Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển:

Bài cuối: Cơ hội và giải pháp bảo vệ

09:15 10-10-2021

VBĐVN.vn - Bảo vệ biển và hải đảo Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong toàn hệ thống chính trị, được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ như: Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Những chủ trương này đã góp phần tạo thêm cơ hội để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động môi trường về biển và hải đảo thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường biển nước ta.

Tận dụng những lợi thế

Biển nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng bao gồm cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật, tài nguyên trong khối nước, trên đáy và trong lòng đất dưới đáy biển. Các loại tài nguyên này góp phần quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế biển như: Thủy sản, du lịch và dịch vụ biển, năng lượng, khoáng sản, giao thông vận tải biển…

Rác thải nhựa sau khi thu gom được tập kết xử lý tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định bảo vệ môi trường biển là một nội dung xuyên suốt. Một trong những quan điểm được nêu trong Chiến lược đó là bảo vệ môi trường biển gắn với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu. Trước những thách thức về môi trường biển như: chất thải nhựa đại dương, nguồn thải lục địa, sự cố môi trường… Chiến lược tập trung vào định hướng các hoạt động kiểm soát chất thải tại nguồn, khẳng định vai trò của các khu bảo tồn biển trong việc tạo dựng hệ sinh thái biển khoẻ mạnh. Mục tiêu đến năm 2030 tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000, thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong việc bảo tồn các hệ sinh thái biển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tạ Đình Thi nhận định, cùng với những Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/CP, hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từ trung ương đến địa phương từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày càng được quan tâm đầu tư và đẩy mạnh. Cùng với Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang được xây dựng, công tác kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đã được chú trọng; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển được tăng cường.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã nỗ lực thể hiện các cam kết chính trị để hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động trong việc xây dựng trình Chính phủ ban hành các kế hoạch nhằm hoàn thành mục tiêu 14.1 trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc về ngăn ngừa và giảm thiểu các loại hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Tại Hội nghị Liên Chính phủ Cơ quan điều phối các biển Đông Á lần thứ 25 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Namcho biết, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Mỗi năm có gần 12 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương. Thực tế đó, đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn.

Cũng theo ông Nguyễn Quế Lâm, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Bên cạnh đổi mới về chính sách, Việt Nam đang tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm nhựa; tăng cường nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Việt Nam đã thiết lập một cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Thực hiện các giải pháp

Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 tham gia làm sạch môi trường biển. Ảnh tư liệu: baotintuc.vn

Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, công tác bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài. Cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất. Mặt khác, các quy định pháp lý, đặc biệt là các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và quy định về lấn biển đang trong quá trình xây dựng. Lực lượng thanh tra chuyên ngành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo chưa có dẫn đến công tác giám sát việc thực thi các quy định bảo vệ môi trường biển còn hạn chế. Các mức độ vi phạm mặc dù đã có nhưng chưa đầy đủ, mức độ xử phạt còn thấp và còn thiếu quy định về sử dụng các công cụ pháp lý, kinh tế như những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm biển. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với nhau trong ứng phó với sự cố môi trường biển còn hạn chế, chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ, thuận tiện giữa các cơ quan Trung ương và địa phương hay giữa các địa phương với nhau...

Ngoài ra, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực biển và hải đảo hiện nay còn thiếu về số lượng, năng lực và kinh nghiệm do chưa có sự đầu tư chiến lược về đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống máy móc, phòng thí nghiệm còn thiếu thốn để phục vụ việc khảo sát, phân tích môi trường biển, kiểm soát, giám sát hoạt động thi hành pháp luật…

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực...

Đồng tình với nhận định trên, Tiến sĩ Dư Văn Toán cho rằng, để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường biển, thời gian tới nước ta cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và các nội dung hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển cấp quốc gia; rà soát phân công nhiệm vụ điều tra cơ bản giữa các bộ, ngành và các địa phương ven biển. Chính quyền các địa phương cần nâng cao vai trò, vị thế trong nhiệm vụ quản lý vùng ven biển. Việt Nam cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển…

The TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang