Bão số 8 di chuyển nhanh, lực lượng Biên phòng duy trì hơn 4.700 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó

21:14 13-10-2021

VBĐVN.vn - "Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã duy trì trực 4.766 cán bộ, chiến sĩ cùng 272 phương tiện (47 tàu, 141 xuồng, 84 ô tô) sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do bão số 8 gây ra". Đó là thông tin Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cung cấp tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ứng phó với bão số 8, diễn ra chiều 12-10, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.

Dự báo hướng di chuyển của bão số 8. Ảnh: NCHMF

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 15 giờ, ngày 12-10, bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km, cách Nghệ An - Hà Tĩnh 1.180km. Bão di chuyển nhanh với tốc độ 25-30km/h.

Dự báo, bão số 8 sẽ đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12 và 13-10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Sau đó, bão số 8 đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14-10. Dự kiến bão số 8 đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14-10.

Trước đó, Bão Kompasu đổ bộ vào Philippin làm 1 người chết, 1.500 người phải sơ tán, 24 khu vực bị ngập lụt, 38 vị trí đường giao thông và 10 cầu bị hư hại.

Tính đến chiều 12-10, lực lượng BĐBP đã phối hợp với chính quyền, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/233.335 biết hướng di chuyển của bão số 8. 3 tàu/29 người của tỉnh Quảng Ngãi hoạt động ở Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa đã vào tránh trú trên các đảo Đá Lồi, Linh Côn lúc 16 giờ chiều 10-12.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, trên khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 8 (từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) có 60.644 ha nuôi trồng thủy sản, 8.053 lồng bè, 401 chòi canh nuôi trồng thủy sản, Những khu vực này đã được các tỉnh tổ chức chằng chống, gia cố từ trong bão số 7. Đến thời điểm hiện tại, 7 tỉnh vẫn đang duy trì cấm biển gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có 755 tàu thuyền vận tải, trong đó có 371 tàu biển và 384 phương tiện thủy nội địa.

Về hệ thống đê điều, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên Huế có 708km đê biển, đê cửa sông (346km đê biển; 362km đê cửa sông). Hiện, cơ quan chức năng xác định 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, các vị trí trực diện biển cần quan tâm là: đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An; đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tuyên truyền để người dân không chủ quan khi có bão.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch sơ tán 65.425 hộ/247.997 với bão cấp 9-10 đổ bộ. Hiện khu vực này có 5.712 ca F0, do đó, các địa phương phải sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh khi sơ tán dân.

Một điều đáng lo ngại nữa là hiện có khoảng hơn 26.000 người dân đang di chuyển từ phía Nam ra Bắc có thể bị ảnh hưởng do bão, mưa lũ, cần tuyên truyền để bà con biết được bão và bố trí chỗ trú tránh tạm cho bà con.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vừa qua chúng ta triển khai rất tốt công tác phòng chống, thiệt hại do bão số 7 gây ra không lớn. Với cơn bão số 8, cố gắng bám sát tình hình, để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại, không được mất cảnh giác, chủ quan...

Nhấn mạnh, công tác phòng chống càng căn cơ, càng tập trung thì thiệt hại càng ít, Phó Thủ tướng đề nghị các Ban chỉ đạo, các ban ngành, địa phương cần tập trung cao độ trong ứng phó với bão số 8.

Phó Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã bám sát chỉ đạo của trung ương, triển khai bài bản chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể phương án ứng phó với bão số 8. Tuy nhiên Phó Thủ tướng nhắc còn một số việc cần tập trung cao hơn nữa như nắm chắc tình hình tàu thuyền và bà con nhân dân hiện chưa về tới khu vực an toàn, thì kêu gọi bà con, tàu thuyền vào bờ, kể cả số người dân đi rừng.

"Cố gắng không để bà con ở trên biển. Phương án sơ tán ở các khu vực ngập lụt, sạt lở cần phải khảo sát, tránh trường hợp di dân dồn vào khu cách ly, tách riêng để đảm bảo bà con nhân dân an toàn", ông nói.

Đối với bà con nhân dân từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc, theo báo cáo vẫn còn hàng chục nghìn người vẫn còn đang di chuyển, Phó Thủ tướng giao địa phương bố trí, phân công thông báo sớm, đưa về khu tập trung, giúp người dân chỗ ở, ăn uống, sau bão mời bà con di chuyển tiếp.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang