Bảo vệ Tổ quốc với thế trận trên Biển Đông

16:46 24-10-2021

VBĐVN.vn - Bảo vệ Tổ quốc với thế trận trên Biển Đông là cuộc chiến của dân tộc ta từ xa xưa với những quốc gia xâm lược có tiềm lực hải quân lớn hơn đất nước chúng ta gấp nhiều lần. Thế nhưng, hải quân ta đã phát huy truyền thống hào hùng của cha ông để tạo nên những thắng lợi chói lọi và xây dựng nên một con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Một chuyến tàu của Đoàn tàu Không số trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Hào hùng truyền thống cha ông

Trận Vân Đồn (năm 1288), nơi Trần Khánh Dư tiêu diệt đội thuyền lương Trương Văn Hổ của quân Nguyên Mông là trận đánh trên biển mẫu mực. Khi quân Nguyên Mông đã thua chạy về Trung Quốc, để bảo vệ vùng đất liền ven biển và biển, đảo chiến lược hiểm yếu của Tổ quốc, ngoài quân bộ (bộ binh, kị binh), nhà Trần còn giao cho Trần Khánh Dư tổ chức một đội quân thủy tinh nhuệ, đặt tên là Bình Hải quân, đóng đại bản doanh ở vùng bây giờ là khu vực đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh).

Như vậy, sức mạnh thủy quân của Đại Việt thời Trần đã có thể chế ngự các âm mưu xâm lược đến từ các quốc gia xung quanh trên Biển Đông. Việc lập ra Bình Hải quân thời Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy chứng tỏ vua quan nhà Trần rất coi trọng vùng biển Đông Bắc.

“Đại Nam thực lục tiền biên” có ghi rõ lực lượng thủy binh nước ta thời chúa Nguyễn Phúc Tần có tới 22.740 quân. Còn theo Thomas Bowyear, một nhà buôn người Anh đến Đàng Trong trong các năm 1695-1696, thì lực lượng thủy quân ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu có đến 200 chiến hạm. Nhờ vào lực lượng thủy quân hùng mạnh này mà quân đội của chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An, ở gần Huế) vào năm 1644, đuổi đội tàu rút chạy ra Biển Đông. Qua đó, đủ thấy tầm nhìn và sức mạnh của người Việt trên Biển Đông, chỉ mới một nửa đất nước (Đàng Trong) đã vượt hẳn so với các quốc gia khác.

J.Barrow trong cuốn “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793” đã ghi lại một bảng thống kê thú vị về quân đội của Nguyễn Ánh: Tổng quân số 139.800 người, riêng hải quân có 26.800 người. Với lực lượng hải quân như thế, việc quản lý và thực thi chủ quyền trên Biển Đông của triều Nguyễn đã phát huy tác dụng lớn. Hệ thống phòng thủ bờ biển dưới thời Nguyễn đã được thiết lập dọc theo chiều dài đất nước, hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trên biển, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa đều được tiếp quản, thiết lập chủ quyền và canh phòng cẩn mật.

Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc tiếp tế và chi viện thường xuyên cho cách mạng miền Nam là hết sức cần thiết. Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19-5-1959, đoàn công tác quân sự đặc biệt (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Trong khi chưa có lực lượng để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để cung cấp cho phong trào cách mạng ở miền Nam đang phát triển. Những chuyến tàu từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.

Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây (Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

22 giờ 10 phút, ngày 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí đã xuất phát từ bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng đi Cà Mau. Chuyến tàu cập bến thành công, đánh dấu cho việc mở đường thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã vô cùng anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến lược - một con đường có một không hai trên thế giới.

Chỉ trong vòng 1 năm đầu tiên, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường. Đến ngày 29-1-1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Trong vòng 14 năm, từ năm 1961 đến năm 1975, gần 2.000 lượt tàu không số, vượt qua hơn 20 cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển 15 vạn tấn vũ khí, trang bị và 8 vạn lượt người, góp phần chi viện đắc lực cho chiến trường, cùng toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Như vậy, các chiến sĩ trên các đoàn tàu không số đã tiếp bước chân của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành năm nào để làm nên một huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển, thực sự đã nối dài hành trình vĩ đại của các thế hệ yêu nước Việt Nam đến bất tận.

Đặc biệt, ngày 4-4-1975, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân phải “nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm thuộc quần đảo Trường Sa”.

Sau đó, do tình hình chiến sự miền Nam phát triển rất nhanh, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng giải phóng Trường Sa. Chính vì quyết định nhanh chóng và đúng đắn này, từ ngày 14 đến 29-4-1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.

Thế kỷ XXI được coi là “thế kỷ của đại dương”. Việt Nam do đó phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Biến mục tiêu đó thành hiện thực là cách tốt nhất để kế thừa, gìn giữ, phát huy và bảo vệ các vùng biển, đảo thiêng liêng của cha ông cho con cháu mai sau.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang