Biển, đảo những ngọn sóng mặt trời
VBĐVN.vn - Nhâm nhi ly trà nóng ngày cuối Đông, nhà thơ Trịnh Công Lộc thong thả chia sẻ: “Biển, đảo gắn bó với tôi như cái duyên trời định”. Và chính cái duyên ấy đã nâng ông lên một tầm cao mới với lời tri ân “Mộ gió” và con đường thơ biển, đảo vừa mang tính hiện thực, vừa có tầm khái quát của mình… Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà thơ Trịnh Công Lộc xoay quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ bắt đầu con đường thơ về ca biển, đảo từ vẻ đẹp phong cảnh, những con sóng và sự rộng lớn bao la… Nhà thơ có thể cho biết, tại sao ông lại chọn “Mộ gió” để mở ra con đường thơ biển, đảo của mình?
Nhà thơ Trịnh Công Lộc: Không phải tôi chọn mà là biển chọn tôi. Không chỉ “Mộ gió” mà cả những bài thơ khác về biển, đảo sau này.
Tôi gắn bó gần 50 năm ở vùng biển, đảo Quảng Ninh. Vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của biển, đảo; đặc biệt là những trang sử oai hùng của dân tộc ta trên các vùng biển, đảo đã thu hút tôi trong nhiều năm qua. Trong đó, hình ảnh mộ gió ám ảnh tôi và tôi không thể không ngẫm nghĩ sau sự kiện Gạc Ma năm 1988…
…“Mộ gió” đã có từ nghìn năm trước đây. Đó là những ngôi mộ tượng trưng tưởng nhớ những người đi biển gửi thân nơi sóng nước, nhất là những chiến binh đi trấn giữ biển, đảo đã hóa thân vào biển cả, không trở về. Đến thời Gia Long, mới có mộ gió ở Hoàng Sa, Trường Sa. Mộ gió đã trở thành biểu tượng dân gian vùng biển, đảo, là biểu tượng riêng có trong văn hoá biển của người Việt Nam.
Và cứ thế, tôi nung nấu, trăn trở mãi với hình tượng này. Cho đến thời điểm Biển Đông diễn ra nhiều sự việc căng thẳng vào năm 2011, trong giây phút lắng đọng và thăng hoa, cảm xúc dâng trào, tôi viết bài thơ “Mộ gió” chỉ trong vòng 15 phút của một đêm mùa thu tháng 8.
Vì thế, nói “Mộ gió” mở ra con đường thơ viết về biển, đảo của tôi cũng đúng. Vì từ gan ruột viết ra. Tôi tâm niệm, các tác phẩm của mình cần gắn liền với những vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp vận mệnh của đất nước, thể hiện được tầm nhìn về tư tưởng, tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV: Đông đảo cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn muốn được nghe nhà thơ trực tiếp chia sẻ về tác phẩm của mình. Nhà thơ có sẵn lòng không ạ?
Nhà thơ Trịnh Công Lộc: Nói về bài thơ này, có mấy người bạn văn nói với tôi rằng: “Mộ gió” là tác phẩm thi ca hoàn chỉnh đầu tiên về đề tài này, nhất lại là về quần đảo Hoàng Sa. Không biết độ chính xác của thông tin này đến đâu nhưng đây là tác phẩm đầu tiên tôi tâm huyết viết về biển, đảo.
Có lẽ, rất may mắn cho “Mộ gió” khi đã đạt giải kép, giải thưởng lớn cả thơ và nhạc tại cuộc thi toàn quốc mang tên “Đây biển Việt Nam” (do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ cùng báo Vietnamnet tổ chức năm 2011). Và đó cũng là trường hợp chưa có tiền lệ. Chỉ sau hai ngày tác phẩm được vinh danh thì đã có hơn 50 tờ báo giấy, báo nói, báo mạng trong và ngoài nước nêu tên, bình luận. Từ đó, nhiều năm sau, cái tên “Mộ gió” có mặt trong nhiều bài thơ, truyện, ký sự của các tác giả khác. Đặc biệt, trong đời sống tâm linh, nhiều trường hợp không tìm được hài cốt cũng đặt tên “Mộ gió”… Nhà thơ Đặng Huy Giang từng viết riêng một bài “Trịnh Công Lộc và hội chứng mộ gió” đăng đầu tiên trên báo Văn nghệ. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng từng nhận xét: Bài thơ tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh, dâng lên, dâng lên cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ cứ được đẩy lên đến vô tận. Không có chỗ “phô”. Tác phẩm dự thi của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc…
Dù vậy, thật lòng tôi vẫn nghĩ: Quan trọng nhất không phải là đạt giải cao hay thấp mà là tác phẩm ấy có sống được lâu trong lòng người đọc hay không? Tác phẩm ấy có chạm đến được trái tim, lay thức được tâm hồn con người hay không? Tác phẩm về biển, đảo sau những cảm quan sâu lắng phải khơi dậy niềm tự hào, sức sống trào dâng “như ngọn sóng ngang trời”:
“Mộ gió đây/ giăng từng hàng, từng lớp/ vẫn hùng binh giữa biển-đảo xa khơi/ là mộ gió/ gió thổi hoài, thổi mãi/ thổi bùng lên/ những ngọn sóng/ ngang trời!”.
Khát khao lớn nhất của mỗi văn nghệ sĩ khi sáng tác về biển, đảo, về chiến sĩ Hải quân đó là tác phẩm được ghi dấu ấn đậm nét, trở thành cột mốc tinh thần, cột mốc văn hoá về chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Từ đó, truyền cảm hứng về quyết tâm giữ gìn toàn vẹn bờ cõi, non sông cho các thế hệ con cháu đời sau!
Vì thế, bài thơ “Mộ gió” tôn vinh tất cả những ai có công gìn giữ biển, đảo của Tổ quốc. Bởi lẽ, sự hy sinh của quân dân giữ biển, đảo qua đời này đời khác, không bao giờ cũ trong lịch sử, trong tâm trí mọi người, trở thành sức mạnh, niềm tự hào vô hạn. Hình tượng trung tâm dạt dào cảm xúc nhất vẫn là những người lính biển, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền và xây dựng chiến lũy lòng dân trên biển.
PV: Bên cạnh “Mộ gió”, nhà thơ còn nhiều tác phẩm ấn tượng khác viết về biển, đảo trong tập thơ cùng tên. Trong đó, với tác phẩm “Ngàn xa” viết về Trường Sa, nhà thơ đã nâng đảo Song Tử Tây thành biểu tượng “trụ trời-bất tử”: ("Trường Sa đấy, bốn bề giông bão/ Đón người ra với đảo, gửi niềm tin/ Song Tử-như trụ trời-bất tử/ Gọi ngàn xa, tung cánh bay về...”). Nhà thơ muốn gửi gắm điều gì trong hình tượng đó?
Nhà thơ Trịnh Công Lộc: Trong truyện thần thoại văn học dân gian Việt Nam từ rất xa xưa đã lưu truyền về Thần Trụ trời. Đây là vị thần có công rất lớn nâng bầu trời cao lên, tách khỏi đất. Từ đó mới có trời - đất như ngày nay. Đó chính là biểu tượng về sức mạnh, trí tuệ kỳ diệu, bất tử của thiên tạo và của cả niềm tin con người. Mỗi hòn đảo trên biển của ta như một thần trụ trời sừng sững, hiên ngang, vững chắc, đủ sức nâng đỡ cho mọi khát vọng bay lên!
Xin chép lại ý thơ viết trước và sau tặng cán bộ, chiến sĩ Hải quân thân yêu:
“Mỗi đảo nhỏ, trái tim của biển
Những trái tim nhịp đập trùng khơi…
Mỗi đảo biển, Thần Trụ trời bất tử
Điểm tựa niềm tin canh giữ biển trời …”
PV: Nhà thơ từng nói: “Biên cương, hải đảo là vấn đề lớn gắn với vận mệnh của dân tộc mà người cầm bút phải dấn thân để thể hiện trách nhiệm công dân lớn lao của mình”? Xin nhà thơ chia sẻ thêm về điều này?
Nhà thơ Trịnh Công Lộc: Biên cương và hải đảo luôn song song cùng sự trường tồn của dân tộc. Biên cương (bao gồm cả biên giới đất liền và trên biển) chính là lũy thép bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Bảo vệ toàn vẹn biên cương và hải đảo cũng chính là bảo vệ toàn dân tộc. Sứ mệnh lịch sử ấy không bao giờ thay đổi, mặc nhiên đặt lên vai mỗi người dân Việt về trách nhiệm công dân và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta nói chung.
Và như thế, Tổ quốc nói chung, biên giới, biển đảo nói riêng dường như là những bản di chúc lịch sử để lại đời này qua đời khác cho mọi thế hệ soi sáng con đường của đất nước, dân tộc. Đó là những con sóng mặt trời!
Còn với tôi, biển, đảo luôn ấp ủ trong những dự định sáng tác hay.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ Trịnh Công Lộc! Kính chúc nhà thơ thật nhiều sức khỏe. Mong ông tiếp tục quan tâm và có thêm tác phẩm mới về biển, đảo Tổ quốc và bộ đội Hải quân!
Nhà thơ Trịnh Công Lộc, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1952 ở xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông đã xuất bản 5 tập thơ và đạt được nhiều giải thưởng văn học. Trong đó, tập thơ “Mộ gió” đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải Nhất giải thưởng sáng tác về Biên giới, biển đảo năm 2020. Trước đó, trong cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ cùng báo Vietnamnet tổ chức năm 2011, bài “Mộ gió” đã đạt giải Nhì (không có Giải Nhất) về thơ và ca khúc (do nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc)…
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận