Bến B22 - mắt xích quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển

12:09 14-10-2021

VBĐVN.vn - Di tích quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Trà Vinh - Bến B22 là niềm tự hào của quân dân Trà Vinh vì đã trở thành mắt xích quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Hình ảnh bia tưởng niệm tại Bến B22 vươn cao trong nắng mới như lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau nhiều chuyến dò đường của tàu các tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau... ra miền Bắc thành công, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tháng 4-1962, Khu ủy Khu Tây Nam Bộ chỉ đạo một số tỉnh ven biển như: Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau... mở bến tiếp nhận vũ khí. Tại Trà Vinh, Tỉnh ủy quyết định chọn 2 xã ven biển là Trường Long Hòa và Long Vĩnh thuộc huyện Duyên Hải (nay là các xã: Trường Long Hòa, Dân Thành thuộc thị xã Duyên Hải; xã Đông Hải, Long Vĩnh thuộc huyện Duyên Hải) để mở bến tiếp nhận vũ khí.

Bia tưởng niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Di tích quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Trà Vinh (Bến Cồn Tàu)

Những xã ven biển này là vùng căn cứ cách mạng, có sự đứng chân của Tỉnh ủy Trà Vinh, vì vậy nơi đây luôn là mục tiêu tấn công của địch. Trên bộ, có mặt của thám báo, biệt kích lẫn pháo binh... Ngoài biển thì hải quân và không quân của địch tuần tra kiểm soát và luôn trong tư thế tấn công vào bất cứ lúc nào chúng nghi ngờ. Nhưng lợi thế của khu vực này là rừng rậm cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều cửa sông lớn, luồng lạch sâu như Láng Nước, Cồn Tàu...có thể cho tàu có trọng tải lớn từ ngoài biển nhắm thẳng mà thọc sâu vào rừng rậm để ngụy trang.

Lúc tổ chức mở bến, đồng chí Lê Văn Lòng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Trà Cú được chỉ định làm trưởng bến Trà Vinh, chịu trách nhiệm xây dựng bến bãi cũng như lực lượng tiếp nhận. Sau nhiều lần ra Bắc vào Nam cùng với Hồ Đức Thắng, Bông Văn Dĩa trong vai trò là chính trị viên và chính trị viên phó, đồng chí Lê Văn Lòng đã có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, đồng chí còn là người địa phương (xã Long Vĩnh), am hiểu địa bàn, thuộc từng luồng lạch, dòng chảy của vùng biển Trà Vinh (ở đây vốn có nhiều cồn cát ngầm gần bờ). Tháng 12-1962, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Lê Văn Lòng khẩn trương chuẩn bị và Bến B22 đã hình thành. Bến tiếp nhận không tập trung mà phân tán thành 2 cụm bến. Cụm bến 1 thuộc khu vực các ấp Vàm Rạch Cỏ, La Ghi; cụm bến 2 nằm ở các ấp Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước. Để bảo đảm bí mật, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập 1 trung đội tự túc cùng sống với dân cùng làm muối, đánh cá để vừa cải thiện cuộc sống cũng như ngụy trang với địch.

Đầu năm 1963, theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Ban chỉ huy Đoàn 962 trực tiếp là Tỉnh ủy Trà Vinh lựa chọn thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú ở các huyện bổ sung cho đơn vị, đồng thời hình thành lực lượng chiến đấu bảo vệ. Tất cả sẵn sàng để đón chuyến tàu đầu tiên. Ngày 23-3-1963, Bến Trà Vinh đón chiếc tàu sắt đầu tiên chở theo 44 tấn vũ khí cập bến an toàn trong sự vui mừng của nhiều đồng chí, đồng đội dưới thuyền và trên bến. Đây là thắng lợi đầu tiên của Bến Trà Vinh sau gần 1 năm chuẩn bị.

Đình miếu Cồn Trứng, nơi đào hầm bí mật cất giấu vũ khí sau khi chuyển lên bến
Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đình miếu Cồn Trứng, Lăng ông Cồn Tàu

Từ 1963 đến 1966, các cán, bộ chiến sĩ đơn vị B22 đã tiếp nhận tất cả 16 chuyến tàu chở theo vũ khí, trang thiết bị chi viện cho chiến trường. Các vũ khí, thiết bị này được ngụy trang, cất giấu nhiều nơi, trong đó có 2 điểm chính là Đình Cồn Trứng và Lăng ông Cồn Tàu (2 địa điểm này được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2015). Địch nghi ngờ đây là khu vực cất giấu vũ khí, chúng đã tổ chức nhiều cuộc càn quét nhưng vẫn không thể tìm ra. Bởi chúng làm sao ngờ được, dưới chân bệ thờ Thần, thờ Ông trong đình và lăng lại là kho vũ khí bí mật của ta. Số vũ khí mà Bến B22 tiếp nhận đã vận chuyển cho chiến trường Vĩnh Trà (tên gọi tỉnh Trà Vinh lúc ấy) hơn 600 tấn, chuyển lên miền Đông hơn 100 tấn, trung chuyển từ Cà Mau qua Bến Tre 565 tấn... kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20-6-1966, chuyến tàu thứ 17 đang áp sát vào bến thì bị địch phát hiện và bao vây. Lực lượng trên tàu và trên bến đánh trả quyết liệt để giải vây cho con tàu. Nhưng không may, đúng lúc đó thủy triều xuống thấp, tàu mắc cạn không thể vào bãi nên đành phải hủy tàu để không rơi vào tay giặc. Từ đây, Bến Trà Vinh đã bị lộ và ngừng tiếp nhận.

Hình ảnh, hiện vật trưng bày trong khu Di tích quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Trà Vinh

Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bến tiếp nhận vũ khí tại Trà Vinh đã trở thành mắc xích quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002. Ngày 21-11-2011, Bến B22 được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; đồng chí Lê Văn Lòng, người trưởng bến dũng cảm được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Năm 2010, tại ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, Trung ương và tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng công trình tưởng niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu với diện tích gần 1,2 héc-ta. Công trình gồm bia tưởng niệm và nhà trưng bày hình ảnh hiện vật gắn liền với chiến công của quân dân Trà Vinh đối với tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang