“Bệ phóng” sức sống mới cho xã đảo
Bằng tâm huyết, trí tuệ, ngành điện TP Hồ Chí Minh đã đưa nguồn điện lưới quốc gia về đến những địa bàn khó khăn nhất của thành phố. Điện lưới quốc gia chính là “bệ phóng” giúp xã đảo, xã vùng ngoại thành thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ấp đảo sáng đèn điện lưới
Từ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), mất hơn 1 giờ đi đò, chúng tôi mới tới được ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An). Trước đây, ấp đảo không có điện lưới vì thiếu vốn, thiếu công nghệ hiện đại để có thể kéo cáp qua biển nên đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân còn nhiều khó khăn.
Đầu năm 2011, để góp phần hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM), Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã đầu tư hệ thống điện mặt trời với công suất gần 100kWp cấp điện phục vụ sinh hoạt cho gần 200 hộ dân trên ấp đảo. Đây là một trong những dự án điện khí hóa nông thôn bằng điện mặt trời có quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam lúc bấy giờ, đồng thời cũng là mô hình “Làng điện mặt trời” điển hình trong cả nước.
Đến cuối tháng 4-2016, trong niềm vui khôn tả của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, công trình lưới điện 22kV xuyên rừng cấp điện cho ấp đảo Thiềng Liềng đã được Công ty Điện lực Duyên Hải (thuộc EVNHCMC) khánh thành và đóng điện. Công trình đưa vào sử dụng góp phần bảo đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục cho ấp Thiềng Liềng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện tiêu chí phủ kín lưới điện quốc gia 100% trên địa bàn. Có thể nói, lưới điện về với ấp đảo là dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự phát triển của ấp đảo.
Đến với Thiềng Liềng hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến nhịp sống mới, tất bật hơn, rộn rã hơn. Người dân đều bày tỏ niềm vui mừng khi ấp đảo đã sáng đèn từ điện lưới, từ đó thắp sáng nhiều khát vọng mới của người dân nơi đây. Nhớ lại thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị Vui (ngụ ấp Thiềng Liềng) vẫn chưa hết bồi hồi: “Trước đây, nguồn điện chạy bằng dầu diesel hay năng lượng mặt trời chỉ đủ cho thắp sáng. Có điện lưới rồi, đời sống của người dân ở đây thay đổi nhiều lắm. Nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, bếp điện để phục vụ sinh hoạt gia đình. Công tác làm muối, nuôi trồng thủy hải sản và những công việc khác của hộ dân được điện khí hóa nên giảm nhiều công sức lao động mà cho hiệu quả rất cao”.
Điện lưới quốc gia về với xã đảo Thạnh An trước một năm so với ấp đảo Thiềng Liềng, đã giúp phong trào xây dựng NTM khởi sắc vượt bậc. Bên cạnh ngành nghề truyền thống, xã đảo đã phát triển ngành thương mại, dịch vụ, thu hút được nhiều khách du lịch đến với đảo. Nhiều mô hình sản xuất hiện đại được đưa vào áp dụng như mô hình nuôi hàu, tôm, cua, cá lồng bè, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… cho thu nhập tốt, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Theo ông Đặng Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An, điện đã góp phần giúp địa phương thực hiện nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM. Tính đến tháng 6-2019, xã đạt 17 tiêu chí NTM. Xã phấn đấu năm 2019 đạt thu nhập bình quân đầu người là 60 triệu đồng/người/năm. Ngoài nguồn điện lưới EVNHCMC đã đầu tư cho xã đảo với 200 tỷ đồng thì từ năm 2014, ngành điện thành phố đã xây mới, sửa chữa hàng trăm căn nhà giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Đến với Thạnh An hôm nay, du khách sẽ thấy sự “thay da đổi thịt” mạnh mẽ của xã đảo.
Chung tay vì cuộc sống người dân
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, ngành điện TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai đầu tư, cải tạo hệ thống điện để hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho tất cả 56 xã trên địa bàn với tổng số vốn đầu tư là hơn 3.200 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về chung sức xây dựng NTM, EVNHCMC còn chỉ đạo các công ty điện lực, các tổ chức đoàn thể chủ động tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ cho các huyện ngoại thành, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Thực hiện xây dựng NTM, năm 2015, ngành điện thành phố đã cơ bản bảo đảm được tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho tất cả các xã trên địa bàn, đạt 100% hộ nông dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Khối lượng lưới điện trên 56 xã thuộc 5 huyện đạt 5.965 trạm biến áp với tổng dung lượng là 2.144MVA, hơn 2.000km đường dây trung áp và 3.564km đường dây hạ áp. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC, ngành điện thành phố đang tập trung hiện đại hóa lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng. Dự kiến đến năm 2020, tổng vốn đầu tư của ngành điện cho 5 huyện ngoại thành là 1.345 tỷ đồng với nhiều công trình, hạng mục cáp ngầm, đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp... Qua đó, phát triển mạng lưới điện nông thôn không chỉ phục vụ nông nghiệp mà cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các khu dân cư đô thị mới ở nông thôn.
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận