Bình Thuận: Tuân thủ pháp luật để làm giàu từ biển

08:40 23-11-2023

VNĐVN.vn - Với thế mạnh là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, Bình Thuận có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Vì thế, việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên...

Nâng cao nhận thức cho nhân dân

Tỉnh ta có đường bờ biển dài 192 km, diện tích vùng lãnh hải trên 52.000 km2, với nhiều cảng, cửa sông, vịnh, bãi tắm đẹp. Toàn tỉnh có 7/10 huyện, thị xã, thành phố và 35/124 xã, phường, thị trấn có biển, trong đó huyện đảo Phú Quý giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, vùng biển của tỉnh có nguồn hải sản phong phú. Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 7.500 chiếc tàu thuyền các loại; tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên là 1.837 chiếc, trong đó có 179 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 240.000 tấn. Số lao động khai thác thủy sản trên biển khoảng 36.800 người, 1.056 tàu cá đăng ký khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần ở các vùng biển xa được trang bị thông tin liên lạc hiện đại.

Kiểm tra công tác tuyên truyền pháp luật tại phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết.

Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và triển khai bằng nhiều biện pháp, giải pháp. Riêng trong thực hiện hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023”, tỉnh đã tiến hành biên soạn và cấp phát hàng chục ngàn tài liệu, tờ rơi, tổ chức tuyên truyền pháp luật về biển, đảo Việt Nam bằng nhiều hình thức cho ngư dân, nhân dân vùng biển. Đồng thời, vận động nhân dân khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả và bền vững gắn với việc nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhờ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tiềm lực quốc phòng từng bước được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân dân các địa phương, đặc biệt là nhân dân vùng biển luôn đoàn kết, gắn bó, xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư ven biển, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động tại địa phương. Có thể khẳng định, đó là những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển và nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo. Tuy nhiên, tình trạng tàu thuyền của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài (chủ yếu là Malaysia, Thái Lan) vẫn xảy ra. Năm 2019 xảy ra 4 vụ/5 thuyền/32 lao động; năm 2021 xảy ra 4 vụ/4 thuyền/38 lao động; năm 2022 xảy ra 3 vụ/4 thuyền/24 lao động; năm 2023 xảy ra 1 vụ/1 thuyền/7 lao động khai thác hải sản vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ.

Tàu thuyền khai thác hải sản ở Phú Quý.

Tuân thủ pháp luật trong khai thác hải sản

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tàu thuyền của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đặt ra những yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Theo đánh giá của UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngư dân vi pháp luật trong khai thác hải sản, trong đó nội dung, biện pháp tuyên truyền pháp luật có nơi chưa đổi mới, còn dàn trải, chưa phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo; gắn nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền pháp luật với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức và quyền, nghĩa vụ của công dân trong công cuộc quản lý bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, cần được tiến hành thường xuyên. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị chủ động kết hợp tuyên truyền bằng phương pháp truyền thống với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phổ biến pháp luật để cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, về vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bên cạnh, tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, về những điều không được làm để bảo đảm tuân thủ các quy định trong khai thác hải sản. Bởi vi phạm trong khai thác hải sản, đặc biệt là hành vi khai thác hải sản vùng biển nước ngoài sẽ tác động đến đại cục chung của ngành sản xuất thủy sản Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề cá của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.

Lê Phúc (baobinhthuan.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang