Cảng biển kết nối để vươn xa

Bài cuối: Nâng cao vị thế cảng biển Việt Nam

15:04 17-10-2021

VBĐVN.vn - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 đến 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3 %/năm.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhằm làm rõ hơn một số điểm có tính chất đột phá, mấu chốt tại quy hoạch lần này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang.

Phóng viên (PV): Một số điểm mới của Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam lần nay so với quy hoạch giai đoạn trước, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: So với trước đây, quy hoạch này có nhiều điểm mới. Lần đầu tiên, quy hoạch cảng biển được thực hiện với trình tự thủ tục chặt chẽ quy định trong Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch và cũng là lần đầu tiên, quy hoạch 5 chuyên ngành GTVT (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không) được thực hiện đồng thời. Việc xây dựng quy hoạch được xem xét tổng thể, có phân rõ vai trò từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính dựa trên lợi thế vận tải bảo đảm hợp lý, đồng bộ trong kết nối.

Trong quy hoạch 5 chuyên ngành GTVT, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí. Các phương thức đường thủy, đường bộ và đường sắt, tùy thuộc lượng hàng thông qua cảng, chủng loại hàng, cự ly, điều kiện tự nhiên và khả năng huy động nguồn lực sẽ được ưu tiên kết nối với vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển. Quy hoạch lần này cũng đưa các nội dung của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 vào thực tiễn, hoạch định rõ vai trò và định hướng phát triển hệ thống cảng cạn tại các chân hàng nằm sâu trong lục địa như “cánh tay nối dài” của hệ thống cảng biển.

Lần đầu tiên, các bến cảng phục vụ phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển được đưa vào quy hoạch nhằm tháo gỡ điểm nghẽn giao thông kết nối với cảng biển. Quy hoạch cũng nghiên cứu, hoạch định các “bến mềm” - bến phao, vốn chỉ được xem như biện pháp giải quyết tạm thời nhu cầu phát sinh vận tải hàng hóa bằng đường biển trước đây, phát triển hài hòa hạ tầng bến cứng - bến mềm. Khi còn công tác tại Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh, tôi đã dày công nghiên cứu, hoạch định mở rộng khu neo Gò Gia, hiện nay hai bến phao ở Gò Gia đang khai thác rất hiệu quả.

PV: Theo quan điểm của ông, điểm đột phá nhất của quy hoạch cảng biển lần này là gì?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Tôi cho rằng, điểm đột phá nhất của quy hoạch chính là hình thành hai cảng biển loại đặc biệt là Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón tàu trung chuyển quốc tế. Việc xây dựng quy hoạch dựa trên sự tích hợp, phát triển đồng bộ theo không gian hành chính và theo các ngành, lĩnh vực giúp quá trình phát triển hạ tầng cảng biển nói riêng và kết cấu hạ tầng nói chung bảo đảm tính tổng thể, liên kết cao.

Cảng Đà Nẵng - Cảng biển lớn nhất ở Việt Nam

PV: Để giải quyết “điểm nghẽn” về kết nối giao thông, dự án nào sẽ được ưu tiên triển khai đầu tư ngay, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Trước mắt, giai đoạn 2021 - 2030, khu vực phía bắc cần tập trung nâng tĩnh không cầu trên các tuyến hành lang đường thủy nội địa số 1, số 2 để tăng cường phương thức vận tải container bằng đường thủy về các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; đầu tư đường sau cảng Lạch Huyện và mở rộng đường Tân Vũ - Lạch Huyện. Khu vực miền trung ưu tiên cải tạo, nâng cấp các hành lang đông - tây kết nối Tây Nguyên và các cửa khẩu về các cảng biển. Khu vực phía nam, hoàn chỉnh các tuyến vành đai, đường liên cảng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; hành lang logistics đường thủy nội địa kết nối với Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và khai thác hiệu quả tuyến vận tải ven biển trên hành lang bắc - nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của cảng biển Việt Nam trong giai đoạn tới?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Theo dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6 - 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 - 4,8 lần so hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối,… tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Hai cảng biển đặc biệt tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, tiếp nhận các tàu đi tuyến biển xa; 15 cảng loại I tiếp nhận tàu đi tuyến nội Á, Australia, châu Phi; 19 cảng biển loại II, III tiếp nhận tàu trên các tuyến biển cự ly ngắn, trung bình, đóng vai trò cảng vệ tinh gom hàng cho các cảng biển chính.

PV: Nhu cầu vốn phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam là rất lớn, theo ông những cơ chế, chính sách nào đủ mạnh để hút nguồn vốn xã hội hóa?

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Tổng kinh phí phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313 nghìn tỷ đồng (chỉ gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, không gồm kinh phí đầu tư các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng). Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư, mang ý nghĩa “vốn mồi”, còn lại được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nhờ được mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài từ rất sớm, tôi thấy cảng biển là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông trong 10 năm trở lại đây. Với sự xuất hiện của nhiều cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có thể đi thẳng tới châu Âu, Bắc Mỹ mà không phải trung chuyển tại các cảng trong khu vực như Singapore, Hongkong (Trung Quốc), qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo quy hoạch, thông qua các hình thức đầu tư phù hợp quy định của pháp luật. Phát triển hạ tầng cảng biển sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư lớn, bảo đảm phát triển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại, không đầu tư phân tán, nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn. Tôi cho rằng với tiềm năng rộng mở, việc mời gọi nhà đầu tư cảng biển sẽ không quá khó khăn, nếu không muốn nói là xem xét, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực. Trong giai đoạn 2011 - 2020, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong lĩnh vực hàng hải đã được thực hiện rất hiệu quả. Trong hơn 200 nghìn tỷ đồng huy động được, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt tới 173 nghìn tỷ đồng (chiếm 86%), ngân sách nhà nước hơn 28 nghìn tỷ đồng (chiếm 14%). Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đủ sức thu hút vốn đầu tư phát triển cảng biển theo quy hoạch.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang