Biển đảo Tây Nam: Thổ Châu nắng vương đồi cây phủ
VBĐVN.vn - Rời nhà giàn DK1/10, đoàn công tác của thành phố Hồ Chí Minh xuất phát về đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) được giới thiệu có cảnh đẹp mê hồn với những bãi biển hoang sơ tựa như tranh vẽ. Ngồi ở mạn tàu, gió thổi lên mát rượi. Tàu lướt sóng hướng về hòn đảo cách đất mũi Cà Mau hơn 111km, cách đảo Phú Quốc hơn 100km...
Trong lịch sử, đây là nơi chúa Nguyễn Ánh nhiều lần tới nương náu trong giai đoạn đối đầu với quân Tây Sơn từ năm 1777 (theo Đại Nam thực lục chính biên, kỷ thứ nhất). Cái tên Thổ Châu cũng do ông đặt (cách gọi "Thổ Chu" chỉ mới xuất hiện sau này, trước đó, chỉ gọi là "Thổ Châu" vì từ "Chu" kỵ húy với tên của chúa Nguyễn Phúc Chu).
Ngoài ra, hòn đảo cũng từng chứng kiến một sự kiện lịch sử đau thương: 528 người dân Việt bị quân Khmer Đỏ bắt và giết hại chỉ sau 1 tuần đất nước thống nhất. Sau đó, Quân đội Nhân dân VN phản công, thu hồi, giữ đảo. Năm 1977, Khmer Đỏ tập kích đảo Thổ Châu một lần nữa nhưng bị đánh bại hoàn toàn.
Đến ngày 27.4.1992, UBND tỉnh Kiên Giang đưa 6 gia đình với 30 người đang cư ngụ tại xã Kiên Hải ra đảo Thổ Châu lập nghiệp. Ngày 24.4.1993, xã đảo Thổ Châu được thành lập, thuộc huyện đảo Phú Quốc (nay là TP.Phú Quốc). Tính đến ngày 31.8.2023, đảo có 549 hộ dân với 1.889 nhân khẩu, có 300 học sinh mẫu giáo, tiểu học và THCS.
3 thập niên bám đảo
Khoảng 15 giờ 30 ngày 18.9, tàu KN-290 thả neo, các đại biểu di chuyển xuống thuyền nhỏ để trung chuyển lên hòn đảo xanh rì dưới vòm trời. Bước lên cầu cảng, ngước lên thấy nắng vương đồi cây phủ.
Trong sách Non nước Việt Nam của tác giả Vũ Thế Bình, quần đảo Thổ Châu được giới thiệu có cảnh đẹp mê hồn với những bãi biển hoang sơ tựa như tranh vẽ... Nơi đây có nhiều điểm du lịch như Bãi Ngự với bãi biển trong xanh, hoang sơ, sạch đẹp hay ngọn hải đăng Thổ Châu. Bên cạnh đó, du khách có thể thăm Hòn Xanh, Hòn Nhạn và lặn biển ngắm san hô, câu cá... Từ cầu cảng vào có thể thấy hàng quán san sát nhau.
Tại Thổ Châu, đa số cư dân tập trung sống và buôn bán ở Bãi Ngự. Trong, ngoài đền Thổ Châu, trẻ con tập diễn văn nghệ rộn ràng (vì thời điểm đoàn công tác lên đảo là sắp đến Trung thu), vài đứa nô đùa, kháo nhau đi tắm biển.
Bà Nguyễn Thị Bế (62 tuổi) ngồi ghế đá, phe phẩy chiếc nón lá, kể thấm thoắt đã 30 năm từ khi bà đến đảo sinh sống: "Hồi xưa ở đây khổ lắm, thiếu đủ thứ, không có điện, mùa biển động không có gì ăn. Sau này, nhà nước xây nhà, trường học, đời sống người dân mới khấm khá hơn. Nhưng Thổ Châu giờ vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều người không có sở làm, du lịch cũng chưa phát triển mạnh. Tôi mong nhà nước quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, xây dựng thêm các công trình văn hóa, vui chơi giải trí cho dân".
Bà Khương Thị Lành, cũng là một trong số những người dân đầu tiên đặt chân lên đảo trong thập niên 1990, nhớ lại: "Gia đình tôi là gia đình có truyền thống cách mạng, cha tôi cũng đã hy sinh vì đất nước. Nên hồi bước chân lên đảo, tôi thấy đau lòng, thương xót khi biết ở nơi này, người dân của mình đã bị Pol Pot sát hại, rất mất mát, đau thương".
Theo bà Lành, đời sống thời điểm đó rất eo hẹp. Không điện, bà con chỉ có thể đốt đèn dầu. Đường sá không có, dân chỉ bám đường mòn để đi. "Ngày xưa, bản thân tôi và gia đình cũng khổ lắm. Loay hoay cũng cố gắng buôn bán, đi biển. Giờ đây, đảo chuyển mình, đường bê tông dễ chạy, nhà cửa xây đẹp hơn, có trạm xá, trường học, dân cũng ngày một ấm no. Tôi rất vui mừng khi thấy nơi đây khang trang hơn rồi được đón tiếp đoàn đến thăm", bà Lành cho biết.
Hỏi bà Lành có bao giờ muốn rời đảo hay không thì bà đáp ngay: "Không, tôi ra đây là quê hương thứ ba của mình rồi, từ Quảng Trị, rồi từ Bình Thuận đến đây. Tôi sống ở đây cũng đã quen rồi, mà đã quen thì đâu có đi đâu được nữa. Mình đi tới đây là cuối cùng của đất nước, phải góp sức bám đất, giữ đảo thôi. Vả lại, ở đây, dân quân gắn kết với nhau lắm, có khó khăn gì, dân được bộ đội giúp đỡ. Tất cả cùng giữ đảo của Việt Nam mình".
Động lực lớn nhất của người thầy
Cách đền Thổ Châu 200 m là Trường tiểu học và THCS Thổ Châu, học sinh đang lấy ghế ra ngồi giữa sân làm lễ chào cờ. Tiếng trống của đội nghi lễ khiến không khí yên ắng của hòn đảo lúc về chiều trở nên sôi động. Có nhiều điểm trường trên đất nước Việt Nam được dựng xây bởi những điều rất đặc biệt: những giai thoại, thăng trầm lịch sử, vài cây cột, viên gạch, bờ tường, cái bảng, bộ bàn ghế hay những biển hiệu đầu tiên... Thổ Châu cũng vậy. Người ta càng ấn tượng hơn khi có những người thầy cô thầm lặng gieo giấc mơ chữ nghĩa ở đây ròng 3 thập niên.
Cô Võ Thanh Kiều (50 tuổi) nhớ rõ mình chính thức công tác ở đảo Thổ Châu vào tháng 3.1996. Trước đó hơn một năm, chồng cô - thầy Đào Hữu Quốc - là một trong hai giáo viên tình nguyện đầu tiên của đảo. Cô Kiều nhớ lại: "Mỗi lần đi ra Thổ Châu chỉ có một chuyến tàu, đi rất chật vật. Mình phải canh tàu, có khi sóng gió, tàu chưa đi được, mình lội vô lội ra mấy lần. Nhiều khi xuống không phải được cập bến của dân mà phải cập nơi khác, đi bộ một đoạn đường núi, may mắn thì quá giang được xe bộ đội. Thời ấy nhà cửa hoang sơ, đường đi thì không có, phòng học thì chỉ có 2 phòng".
Đan xen ấn tượng về sự khó khăn ở đảo xa khi đó là nỗi xúc động. "Thời điểm đó, ra đây, nghe câu chuyện về người dân bị sát hại, tôi thấy rất thương tâm. Trường lúc đó chỉ có cát, tôi từng chứng kiến một lần nọ, khi người dân đào hàng rào xây cảng, quào lên thấy được bộ xương cốt, sau đó đem lên đồi mà chôn cất lại", cô Kiều kể.
Nỗi xúc động càng nhân lên gấp bội khi cô Kiều chứng kiến chồng mình đứng lớp và cách mà học sinh đến trường. Cô cảm thán: "Tôi thấy thương học sinh. Chỉ có 2 phòng học, 1 lớp thì sĩ số chỉ mười mấy em. Lúc đó cũng không có đồ dùng dạy học gì vì xã còn nghèo. Học sinh không có đồng phục, sách vở cũng thiếu".
Trong khi đó, gia đình các em cũng thiếu thốn đủ bề, hộ đánh bắt cá thì chỉ có cái ghe nhỏ, đánh bắt vòng vòng, được vài ba con cá thì lên bờ. "Đánh bắt lên thì có người mua, nhưng người mua lại không có tiền để trả", cô Kiều nhớ lại.
Nhưng rồi mọi thứ dần chuyển mình, phòng ốc được xây thêm, trang thiết bị dạy học được đầy đủ hơn, đời sống của giáo viên cũng ổn định hơn trước. Khi được hỏi: "Vậy suốt thời gian khó khăn đó, động lực lớn nhất giúp cô vượt qua là gì?" thì cô Kiều nói ngay: "Mình vì học sinh của mình. Các em thiếu thốn vô cùng. Tôi là giáo viên, dạy nhiều lớp trẻ, sau này các em quay lại làm đồng nghiệp, thậm chí là lãnh đạo của mình. Tôi tâm niệm phải giúp đỡ các em được phần nào đó. Nếu ai cũng sợ những khó khăn đó ở đảo chúng ta thì học sinh không được như hôm nay".
"Vậy cô có mong muốn gì trong tương lai cho những học sinh bây giờ không?", tôi hỏi. Cô đáp: "Tôi muốn các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa chính sách cho các em học sinh khó khăn, giúp các cháu vào bờ học lớp 10 có chỗ học ổn định hơn. Ở đây dân còn nghèo, các em học xong lớp 9 là nghỉ đi làm thuê. Tốt hơn thì làm sao đó để Thổ Châu có được trường cấp 3 như nơi khác".
Đoàn về lại tàu KN-290 khi trời đã tối, sau bữa cơm thân mật với đại diện các lực lượng trên đảo và hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ. Nhóm chúng tôi được một tàu của dân đưa về lại. Tối đó, gió biển Thổ Châu thổi lên dễ chịu, ngó lên thấy sao le lói trên trời. Tôi thấy mình thật nhỏ bé khi lắng nghe các câu chuyện của những người dân đất đảo hiền lành và cao thượng.
Đến thăm đảo Thổ Châu dịp này, đoàn công tác TP.HCM cũng đến thăm, tặng quà cho các đơn vị gồm: Trung đoàn 152/QK9, Trạm ra đa 610 (Trung đoàn 551), UBND xã Thổ Châu, Tiểu đoàn 886 - Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, Lữ đoàn Công binh 25 - Quân khu 9, Trạm kiểm soát Vùng cảnh sát biển 4, Trường mầm non Thổ Châu, Trường tiểu học và THCS Thổ Châu.
Phạm Thu Ngân (thanhnien.vn)
(còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận