh nghiệm sống với biển, cách tạo và sử dụng công cụ nghề biển, đi lại, đánh bắt, chế biến hải sản... Bằng việc hòa mình vào đời sống của người dân để hiểu và chia sẻ, Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển... đã trở thành người thân, người bạn đồng hành tin cậy với ngư dân trên biển.
Trong lịch sử, có thời kỳ những ngư dân ngày thường lao động sản xuất trên biển, khi đất nước cần, họ liền trở thành những người lính quả cảm. Đến nay, chính những người dân, trong quá trình bám biển, bằng tình yêu và nghĩa vụ thiêng liêng với biển, đảo Tổ quốc đã trở thành lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Sự hiện diện của ngư dân trên các tàu, thuyền đánh bắt cá, giữa biển cả mênh mông với những lá cờ Tổ quốc bay cao như cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo quốc gia; là lực lượng cảnh giới, phát hiện, thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng về tình hình trên biển, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập trái phép; hay những tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự trên biển đã tham gia hiệu quả trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng chuyên trách khác giải quyết những tình huống xảy ra trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển... Quá trình đó, bản thân họ đã mang trong mình những phẩm chất của người lính bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên: Phát huy các giá trị văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương: Đất nước ta có kho tàng đồ sộ và phong phú các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với văn hóa biển, trong đó có văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển với nhiều di tích gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đặc biệt có nhiều di tích, địa điểm để ghi nhớ, tôn vinh những danh nhân có công bảo vệ biển, đảo như: Đền Trần Khánh Dư (Quảng Ninh), đền thờ Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), đảo Phan Vinh (Khánh Hòa), tượng đài Bác Hồ, tượng đài Trần Hưng Đạo (Hải Phòng)... .
Ngày nay, khi các vấn đề an ninh trên biển ngày càng phức tạp, khó lường thì việc phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa biển, đảo là nền tảng quan trọng để khơi gợi niềm tự hào, tình yêu biển, đảo và đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của mỗi người là điều cần thiết. Phong trào cả nước hướng về Trường Sa, Trường Sa vì cả nước; các quỹ vì biển, đảo; cuộc vận động sáng tác, trưng bày, triển lãm về đề tài biển, đảo; chương trình kết nghĩa, phối hợp tuyên truyền về biển, đảo của các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển với các địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước... đã và đang được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực trong bồi đắp các giá trị văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển nói riêng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Văn hóa biển, đảo đang được các nhà khoa học và nhiều địa phương đẩy mạnh quan tâm nghiên cứu với các hướng tiếp cận, trong mối liên hệ với các ngành, lĩnh vực khác nhau. Điều đó không chỉ làm phong phú, đậm đà hơn bản sắc văn hóa biển, đảo nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung mà qua đó hy vọng sẽ mở ra những hướng phát triển kinh tế biển, khai thác các giá trị văn hóa biển gắn với phát triển bền vững. Từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo Tổ quốc. "Thế trận lòng dân" ấy xuất phát từ niềm tin của người dân vùng biển khi chất lượng cuộc sống được quan tâm, nâng lên, ra khơi có điểm tựa vững chắc là Quân đội và các lực lượng đồng hành.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(còn nữa)
Thu Hòa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận