Bình Thuận phát triển hiệu quả kinh tế biển: Ưu tiên phát triển xanh, thân thiện môi trường
VBĐVN.vn - Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường
Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có hơn 192km bờ biển trải dài trên 7/10 huyện, thị xã, thành phố; có diện tích vùng lãnh hải rộng 52.000km2. Với các tiềm năng đó, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: du lịch, năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời…), phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản...
Nhờ quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển trên cơ sở khai thác đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, đến nay, ngành du lịch biển đang là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, hiện nay Bình Thuận đã trở thành một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất cả nước. Đồng thời, Bình Thuận còn là 1 trong 3 ngư trường khai thác hải sản lớn nhất của cả nước.
Cụ thể, những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã xác định du lịch biển là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương nên đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế vốn có. Theo đó, ngoài việc tổ chức rà soát cơ cấu sử dụng đất vùng ven biển; lập quy hoạch sử dụng đất ven biển; tăng cường giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án du lịch, tỉnh còn thực hiện nghiêm quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án du lịch ven biển; chú trọng tới công tác kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp từ các khu dịch vụ, du lịch… dọc theo bờ biển; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển...
Tính đến nay, Bình Thuận có gần 200 dự án du lịch được đầu tư; có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng. Du lịch phát triển đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 22.300 lao động của nhiều địa phương trong tỉnh.
Bên cạnh đó, không chỉ phát triển về du lịch, Bình Thuận cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả mô hình khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế biến, bảo quản sản phẩm trên biển, xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản. Nhờ đầu tư tàu công suất lớn bám biển dài ngày, hàng năm, ngư dân Bình Thuận khai thác khoảng 180.000 tấn hải sản các loại. Cùng với đó, nghề nuôi trồng thủy, hải sản cũng phát triển mạnh, hàng năm, sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 15.000 tấn… Với những kết quả đạt được, ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ưu tiên phát triển xanh, thân thiện môi trường biển
Ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Nhiều năm nay, Bình Thuận luôn xác định mục tiêu phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở khai thác tài nguyên biển có chiều sâu, bảo đảm ổn định lâu dài, không xâm phạm, xâm hại đến các giá trị của biển, hải đảo. Đồng thời, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Theo đó, thời gian tới, ngoài việc tập trung quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Cụ thể, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa phương trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển hải đảo của tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển các khu du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng…
Đồng thời, tập trung phát triển các cảng biển của tỉnh theo quy hoạch ngành quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, thăm dò khoáng sản vùng biển, ven biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ; chuyển đổi mạnh việc nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị cao theo hướng công nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi sạch…
Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho việc thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải đạt quy chuẩn môi trường tại các khu dân cư và địa bàn trọng điểm của tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình khép kín thu gom, phân loại, xử lý, tái sử dụng nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại tại các địa phương ven biển, hải đảo của tỉnh.
Song song đó, triển khai thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển theo hướng bền vững dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường biển, ứng phó có hiệu quả các vấn đề ô nhiễm, sự cố môi trường biển, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
LINH NGA (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận