Bình Thuận: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
VBĐVN.vn - Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Chỉ thị số 12/CT-UBND gửi Ủy ban nhân các cấp, các Sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương triển khai một số nội dung, cụ thể như sau:
Thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của tỉnh và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phân công, phân cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản đảm bảo an toàn trước, trong và sau thiên tai.
Tổ chức rà soát, kiện toàn và củng cố tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ngành để chủ động thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ” về lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị, nhu yếu phẩm; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy nhằm chủ động, phối hợp điều hành, chỉ đạo công việc đạt hiệu quả cao. Duy trì nghiêm chế độ trực ban, nắm chắc tình hình thiên tai, sự cố để tham mưu, đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó, phòng tránh hiệu quả và tổ chức khắc phục nhanh hậu quả sau thiên tai.
Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung, xác định rõ các vùng, khu vực, địa bàn xung yếu thường bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão, vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng có địa hình cao, đồi dốc nhằm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó hợp lý theo phương châm “bốn tại chỗ” để tổ chức phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả cao nhất; dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, thuốc men, nhu yếu phẩm từ hộ gia đình đến từng thôn, xã, những vùng dễ bị chia cắt, ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, đặc biệt lưu ý đối với huyện đảo Phú Qúy.
Rà soát, bổ sung, cập nhật phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đặc biệt lưu ý phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, nước biển dâng, mưa lũ đặc biệt lớn kết hợp điều tiết hồ chứa; nắng nóng, hạn hán kéo dài; động đất, sóng thần, tập huấn kỹ năng, diễn tập các tình huống, sự cố thiên tai có thể xảy ra để các thành viên đội xung kích nắm bắt các kỹ năng xử lý, cách ứng phó ngay từ giờ đầu khi thiên tai xảy ra; xây dựng kế hoạch di dời dân cư khỏi các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời nơi đến phải đảm bảo trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chỉ đạo, quản lý sát sao việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, đô thị vùng ven sông, suối, ven biển, đồi núi…mở rộng khẩu độ thoát lũ nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tác động bất lợi do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương vùng biển tiếp tục duy trì, khuyến khích hoạt động của các “Tổ đoàn kết” khai thác hản sản trên biển, quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu đánh bắt vùng khơi đi vào nề nếp. Tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá ra khơi, theo dõi hoạt động của tàu cá trên biển, kết nối thông tin trực tiếp với tàu cá và gia đình chủ tàu, đảm bảo tàu cá hoạt động trên biển nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, chủ động tránh bão, áp thấp nhiệt đới hoặc di chuyển đến nơi an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tàu thuyền hoạt động trên biển. Đồng thời tuyên truyền cho ngư dân khi hoạt động trên biển không xâm phạm lãnh hải của các nước trong khu vực.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm đối với tàu thuyền khi đi biển hoạt động không khai báo, thiếu các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống thiên tai (thông tin liên lạc, đăng kiểm, phao cứu sinh…); tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng cho chủ tàu cá, thuyền viên và ngư dân bị sự cố, mất tích khi đang hoạt động trên biển. Chủ động nắm chắc các loại tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, sóng lớn trên biển để kêu gọi vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh, trú an toàn. Sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị để tham gia công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người, phương tiện và tàu thuyền khi gặp sự cố, thiên tai xảy ra trên biển, trong vùng nước cảng biển.
UBND các địa phương có hồ chứa tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn của từng hồ chứa nước, công trình thủy lợi trước mùa mưa, bão năm 2021. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chống hạn, cấp nước sinh hoạt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các tuyến đê sông, kè bảo vệ bờ biển, xây dựng và hoàn thiện các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền, nạo vét các cửa sông, luồng lạch bị bồi lấp để tàu, thuyền ra vào thuận tiện.
Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan để thông tin nhanh chóng, kịp thời tình hình thời tiết biển, bão, áp thấp nhiệt đới, sự cố tàu thuyền trên biển, phát thông tin khẩn cấp, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn nhằm hỗ trợ các ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ nhau kịp thời khi tiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra.
Văn Đoàn (theo Tổng cục Thủy sản)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận