Biển đảo Tây Nam: Nam Du đẹp quá !
VBĐVN.vn - "Nam Du đẹp quá!". Tôi và nhiều đại biểu của đoàn công tác thành phố Hồ Chí Minh thăm các đảo Tây Nam và nhà giàn DK1/10 đã thốt lên như vậy khi đặt chân đến hòn đảo này.
Dù chưa đến Nam Du trước đó, nhưng tôi đã biết về nơi này khi đọc truyện ngắn Hòn Cổ Tron và Ông già xay lúa, hai tác phẩm mở đầu tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Trong đó, Sơn Nam viết rằng, khi xưa, dân địa phương quen gọi địa điểm này là Cổ Tron (ngày nay gọi là Củ Tron - tên hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Du), còn người Pháp gọi là Poulo Dama. Tuy nhiên, vài tư liệu cũng nói Nam Du trước đây có tên là Nam Dự (đảo phía nam) nhưng khi người Pháp vẽ bản đồ thì viết thành Nam Du.
Một số tài liệu dẫn lại giai thoại chúa Nguyễn Ánh từng nương náu trên đảo. Khi thiếu lương thực, được dân chỉ đào một loại củ giống củ nầng, có hình dáng tròn tròn để ăn. Sau này nhớ lại thời tẩu quốc, ông đã sắc tứ đảo này là Củ Tròn, dân đọc trại thành Củ Tron.
Ngày nay, quần đảo Nam Du có tổng diện tích chừng 10 km2, thuộc H.Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; cách thành phố Rạch Giá khoảng 100 km về phía đông bắc. Quần đảo gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống. Ở đây có 2 đơn vị hành chính cấp xã gồm xã An Sơn và xã Nam Du, trong đó đảo Nam Du do xã An Sơn quản lý. Chỉ cần tìm kiếm đảo Nam Du trên Google Maps, sẽ thấy ngay con số gần 1.000 người đánh giá với tỷ lệ 4,5/5 sao, chứng tỏ nơi đây đáng đặt chân đến biết nhường nào.
Cuộc sống đổi thay nhờ du lịch biển
Đến Nam Du, ngay tại cầu cảng, có một bia tưởng niệm tưởng nhớ những người đã tử nạn trên đất, biển Kiên Giang vì cơn bão số 5 (bão Linda) vào ngày 2 - 3.11.1997. Cơn bão đã khiến 460 người (397 trong tỉnh, 63 ngoài tỉnh) thiệt mạng; 335 người bị thương; 2.184 tàu bị chìm, 199 chiếc mất tích; 3.210 căn nhà sập và 20.537 căn bị tốc mái; tổng thiệt hại hơn 1.515 tỉ đồng.
Nhân chứng trong cơn bão, ông Nguyễn Anh Tùng (60 tuổi) kể: "Lúc đó, các phương tiện thông tin đại chúng còn thô sơ, người dân không cảnh giác, chỉ nghĩ là cơn giông gió thường, đến khi bão vào tới đảo thì trở tay không kịp. Tôi nhớ, vào chính bão là lúc 0 giờ 45 ngày 2.11, chỉ kéo dài tới 1 giờ 15, nhưng hậu quả vô cùng lớn. Sáng ra thấy hoang tàn, nhà cửa tan nát, tàu bè phương tiện chìm hết, một số tấp vô bãi. Không khí hỗn độn lắm, hết người này tới người nọ báo có dân chết, mất tích...".
Đối với ông Tùng, ban đầu, chuyến ra Nam Du như là chuyến đi tạm, ông nói mình sẽ làm việc ở đây một thời gian rồi trở về đất liền. Nhưng thấm thoắt đã 40 năm trôi qua, bây giờ ông không có ý định vào bờ nữa. Hỏi lý do, ông nhíu mày, nói luôn: "Tôi ở đây, qua cơn bão, lúc bĩ cực nhất rồi thấy mến tình làng nghĩa xóm, tình quân dân, thành thử không muốn đi".
Suốt 4 thập niên, ông Tùng chứng kiến sự thay da đổi thịt của hòn đảo này khi cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường sá… trở nên khang trang hơn. Nơi cầu cảng Nam Du mà hằng ngày ông thường chạy xe ôm đón, trả khách đến da rám nắng, thấy nhà nghỉ, hàng quán san sát nhau, buôn bán đủ loại mặt hàng từ quần áo đến thủy hải sản. Các chủ quán bày bàn ghế dọc Bãi Chệt, dân địa phương lẫn du khách nướng hải sản, ngắm tàu neo và cảnh biển yên bình lúc về chiều. Đời sống người dân Nam Du chuyển dời đã qua bao cuộc đời.
Hòn đảo xinh đẹp này đi lên nhờ phát triển du lịch chừng chục năm trở lại đây. Bà Trần Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND xã An Sơn, cho hay 9 tháng năm 2023, kinh doanh thương nghiệp - dịch vụ ở đảo tăng trưởng khá, hàng hóa đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân. Ước tính tổng mức luân chuyển hàng hóa và dịch vụ thời gian này đạt hơn 331 tỉ đồng. Bà Oanh cũng cho biết thống kê tới ngày 14.9, Nam Du có 39 nhà trọ, nhà nghỉ với 631 phòng và 19 phương tiện đường thủy, phục vụ đưa rước khách. Đã có hơn 37.000 lượt khách du lịch đến đảo trong quý 3/2023, nâng tổng số từ đầu năm đến nay hơn 92.000 lượt.
Mối lo nguồn lợi thủy sản
Tôi thuê xe máy ở một tiệm cà phê võng ngay cầu cảng để di chuyển đến Trạm ra đa 600. Chị chủ chỉ thu tiền xe 100.000 đồng/ngày, không yêu cầu tôi để giấy tờ gì lại. Tôi hỏi: "Không sợ mất xe hả ?", chị chắc mẩm: "Ở đảo an ninh lắm, không lo trộm cướp gì đâu". Đường lên Trạm ra đa 600 hai bên cây phủ um tùm, càng đi càng thấy dốc, ổ gà ổ voi lởm chởm, nhiều đoạn phải gồng mình căng như dây đàn để khỏi lạc tay lái. Người dân biết khách lạ, í ới: "Chạy xe phải để số 1 mới lên được".
Trước khi tới Trạm ra đa 600 sẽ đi qua Trường THCS An Sơn, sau đó có 2 đường nhánh, một đường tên Dốc Ân Tình, đường còn lại dẫn về Bãi Ngự. Dốc Ân Tình có vẻ như là con đường độc đạo dẫn lên hải đăng và Trạm ra đa 600, còn lại, du khách có thể đánh xe trên con đường bên đồi bên biển được xây vòng quanh đảo, nối đến các bãi tắm, điểm du lịch như Bãi Sỏi, mũi Nam hòn Củ Tron, điểm ngắm hoàng hôn, bãi Cây Mến, cây cô đơn... Càng đi, càng thấy Nam Du hùng vĩ. Du khách chẳng để ý gì khác thêm ngoài màu xanh nối tiếp màu xanh dịu mắt.
Du lịch phát triển, đời sống khấm khá hơn, nhiều người bỏ dần nghề đi biển. Ông Giang Văn Đức (64 tuổi, quê thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho hay ông đến Nam Du từ nhỏ, khi đất nước chưa thống nhất. Ông kể: "Làm nghề biển có mùa, ngày xưa mê nhất là đi câu thẻ mực. Lúc đó hải sản rất nhiều, đánh bắt chơi thôi nhưng mà ăn thiệt, giờ thì khai thác khó khăn lắm, thiếu sản lượng. Làm du lịch thoải mái hơn làm biển. Nhiều người đi bán quán, đi làm khách sạn có tiền hơn hồi xưa".
Hiện ông Đức cũng không còn đi biển nữa chỉ lo buôn bán phục vụ du khách. Ông than đi biển bây giờ tốn kém nhiều, từ thuê ngư phủ đến chi phí nhiên liệu: "Tiền thuê một ngư phủ đi là 400.000 đồng, chuyến vậy đi 3 người, thêm 1 tài công nữa là 4 người. Tính ra nếu ngày đó ra khơi mà không kiếm được 4 triệu đồng là coi như lỗ vốn".
Được hỏi về nguyện vọng cho Nam Du, ông Đức nói muốn nhà nước quan tâm hơn nữa đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở Nam Du cũng hy vọng điện lưới quốc gia sớm về tới đảo, đồng thời được đầu tư nhiều hơn các công trình văn hóa, giải trí ở đây để phát triển du lịch.
Về thực trạng giảm nguồn lợi hải sản, UBND xã An Sơn cũng nhận định đây là một trong những khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội mà địa phương đối mặt, trong khi nuôi trồng thủy sản với quy mô nhỏ, sản lượng thấp chưa bù đắp được phần thiếu hụt cho khai thác. Song song đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (như điện, xử lý ô nhiễm môi trường, dịch vụ du lịch…) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thiên tai, dịch bệnh, an ninh trên biển còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường…
Do đó, năm 2023, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, xã An Sơn sẽ tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư...
Phạm Thu Ngân (thanhnien.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận