Bảo vệ hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm
VBĐVN.vn - Bên cạnh những thành tựu về bảo tồn đa dạng sinh học, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đang đối mặt với những thách thức to lớn trong việc bảo tồn hệ sinh thái.
Nguy cơ suy giảm loài
Cua đá Cù Lao Chàm là động vật biển nhưng sống ở rừng, trong thời gian sinh sản chúng di chuyển xuống biển duy trì nòi giống, vì thế được xem là “cầu nối” giữa biển với rừng, đồng thời là sinh vật chỉ thị cho sức khỏe của hai hệ sinh thái biển và rừng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Theo kết quả quan trắc Cua đá tại Cù Lao Chàm từ năm 2021 đến năm 2023 cho thấy, năm 2023 giảm 33% so với năm 2021 với số lượng cá thể ước tính là 19.628 cá thể, trong đó khu vực Hòn Dài giảm nhiều nhất (72,4%).
Từ số liệu trên cho thấy, cua đá tại Cù Lao Chàm đang trong tình trạng vô cùng báo động. Cùng với thực tế quan trắc và tham vấn cộng đồng đã cho thấy mô hình quản lý Cua đá tại Cù Lao Chàm đang gặp phải nhiều thiếu sót dẫn đến chưa thể kiểm soát việc khai thác Cua đá một cách đồng bộ và chặt chẽ.
Cùng với Cua đá thì tôm hùm (một trong các đối tượng tài nguyên mục tiêu tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cũng đang bị khai thác quá mức dẫn đến hệ lụy tất yếu là nguồn lợi bị suy giảm, sinh cảnh tự nhiên bị tác động mạnh trên diện rộng, đặc biệt là tại các vùng rạn san hô.
Bên cạnh các yếu tố như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường cảnh quan, biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái, và cả những bất cập về cơ chế trong hoạt động điều phối, trong quy hoạch, nuôi trồng thủy sản, các dự án phát triển du lịch, giao thông trên đảo, thì Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm các loài đặc hữu 1 cách đáng báo động. Trong đó có các thảm cỏ, các rạn san hô; đặc biệt là loài Cua đá - 1 loài đặc hữu điển hình của Cù Lao Chàm đang trên đà suy kiệt.
Một trong các hệ sinh thái này nếu biến mất dù với bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng một cách trực tiếp đến hệ sinh thái biển và đại dương, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người, đặc biệt với cộng đồng sống dựa vào biển.
Giữ gìn đa dạng sinh học
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An) hiện có 23.500ha, trong đó diện tích biển 21.888ha là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao. Nơi đây còn có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.
Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với ngành chức năng, địa phương thực hiện dự án phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm. Dự án đã thực hiện 6 đợt “chuyển vị” trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về bãi ấp nở tại Cù Lao Chàm với số lượng 1.900 trứng. Các đợt thả rùa con sau ấp nở về biển thành công.
Ứng dụng “công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng” đã xây dựng được 2 vườn ươm san hô với 30 khung được thiết lập và 2 vùng san hô được phục hồi với tổng diện tích 4.000m2. Đây là cấu phần quan trọng góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển rạn san hô Cù Lao Chàm. Độ phủ tại một số khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và ươm tạo để phục hồi như bãi Hương, bãi Bắc từ 8% tăng lên 56%.
Theo ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, giáo dục và truyền thông là những ưu tiên hàng đầu kể từ khi Khu bảo tồn biển được thành lập. Tất cả cư dân trên đảo, từ học sinh đến ngư dân và chủ doanh nghiệp, đều được giáo dục về bảo vệ môi trường biển và trách nhiệm của họ với tư cách là người dân đảo địa phương. Nhiều chương trình dành riêng cho học sinh - thế hệ chính của chúng ta cho sự phát triển trong tương lai - giúp các em hiểu được tầm quan trọng về bảo tồn biển, chẳng hạn như các cuộc thi viết, cuộc thi vẽ tranh và trại hè.
“Hầu hết người dân đảo Cù Lao Chàm đều nhận thức được về bảo tồn biển và các hoạt động thân thiện với môi trường. Khu bảo tồn biển cũng thường xuyên hợp tác với các viện, trường đại học và tổ chức để tổ chức các buổi tập huấn cập nhật kiến thức về bảo vệ biển cho cộng đồng.” - ông Thuận chia sẻ.
Một trong những sáng kiến thành công nhất của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là giúp cộng đồng chuyển đổi sang các sinh kế mới. Đến nay, đã có hơn 500 người dân địa phương trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch với hơn 12 loại hình sinh kế mới. Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực để người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo.
Việc áp dụng mô hình đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển bền vững tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
“Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ tiếp tục hỗ trợ và tư vấn cho các hộ gia đình địa phương về việc chuyển đổi sang các sinh kế khác để tránh tình trạng đánh bắt quá mức. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy các nguồn thu nhập thay thế, chẳng hạn như các dịch vụ du lịch, homestay, hướng dẫn viên du lịch và hoạt động du thuyền. Các nghề thủ công truyền thống, bao gồm đan võng, đã được khôi phục, cùng với việc sản xuất bánh và trà thảo dược và đánh bắt cua đá bền vững.” - ông Thuận cho biết thêm.
Đông Duy (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận