Tái tạo nguồn lợi hải sản Vịnh Bắc Bộ

Bài 5: Nói không với đánh bắt hải sản tận diệt

09:50 31-10-2023

VBĐVN.vn - Để tái tạo nguồn lợi hải sản ở Vịnh Bắc Bộ, cơ quan chức năng và các địa phương cần quyết liệt trong xử lý các hành vi vi phạm đánh bắt tận diệt.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam phát hiện một tàu cá có dấu hiệu vi phạm trong khai thác hải sản ở Vịnh Bắc bộ. Ảnh: Hoài Nam.

Ngăn chặn từ xa

Vùng biển Vịnh Bắc Bộ tương đối rộng, trải dài khoảng 763km,từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên Huế, là ngư trường trọng điểm nên có nhiều tàu cá của các tỉnh và thậm chí là nhiều tàu cá nước ngoài thường xuyên xâm phạm, khai thác trái phép.

Những năm gần đây, dù cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng khai thác thủy sản vùng khơi, vùng lộng phát triển, tuy nhiên số tàu cá hoạt động vùng ven bờ còn khá lớn, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ mang tính tận diệt vẫn diễn ra làm suy giảm nguồn lợi hải sản.

Tại Hải Phòng, các chuyến tuần tra trên vùng biển Bạch Long Vĩ trong vụ cá Nam vừa qua, thực tế kiểm tra, các lực lượng chức năng gồm: Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ và Hải đoàn 38 nhận định ngư dân chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật, sử dụng đúng ngư, lưới cụ đã đăng ký để khai thác hải sản.

Dù vậy vẫn còn số ít trường hợp vẫn vi phạm, phương tiện ở một số tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… thường sử dụng lưới kéo để khai thác thủy sản. Đây là nỗi “ám ảnh” của ngư dân mỗi khi đánh bắt gần những phương tiện này.

“Mắt lưới của tàu giã cào rất nhỏ nên không có tính chọn lọc, quét sạch cá to, cá nhỏ. Cùng làm nghề đi biển, ngư dân thường xuyên nhắc nhở nhau. Tuy nhiên, một số phương tiện nhỏ vẫn sử dụng mà không hề biết mình vi phạm quy định của Luật Thủy sản”, ngư dân Đinh Khắc Thanh ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, chủ tàu vỏ thép HP-90886TS chia sẻ.

Lực lượng kiểm ngư phối hợp với Đồn Biên phòng Đồ Sơn kiểm tra việc thực thi pháp luật trong khai thác hải sản của một tàu đánh cá. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, TP Hải Phòng thường xuyên bố trí các tàu công vụ thủy sản túc trực tại các cảng cá, cửa sông tuần tra, kiểm soát các tàu cá. Hồ sơ lý lịch, hành trình giám sát, nghề… đều được quản lý chặt chẽ, giúp truy xuất được nguồn gốc dù vậy tình trạng vi phạm vẫn xảy ra và đến nay, thành phố Hải Phòng đã xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp nói trên hơn 700 triệu đồng.

Tại Thanh Hóa, cũng không khác là mấy, dù các cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng vi phạm trong khai thác vẫn xảy ra. Ông Lê Văn Sáng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa ghi nhận: Từ năm 2018 đến tháng 2-2023, lực lượng chức năng đã xử lý 430 tàu cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Các đoàn công tác liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông, ven biển, các cửa lạch nhằm phát hiện, tháo gỡ đăng đáy, xử lý chủ phương tiện, ngư dân sử dụng chất nổ, xung kích điện, lưới có kích thước nhỏ khai thác thủy sản.

Còn tại Quảng Ninh, sau 6 năm ban hành chỉ thị số 18 về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, các cơ quan chức năng, UBND các địa phương đã xử lý gần 8.600 vụ vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản trên biển, thu phạt trên 52 tỷ đồng và tiến hành truy tố hình sự 2 trường hợp do tái phạm khai thác hải sản hủy diệt. Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2023, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 317 vụ, thu nộp ngân sách gần 4,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy 39 tàu cá cùng hàng trăm ngư cụ, dụng cụ khai thác bất hợp pháp như: kích điện, chã cào, chã ván, lồng bát quái,… và tổ chức ngăn chặn, xua đuổi gần 500 phương tiện tàu cá của ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép.

Quảng Ninh là một trong những địa phương làm tốt trong việc ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển từ xa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo tìm hiểu, hiện nay công tác phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý phương tiện vi phạm của các đơn vị chức năng gặp một số khó khăn do lực lượng, phương tiện còn “mỏng”. Đối với những phương tiện đánh bắt ven bờ, qua công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên, dễ phát hiện, nhưng với các phương tiện đánh bắt xa bờ thì chủ yếu “trông đợi” vào các biên đội hoạt động dài ngày trên biển. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có biên đội hoạt động trên biển, trong khi đó, một số ngư dân thường lợi dụng sự “vắng bóng” của lực lượng chức năng để tiến hành đánh bắt bằng những hình thức bị cấm.

Để chủ động ngăn chặn, đấu tranh “từ sớm, từ xa”, các lực lượng chức năng đã chủ động vào cuộc quyết liệt, sâu sát địa bàn và làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, xác định những địa bàn, đối tượng, phương tiện trọng điểm liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, thiết bị xung điện cũng như các chất cấm trong khai thác thủy sản; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết cho ngư dân.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát phương tiện neo đậu tại các bến bãi, bãi ngang, khu neo đậu, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất khi phát hiện phương tiện lạ, có biểu hiện nghi vấn. Đồng thời, đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát chặt phương tiện khi xuất bến, nhập bến, nhất là vào các giờ cao điểm, đêm tối hoặc thời điểm thời tiết phức tạp.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Ngoài việc chủ động ngăn chặn các hoạt động khai thác hải sản vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng và các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ và có những hình thức xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản để răn đe. Tại tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2017, địa phương này đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo để làm căn cứ cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ chống khai thác tận diệt cũng như chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Lực lượng kiểm ngư xử lý một chủ tàu cá vi phạm trong khai thác hải sản trên Vịnh Bắc bộ. Ảnh: Hoài Nam.

Theo ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để ngăn chặn khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp, địa phương sẽ huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tính cấp thiết của việc chống khai thác hải bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, trong đó có đánh bắt tận diệt.

Từ ngày 1-9-2023, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ mở đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp theo quy định, kiên quyết xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi vi phạm. Những chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm quy định về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp sẽ xử lý hình sự.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, để ngăn chặn hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy, hải sản trái phép trên địa bàn, ngày 15-2-2023, UBND TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch số 44 về việc đấu tranh ngăn chặn nghề cấm, ngư cụ cấm, chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Theo đó, Hải Phòng sẽ tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả 7 nhóm nội dung trọng tâm. Trong đó, công tác tuyên truyền ngăn chặn nghề cấm, ngư cụ cấm, chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng, đa dạng, linh hoạt các phương thức thông tin tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân.

Tiếp đến là triển khai đồng bộ các giải pháp ban hành cơ chế chính sách, quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và tăng cường hoạt động tuần tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên biển để ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Tuyên truyền cho ngư dân không dùng các phương tiện, thiết bị đánh bắt hải sản tận diệt. Ảnh: Đinh Mười.

UBND TP Hải Phòng đã giao cho các sở, ngành liên quan đẩy mạnh chuyển đổi nghề, tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi và thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về quản lý tàu thuyền cũng như các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, sẽ thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, phối hợp xử lý tình trạng khai thác thủy sản nghề và ngư cụ cấm, khai thác IUU và chú trọng triển khai các giải pháp tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo Chi cục kiểm ngư vùng I, trong các lỗi vi phạm thường gặp của tàu cá Việt Nam là vẫn còn tình trạng sử dụng ngư cụ ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh. Có tàu thậm chí không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá và tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Đối với tàu cá Trung Quốc, các vi phạm chủ yếu là tàu nghề câu và nghề lưới kéo, xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản, các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân. Các tàu cá không có Giấy phép khai thác thủy sản đã vào khai thác tại vùng Đánh cá chung ở phía Tây đường phân định và tắt thiết bị nhận dạng để tránh bị phát hiện.

Thời gian tới, cần tiếp tục bám sát, theo dõi, đốc thúc triển khai, giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời tăng cường việc tuần tra, kiểm soát trên biển, sẽ bám biển thường xuyên và liên tục, không để trống biển. Trong trường hợp cần thiết, có thể sẽ tăng cường thêm nếu được bổ sung để làm sao có thể góp phần ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trên biển.

Sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành thủy sản cho các nhiệm vụ thu thập thông tin, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tìm kiếm, cứu nạn và công tác truyền thông. Đồng thời, việc tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt bất hợp pháp và không báo cáo sẽ được lồng ghép, phối hợp thường xuyên với các đơn vị và địa phương, góp phần khắc phục thẻ vàng của EC cùng như tái nguồn lợi hải sản trên biển, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.

Trong 10 tháng của năm 2023, Chi cục Kiểm ngư vùng I đã thực hiện và hoàn thành 11/13 đợt tuần tra năm 2023, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch. Các đoàn tuần tra đã kiểm tra 405 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, gồm 367 tàu cá Việt Nam và 38 tàu cá Trung Quốc. Phát hiện và xử lý 46 tàu cá Việt Nam vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với 31 trường hợp với tổng số tiền hơn 4,9 tỷ đồng.

Đinh Mười (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang