Bình Định tăng cường công tác chống khai thác IUU
VBĐVN.vn - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với việc thực hiện công tác chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Chủ động phòng chống nguy cơ
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định có 8 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng cao hơn so với cùng kỳ (3 vụ), làm ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” và chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC. Trước vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15m thường xuyên di chuyển ngư trường tại các tỉnh phía Nam. Cử ngày Đoàn công tác phối hợp với Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với loại tàu cá này, thông báo cho ngư dân biết về chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để triển khai thực hiện.
Làm việc với chính quyền các địa phương các tỉnh phía Nam đề nghị hỗ trợ, phối hợp, quản lý số tàu cá này, chỉ cho xuất bến đối với tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Khẩn trương đề xuất chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản và xả bản tàu cá đối với nhóm tàu cá làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái và nhóm tàu cá cũ có chiều dài từ 12 – dưới 15m hoạt động nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trước đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác gặp gỡ ngư dân, giám sát chặt chẽ các ngư dân, chủ tàu tại các xã, phường, thị trấn: Cát Khánh, Cát Tiến, Cát Minh (Huyện Phù Cát); Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc (Thị xã Hoài Nhơn),... có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam hàng năm không đưa tàu về địa phương để tuyên truyền, vận động, kiểm tra, ngăn chặn các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài xuất bến đi đánh bắt thủy sản, yêu cầu chủ tàu, ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để kịp thời giám sát và yêu cầu 3.221 tàu cá đang hoạt động vùng khơi đã lắp thiết bị VMS phải duy trì kết nối 24/24; phát hiện tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển để kịp thời cảnh báo và thông báo xử lý theo quy định.
Xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm
Ông Phạm Anh Tuấn giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Đối với các trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cương quyết xử lý theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý hình sự một số vụ việc điển hình nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa ngư dân, tàu cá Bình Định đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài hoặc môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam trái phép theo quy định của pháp luật. Phối hợp với lực lượng Biên phòng và các địa phương trong việc xác minh nguồn kinh tế, tài sản, thông tin về tài khoản cá nhân tại các tổ chức tín dụng/ngân hàng của các chủ tàu bị bắt giữ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thi hành, để phục phục cho việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn và các Sở, ngành liên quan điều tra chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ lô hàng cá kiếm của Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH T&H Nha Trang và Công ty TNHH Cát Tiên xuất khẩu đi EU.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cho nhiều đối tượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ trong bờ để kịp thời phát hiện sớm, từ xa, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo theo dõi, truy cập dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá để phối hợp, xử lý các trường hợp vi phạm của tàu cá địa phương theo chức năng, thẩm quyền được giao. Phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ra ngoài ranh giới vùng biển tự do đánh bắt, tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển sau khi tàu về bờ theo quy định của pháp luật.
Giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu của các tàu cá địa phương không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản (1.066 tàu cá chưa đăng ký, 539 tàu cá chưa được cấp phép, 726 tàu cá hết hạn đăng kiểm, 19 tàu cá chưa lắp VMS, 268 tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng). Kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện hoạt động đi khai thác thủy sản trên biển và đề nghị chủ tàu không để ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu. Cử cán bộ đầu mối trực tiếp theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin về các tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chưa có giấy phép khai thác thủy sản và tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày (vị trí neo đậu, có hình ảnh và chú thích thông tin thời gian, tọa độ vị trí của tàu trên ảnh chụp, kết quả xử lý);…
Đông Duy - Thanh Tùng (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận