Văn hóa biển, đảo Việt Nam - nguồn lực phát triển bền vững

Bài 4: Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho văn hóa biển, đảo

15:05 11-09-2023

VBĐVN.vn - (Tiếp theo và hết) Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách riêng cho văn hóa biển, đảo đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... là những giải pháp được PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đưa ra, nhằm phát triển văn hóa biển, đảo, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước giai đoạn hiện nay.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, văn hóa biển, đảo đã được quan tâm thể hiện bằng những chủ trương, chính sách ra sao, thưa đồng chí?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Việt Nam hiện có khoảng 500 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo, nhưng nhìn chung, chúng ta chưa có nhiều văn bản quản lý nhà nước trực tiếp đề cập về văn hóa biển, đảo. Các văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo của các bộ, ngành phần lớn mới chỉ tập trung điều chỉnh, giải quyết những vấn đề có tính chất chuyên ngành, nhiều quy định bị chồng chéo, trùng lặp. Ngành văn hóa vẫn chưa có sự kết nối tốt với các lĩnh vực khác trong việc phát triển biển, đảo nói chung, văn hóa biển, đảo nói riêng.

Có một thực tế nữa là, dù Nhà nước đã có một số chính sách đối với các địa phương vùng biển nhưng hiểu biết của người dân đối với những chính sách này còn hạn chế. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự tham dự và quyền lợi của người dân vùng biển, đảo đối với các lĩnh vực này. Ví như, chúng tôi từng làm một khảo sát, có tới 58,3% người dân khi được hỏi đều không biết về chính sách bảo tồn di sản văn hóa vùng biển, đảo. Cũng khi khảo sát ý kiến người dân về những hoạt động Nhà nước cần làm để phát triển văn hóa biển, đảo của địa phương, có nhiều ý kiến đề xuất hoạt động cần thực hiện: Tổ chức sự kiện có liên quan đến biển, đảo; phục hồi các lễ hội truyền thống; phát triển du lịch, giới thiệu văn hóa của người dân địa phương trên các phương tiện truyền thông đại chúng; triển lãm, in ấn thêm nhiều tài liệu về biển, đảo; phát triển các làng nghề; xây dựng bảo tàng biển, đảo... Đây cũng chính là cơ sở để hình thành những giải pháp cho hoạt động quản lý, phát triển văn hóa khu vực biển, đảo ở nước ta.

Bà Trần Thị Hoàng Mai: TP Hải Phòng là địa phương có di sản văn hóa phong phú ở các loại hình, trong đó nhiều giá trị văn hóa mang dấu ấn văn hóa biển, đảo rất rõ nét.

Trong những năm gần đây, TP Hải Phòng luôn quan tâm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, ngành văn hóa đã tham mưu cho thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc về: Xếp hạng di tích các cấp, danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, công nhận bảo vật quốc gia...; ban hành các nghị quyết về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố, công trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích, điển hình là Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 8-12-2017 của HĐND thành phố về công trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa xếp hạng cấp thành phố, giai đoạn 2018-2025; Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND thành phố về việc công trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2023-2027.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn.

Từ việc triển khai các chủ trương, chính sách về văn hóa và huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều công trình di tích và các giá trị văn hóa phi vật thể tại địa phương được phục hồi, gìn giữ, phát huy trong đời sống, góp phần tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

PV: Từ góc độ quản lý văn hóa biển, đảo trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần quan tâm tới điều gì, thưa đồng chí?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đầu tiên là cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý văn hóa biển, đảo phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trong đó, cần bổ sung những yếu tố có liên quan đến văn hóa trong Luật Biển Việt Nam, nhất là ở các vùng biển, đảo đặc thù, như: Dịch vụ công, kinh tế trong văn hóa, bộ máy quản lý văn hóa và nguồn nhân lực văn hóa, chính sách đặc thù hưởng thụ văn hóa của nhân dân hải đảo...

Trong công tác quản lý văn hóa biển, đảo hiện nay, một yêu cầu quan trọng đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với vai trò quan trọng trong định hướng và đưa ra những giải pháp thực thi cho sự phát triển của các hoạt động văn hóa biển, đảo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, cần tăng cường cán bộ văn hóa có trình độ chuyên ngành với cơ chế, chính sách đãi ngộ riêng cho cán bộ vùng hải đảo.

Bà Trần Thị Hoàng Mai: Với riêng TP Hải Phòng, chúng tôi xác định cần tiếp tục bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa biển, đảo cho phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững văn hóa biển, đảo.

Cần tiếp tục đầu tư cho di sản văn hóa về nguồn lực ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa, các yếu tố bảo đảm cho di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy, trong đó ưu tiên văn hóa biển, đảo. Tăng cường bồi dưỡng nguồn nhân lực và nâng cao công tác quản lý văn hóa ở cơ sở, qua đó lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội để người dân cùng tham gia và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo của quê hương mình. Ngoài ra, quan tâm tới chủ thể văn hóa bằng cơ chế, chính sách đãi ngộ, phụ cấp đối với nghệ nhân để duy trì, nắm giữ, thực hành và trao truyền văn hóa đến các thế hệ sau.

Bà Trần Thị Hoàng Mai.

PV: Cụ thể, để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa biển, đảo, cần có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Con người với hoạt động lao động sản xuất và sinh sống gắn với biển, đảo là chủ thể của văn hóa biển, đảo. Vì thế cần khuyến khích bảo vệ và phát huy các nghề gắn với biển, nhất là các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ bị mai một; quan tâm nâng cao đời sống người dân vùng biển, nhất là các hải đảo xa xôi. Cần huy động sự tham gia của cộng đồng cư dân trong quá trình quản lý văn hóa biển, đảo; trong đó, cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch, trực tiếp tham gia vào tổ chức các sự kiện văn hóa, đánh giá hiệu quả và được lợi từ những hoạt động ấy.

Cùng với nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về giá trị văn hóa biển, đảo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong không gian biển, đảo như: Đầu tư kinh phí cho công tác kiểm kê di sản, từ đó tạo dựng ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam; tiếp tục đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo di tích vùng biển, đảo; tạo điều kiện cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian biển, đảo được ổn định, bền vững, trở thành nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Ngoài ra, cần tăng cường năng lực quản lý văn hóa trong phát triển du lịch biển, đảo; có chính sách khuyến khích và xác định trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch đối với việc bảo vệ, tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch nói chung, các di sản văn hóa nói riêng ở vùng ven biển và hải đảo trong quá trình khai thác, sử dụng; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, qua đó góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ những giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc...

Bà Trần Thị Hoàng Mai: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn hằng năm hay mới đây việc tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam 2023 với nhiều hoạt động lễ hội, nghệ thuật đã thể hiện rõ hơn những giá trị văn hóa từ truyền thống đến đương đại, trong đó văn hóa biển, đảo rất đậm đặc, góp phần thông tin sâu sắc, đa dạng hơn về tiềm năng, thế mạnh của TP Hải Phòng.

Các giá trị văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh của mỗi vùng đất, địa phương. TP Hải Phòng là địa phương gắn với biển, sự phát triển kinh tế biển cũng góp phần đầu tư cho việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Chúng tôi luôn chủ trương gắn bảo vệ di sản văn hóa biển, đảo với phát triển du lịch, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cải thiện đời sống nhân dân tại vùng biển. Ngoài ra, cũng đẩy mạnh việc đưa các yếu tố lịch sử, văn hóa biển, đảo trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo trong các loại hình nghệ thuật, từ đó lan tỏa rộng rãi, hiệu quả các giá trị văn hóa biển, đảo của địa phương.

PV: Thưa đồng chí, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần giải pháp gì để phát huy yếu tố văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết, cần xác định nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn xã hội là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa và quản lý văn hóa biển, đảo, trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, nhằm góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bằng những phương pháp, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Đẩy mạnh các hoạt động lễ hội, sự kiện về văn hóa biển, đảo; tăng cường việc tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm, nghiên cứu về văn hóa biển, đảo và công tác quản lý văn hóa đối với phát triển biển, đảo; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật về biển, đảo...

Du khách tham quan triển lãm ảnh Cuộc thi "Biển, đảo quê hương". Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với những chương trình, bộ phim, các trưng bày, cuộc thi tìm hiểu về chủ đề biển, đảo, các sự kiện, sinh hoạt văn hóa gắn với truyền thống biển, đảo của dân tộc... Qua đó, một cách gần gũi xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một giải pháp nữa theo tôi rất quan trọng là cần tiếp tục nghiên cứu, đưa các nội dung về biển, đảo vào sách giáo khoa, tài liệu học tập trong chương trình giáo dục. Từ đó, thiết thực giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với biển, đảo của Tổ quốc.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo mang ý nghĩa lớn và quan trọng, vì thế, cần có sự quan tâm, phối hợp của nhiều ngành khác nhau để đạt được hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn, việc phát triển du lịch có thể đưa đến những hiệu quả nâng cao nhận thức về chủ quyền; hay việc xây dựng những thiết chế văn hóa, công trình mang đậm nét văn hóa dân tộc ở các vùng biển, đảo có thể trở thành các cột mốc "mềm" của quốc gia... Những giải pháp cần mang tính tổng hợp và được tiến hành đồng bộ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khu vực biển, đảo.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THU HÒA (thực hiện)

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang