Bài ca Trường Sa vắt qua hai thế kỷ: Bài 3: Trường Sa sâu lắng (Tiếp theo và hết)

09:11 10-08-2024

VBĐVN.vn - Hai lần vợ sinh con đều không có mặt. Biết bố qua đời mà không thể về chịu tang. Đến tuổi “băm” mà vẫn chưa có người yêu... Đó là những câu chuyện chúng tôi nghe được tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Vậy là bên cạnh Trường Sa hiên ngang, ngày càng khang trang, hiện đại, còn có một Trường Sa thân thương và sâu lắng, trăn trở...

Giọt nước mắt thấm vào trong cát

Tới thăm đảo An Bang, chúng tôi được nghe cán bộ, chiến sĩ kể về Trung tá QNCN Trần Văn Hòa, nhân viên kỹ thuật của đảo. Anh Hòa 52 tuổi, theo quy định hiện hành thì chỉ còn hơn một năm nữa sẽ nghỉ hưu. Gia đình anh đang ở nhờ tại khu tập thể của Trường THPT Phạm Ngũ Lão (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng)-nơi vợ anh làm giáo viên. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nhưng Trung tá QNCN Trần Văn Hòa luôn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tâm sự với chúng tôi, Trung tá QNCN Trần Văn Hòa bày tỏ tự hào vì có người vợ đảm đang nuôi dạy con nên người để chồng yên tâm bám đảo và hai người con chăm ngoan, học giỏi (con trai đầu vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; con gái út đang là sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hải Phòng).

Hỏi về kỷ niệm với gia đình, giọng anh Hòa lắng xuống: “Năm 2005, vợ và hai con tôi đều bị ốm, phải nhập viện, nhưng vẫn không báo tin cho tôi biết vì sợ tôi lo lắng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị”. Kể đến đây, mắt Trung tá QNCN Trần Văn Hòa đỏ hoe và có những giọt nước mắt đã rơi xuống, thấm vào trong cát...

Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Phó chủ nhiệm Chính trị Hải quân, cho biết: Quân chủng biết gia đình đồng chí Trần Văn Hòa chưa có nhà ở và Quân chủng đã có nguồn kinh phí hỗ trợ quân nhân xây nhà. Nhưng cái khó là gia đình đồng chí Hòa chưa có đất ở nên chưa làm nhà được. Để giải quyết cái khó này phải nhờ đến chính quyền địa phương.

Đón chúng tôi tại đảo Nam Yết là Đại úy Đinh Tiến Dũng, Chính trị viên cụm đảo Nam Yết. Sinh năm 1988, quê ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), trước khi nhận nhiệm vụ tại đảo Nam Yết, Đại úy Đinh Tiến Dũng đã có một năm làm Chính trị viên đảo Núi Le. Dũng khoe có người vợ đảm đang là giáo viên mầm non ở Phú Yên và hai con gái nhỏ 4 tuổi, 2 tuổi. Mỗi năm về phép một lần, Dũng đi từ Trường Sa vào đơn vị ở Nha Trang, sau đó về Phú Yên (nơi vợ con đang thuê nhà), rồi lại về thăm quê ở Quảng Bình. Vì nhiệm vụ và đi lại xa xôi nên khi vợ “vượt cạn”, Dũng không về được.

Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông, quê ở Hải Dương, lấy vợ là y tá thuộc Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Cả hai lần vợ sinh, Trường đều làm nhiệm vụ trên biển.

Đại úy Nguyễn Xuân Hà, trợ lý pháo binh đảo Nam Yết có 3 "nhiệm kỳ" công tác tại quần đảo Trường Sa, gồm: 18 tháng ở đảo Sơn Ca, tròn 1 năm ở đảo Phan Vinh và từ tháng 8-2023 đến nay ở đảo Nam Yết. “Cả hai lần vợ sinh con, em đều không ở bên. Nhiều lúc nghĩ thương vợ con lắm, anh ạ”-Hà tâm sự.

Đến đảo Tốc Tan B, chúng tôi được Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên đảo đón tiếp rất nhiệt tình. Gia đình ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng, nhưng chàng sĩ quan cao to đẹp trai này vẫn chưa có người yêu. Dũng bộc bạch: “Em không kén chọn gì đâu. Nhưng do công tác dài ngày trên biển, ít có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc nên em chưa được ai yêu cả”...

Tìm hiểu các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi thấy khá nhiều đồng chí tuổi “băm” mà chưa có người yêu. Đại úy Đào Hữu Long, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài D, đã 4 năm công tác ở Trường Sa tâm sự với chúng tôi: “Em sinh năm 1982, quê ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Các bạn cùng lứa với em ở quê đều đã “yên bề gia thất”. Còn em, đến nay vẫn chưa có người yêu. Mỗi lần về phép, gia đình lại giục lấy vợ”...

Chiến sĩ Trường Sa coi các nữ sĩ quan ra thăm đảo như là người mẹ, người chị.

Tình cảm... thành "nhạc sĩ, nhà thơ"

Trong đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ra Trường Sa lần này, có khá nhiều người lần đầu tiên được đặt chân lên quần đảo. Chứng kiến cuộc sống và hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác của quân dân huyện đảo, họ bỗng trở thành "nhà thơ, nhạc sĩ”.

Thượng tá Hoàng Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn Pháo binh 382 (Quân khu 1) bình quân mỗi ngày làm một bài thơ. Có những bài dùng ngôn từ yêu thương da diết: “Nhìn thấy anh rồi Đá Lớn “Bê”/ Hiên ngang sừng sững giữa bốn bề/ Sóng biển lao xao chen vệt nắng/ Mặn mòi hơi nước thấy say mê... Tạm biệt anh rồi Đá Lớn “Bê”/ Bâng khuâng trong dạ chẳng muốn về/ Chân bước hững hờ lên thuyền nhỏ/ Giữa biển trời anh có nhớ quê...” (trích bài thơ “Đá Lớn Bê”). Cũng có bài là những lời động viên, khích lệ: “Đá Lớn, An Bang, Nam Yết kiên cường/ Giữ chủ quyền biển quê hương yêu dấu/ Nơi đồng đội tôi sẵn sàng chiến đấu/ Giữ vững chủ quyền biển đảo tiền tiêu/ Đồng đội ơi, mong lắm mỗi buổi chiều/ Đoàn chúng tôi được đặt chân lên đảo/ Trao gửi yêu thương cùng biết bao hoài bão/ Tiếp sức tinh thần cho quần đảo Trường Sa...” (trích bài thơ “Tiếp sức Trường Sa”).

Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Quân đội, có cái nhìn rất lạc quan về “Trường Sa xanh” nhưng cũng pha chút bùi ngùi: “Ta về đây với Trường Sa/ Mênh mang sóng nước, bao la biển trời/ Nơi tiền tiêu Tổ quốc ơi/ Áo xanh lính đảo thắm lời sắt son/ Trái bàng vuông mãi vẹn tròn/ Cánh bàng trổ búp xanh non bời bời/ Bao xuân xanh tuổi đôi mươi/ Lộng căng ngọn gió trùng khơi ào ào/ Vững tay súng đất mẹ trao/ Ấm tình nghĩa giữa dạt dào quê hương”.

Đại tá Lê Quang Tư, Cục trưởng Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, từ cảm nhận về sự vất vả của những người làm công tác hậu cần tại huyện đảo Trường Sa đã thức suốt đêm viết bài thơ “Chiến sĩ hậu cần giữa phong ba Trường Sa”.

Bài thơ này được Đại tá, nhạc sĩ Vũ Hồ Tùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội phổ nhạc ngay trên hành trình thăm Trường Sa và Đoàn Văn công Quân khu 4 luyện tập, bổ sung vào chương trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo với tiết tấu vô cùng vui nhộn xen lẫn tự hào: “Những chiến sĩ giữa biển khơi vẫn yêu đời, nụ cười đầy nắng... Lấy san hô phong hóa làm đất lành. Trồng rau xanh, nuôi đàn lợn béo... Những chiến sĩ Trường Sa, hát khúc hát tăng gia. Hậu cần giữa phong ba...”.

Cảm xúc tại Trường Sa, ngoài việc phổ nhạc bài thơ của Đại tá Lê Quang Tư, nhạc sĩ Vũ Hồ Tùng còn sáng tác bài hát “Trường Sa-hai tiếng thiêng liêng” với những lời ca da diết: “Biển trập trùng ngàn sóng vỗ. Từng hồi còi giục mạn tàu lại băng khơi... Đây Tiên Nữ, Phan Vinh cùng giàn khoan. Kia Nam Yết, An Bang cùng Đá Lớn...”. Bài hát này cũng được Đoàn Văn công Quân khu 4 luyện tập, biểu diễn ngay trên tàu và trên các đảo.

“Chính sự thân thương, sâu lắng của con người Trường Sa là niềm cảm hứng cho tôi sáng tác”-Đại tá, nhạc sĩ Vũ Hồ Tùng thổ lộ.

Không phải là nhạc sĩ, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội trong chuyến công tác đã sáng tác được bài hát “Nhịp sóng Trường Sa” với giai điệu vui tươi, tự hào: “... Sóng Trường Sa lướt cùng bao tình yêu người dân đất Việt. Ngàn năm trôi đi mãi khắc ghi trong tim. Đây là biển đảo Tổ quốc. Đêm ngày canh trực nghe đại dương hát vọng vang xa...”.

Chúng tôi rời Trường Sa sau khoảnh khắc linh thiêng tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm được đoàn công tác tổ chức ngay trên boong tàu. Nhiều người trong đoàn công tác đã khóc. Hoa tươi và những cánh chim giấy màu trắng biểu tượng cho hòa bình được dòng người lặng lẽ đội mưa thả trôi theo con sóng dập dềnh. Máu của các anh đã hòa quyện cùng sóng nước, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, để hôm nay đây lá cờ luôn đỏ thắm và “sóng dưới thân tàu vẫn là sóng quê hương...”.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang