Bảo vệ môi trường nuôi biển để phát triển bền vững: [Bài 5] Chất lượng nước quyết định hiệu quả

13:42 22-12-2023

VBĐVN.vn - Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo chất lượng nước thích hợp cho đối tượng nuôi cũng như quyết định hiệu quả nuôi biển.

Để nuôi biển bền vững, việc bảo vệ môi trường rất quan trọng. Ảnh: KS.

“Môi trường nước rất quan trọng”

Đó là chia sẻ của bà Võ Thị Ngọc Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Theo bà Võ Thị Ngọc Trâm, môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là một hệ sinh thái phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố vô sinh và hữu sinh ảnh hưởng trực tiếp thủy sản nuôi. Trong đó, những yếu tố chính liên quan đến phát triển của thủy sản nuôi như: pH, nhiệt độ, DO (oxy hòa tan), độ mặn…Các yếu tố ô nhiễm gây độc như: NO2, NH3, H2S, kim loại nặng, thuốc BVTV…

Khi một hay nhiều yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng, phát triển và sức đề kháng của thủy sản nuôi, là tác nhân gây bệnh. Do vậy, việc quản lý và đảm bảo môi trường nước thích hợp cho đối tượng nuôi là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng thủy sản nuôi, cũng như hướng tới phát triển nuôi biển bền vững trong tương lai.

Người nuôi cần bảo vệ môi trường, không vứt rác sinh hoạt xuống biển. Ảnh: KS.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, số lượng lồng/bè nuôi thủy sản đang quá nhiều so với sức tải môi trường nước tại một số vùng nuôi ở khu vực Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, sức ép của các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng có xu hướng phát triển ven các vùng biển nuôi trồng thủy sản tập trung (hoạt động dân cư, du lịch, công nghiệp…) đã thải một lượng đáng kể các chất ô nhiễm vào các vũng, vịnh hay đầm ven biển.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu, mưa bão, lũ lụt ngày càng chuyển biến xấu, khó lường cũng tác động thêm. Đặc biệt, tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa có biện pháp kiểm soát các nguồn thải ô nhiễm như: thu gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa để đưa vào bờ xử lý.

Giải pháp

Trước thực trạng trên, theo bà Võ Thị Ngọc Trâm, để bảo vệ môi trường nước đảm bảo cho thủy sản nuôi, các địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ môi trường. Bên cạnh đó, có các giải pháp cụ thể hạn chế các nguồn thải ô nhiễm vào các thủy vực nuôi trồng thủy sản tập trung.

Nuôi cá bớp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Cũng như hướng dẫn người dân nuôi theo quy hoạch và quản lý nghiêm ngặt về số lượng lồng, bè và đối tượng nuôi từng khu vực. Các địa phương có thể mở rộng diện tích nuôi ra các vùng biển mở, vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu lớn để hạn chế ô nhiễm môi trường; thực hiện chuyển đổi ngành nghề cho người dân đang nuôi ở các vùng chưa theo đúng quy hoạch chung; siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Đồng thời, phối hợp tích cực và kịp thời với cơ quan chuyên môn trong quan trắc và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Định hướng, tuyên truyền cho người dân xây dựng các mô hình nuôi hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng HDPE thân thiện môi trường, thích ứng với thiên tai.

Đối với người dân cần tuân thủ các quy định về quy hoạch nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Đồng thời tích cực cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ nuôi mới trong nuôi trồng thủy sản và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên môn về phòng, trị bệnh trên động vật nuôi. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi, thu gom rác sinh hoạt, thức ăn dư thừa…vào bờ xử lý theo quy định.

Để giúp người nuôi tránh thiệt hại do sự cố môi trường, hiện nay, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung thường xuyên lấy mẫu nước tại khu vực Nam Trung bộ để đánh giá chất lượng nguồn nước vùng nuôi. Từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo biến động, rủi ro chất lượng môi trường các vùng nuôi, để các địa phương khuyến cáo người nuôi những giải pháp xử lý cần thiết, đảm bảo hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản hiệu quả, phát triển bền vững.

Kim Sơ (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang