Bình Định phát triển du lịch biển, đảo bền vững

09:14 01-08-2024

VBĐVN.vn - Với lợi thế đường bờ biển dài đẹp và hệ thống các đảo ven bờ đã hình thành những cộng đồng vạn chài mang văn hóa đặc trưng của ngư dân miền biển, đảo vô cùng đặc sắc và phong phú. Từ đó, Bình Định tận dụng tiềm năng và thế mạnh đặc biệt để phát triển du lịch biển, đảo một cách hiệu quả và bền vững.

Thắng cảnh Eo Gió là điểm du lịch biển, đảo nổi tiếng Bình Định. Ảnh: P.B

Tiềm năng tài nguyên, văn hoá biển, đảo

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, được đánh giá sở hữu nhiều di sản thiên nhiên, vườn quốc gia, hệ sinh thái đầm, phá ven biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới nổi tiếng. Ngoài ra còn có nhiều bờ biển đẹp hùng vĩ và nhiều đầm, phá với tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển nhiều hoạt động du lịch.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc cho biết, dọc ven bờ biển Bình Định tồn tại 32 hải đảo lớn nhỏ, trong đó có 10 cụm hải đảo và đáng lưu ý là đảo Cù Lao Xanh có vai trò quan trọng về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Nơi đây có nhiều dân cư sinh sống, có cảng cá khá lớn, là nơi ra vào của tàu thuyền đánh cá và tránh trú bão thuận lợi. Cù Lao Xanh đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách về hành trình khám phá biển, đảo.

Tỉnh Bình Định có khoảng 134km bờ biển. Do ảnh hưởng nhô ra của các dãy núi, cũng như khí hậu và tác động của các quá trình thủy văn động lực của biển, đủ tạo nên sự phức tạp của vạch bờ; đồng thời còn tạo nên nhiều đầm, phá ven biển như: Đầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Mỹ Khánh, đầm Thị Nại và phá Công Khanh. Các đầm, phá được ngăn cách với biển bởi các dải cát dài hoặc các dãy núi thấp và trao đổi nước với biển thông qua các cửa rất eo hẹp.

Dọc bờ biển Bình Định tồn tại các cửa biển như: Tam Quan, An Dũ, Hà Ra, Đề Gi và Quy Nhơn. Hiện tại, ngoại trừ cửa Quy Nhơn và cửa Tam Quan khá ổn định, còn các cửa An Dũ, Hà Ra, Đề Gi luôn có sự bồi lấp và biến động đã phần nào gây khó khăn cho các hoạt động của tàu thuyền và đời sống của Nhân dân quanh khu vực. Bởi vậy, mỗi vùng đều có những nét rất riêng về văn hóa, địa hình và đời sống tinh thần của ngư dân miền biển.

Điểm du lịch Kỳ Co thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: P.B

Nói về văn hóa của biển, đảo trong đời sống ngư dân, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn Bình Định, gắn liền với những bãi biển dài đầy cát và nắng gió là những làng quê mộc mạc, làng nghề đánh bắt thủy, hải sản, làng nghề truyền thống với những tập quán, lễ hội, văn hóa tốt đẹp, tín ngưỡng dân gian phong phú và đa dạng mang đậm nét văn hóa miền biển, đảo. Đó là những lễ hội cầu ngư, múa hát bả trạo, nghi lễ hát án; các loại hình dân ca, dân vũ, hò vè, trò chơi dân gian, hội đua thuyền, hội hè truyền thống còn được lưu giữ mãi cho đến hôm nay.

Những hoạt động văn hóa đặc trưng này phản ánh đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của ngư dân, gắn liền với chu kỳ đánh bắt hải sản và chu kỳ các tiết lễ diễn ra trong năm, thể hiện sự trân trọng của ngư dân đối với thiên nhiên; là ý chí và nghị lực của người dân miền biển trong lao động và chinh phục biển cả.

Những làng chài cổ với nét hoang sơ, quyến rũ. Ảnh: P.B

Du lịch biển, đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Để du lịch biển, đảo của Bình Định trở thành thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định: Thiên đường biển”, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, Bình Định có di sản văn hóa biển, đảo rất phong phú, đa dạng được hình thành từ đường bờ biển dài 134km. Muốn phát triển du lịch cần phải tăng cường các biện pháp làm sạch môi trường biển, chống lấn chiếm làm du lịch tự phát ở những biển, đảo có bãi cát đẹp. Tập trung đầu tư phát triển các điểm, khu, tuyến du lịch ven biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển du lịch biển. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, tỉnh xác định du lịch là ngành “xương sống”, kinh tế mũi nhọn và là một trong năm trụ cột phát triển của Bình Định. Ngành du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.

“Với vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và 134km đường bờ biển, Bình Định nổi tiếng có nhiều bãi biển đẹp, nhiều điểm đến có sức hút với du khách trong thời gian gần đây như: Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh. Bên cạnh đó, Bình Định có bề dày lịch sử với hệ thống di tích lịch sử phong phú, đây là tiền đề thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch”, ông Phạm Anh Tuấn quả quyết.

Lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển Bình Định. Ảnh: P.B

Thời gian qua, tỉnh Bình Định tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố, khu vực có thị trường khách du lịch tiềm năng, thuận lợi về đường bay, có sản phẩm du lịch kết nối, với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định, là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của khách du lịch để khẳng định thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định: Thiên đường biển”.

(thanhtra.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang