Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành linh hoạt biện pháp ứng phó với bão số 7

09:02 10-10-2021

VBĐVN.vn - Sau 3 ngày trên biển, vào lúc 1 giờ sáng ngày 8-10, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 7, tiếp tục gây mưa to, ngập nhiều nơi tại các tỉnh miền Trung. Trước diễn biến phức tạp, cực đoan của thời tiết, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh, thành phố đã linh hoạt sử dụng các biện pháp để ứng phó hiệu quả với ATNĐ mạnh lên thành bão.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP thành phố Đà Nẵng giúp ngư dân di chuyển thuyền thúng lên bờ. Ảnh: Trúc Hà

Làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền

Ngay khi có thông tin hình thành ATNĐ trên Biển Đông, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã chủ động kiểm đếm tàu thuyền. Các đài trực canh thông tin của BĐBP các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã kêu gọi 61.468 tàu/278.639 người biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ. Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn BĐBP cho biết: “Đến sáng ngày 8-10, trên biển còn 60 phương tiện/480 ngư dân của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đang hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Các thông tin cho thấy, các tàu thuyền vẫn đang đảm bảo an toàn. Hiện, các đài trực canh thông tin của BĐBP vẫn duy trì liên lạc với các tàu còn đang trên biển. Đối với 4.557 phương tiện/15.419 lao động hoạt động ven biển từ Nghệ An - Quảng Ninh (nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 7), căn cứ vào diễn biến của bão, BĐBP sẽ đôn đốc kêu gọi phương tiện vào bờ để đảm bảo an toàn”.

BĐBP các tỉnh, thành ven biển đã tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy định. Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trước đó đã thông báo lệnh cấm biển đối với các phương tiện (kể cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho tới khi có thông báo mới.

Đối với các tàu, thuyền vào neo đậu trong các âu thuyền để tránh trú, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bố trí chỗ neo đậu riêng biệt, yêu cầu các thuyền viên tự cách ly trên tàu, tuyệt đối không tiếp xúc với các tàu khác, đặc biệt là các tàu của tỉnh có âu thuyền. Các thuyền viên cũng được lực lượng y tế địa phương kiểm tra sức khỏe, sẵn sàng bố trí nơi cách ly trường hợp bão đổ bộ. Tối ngày 6-10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có Công điện giao Sở Y tế thành phố chủ trì xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú trên địa bàn, hướng dẫn đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.

Ứng phó nhanh với mưa lũ

Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 5-10, các tỉnh khu vực miền Trung đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Mưa to, nước sông dâng cao, nhiều nơi tại khu vực biên giới đã xảy ra tình trạng ngập lụt khiến một số nơi bị cô lập. Tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị), mưa xảy ra trên diện rộng, cường độ lớn nên nước sông Đakrông, Sê Pôn dâng cao, chảy xiết khiến các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã tại các xã: Ba Nang, A Vao, Tà Long (huyện Đakrông); Thuận, Thanh (huyện Hướng Hóa)... ngập sâu trong nước.

Hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông, suối đã bị chia cắt và cô lập hoàn toàn. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai các tổ công tác về chốt chặn các vị trí xung yếu để giúp nhân dân phòng chống thiên tai; thành lập các phân đội cơ động tuần tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám, nắm tại các địa bàn bị ngập lụt để tuyên truyền, vận động nhân dân không đi qua lại các đập tràn, không vớt củi và đánh cá trên sông nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các đồn Biên phòng cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tổ chức di dời nhân dân tại các điểm bị ngập, các điểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị giúp nhân dân địa phương di chuyển nhanh chóng khỏi khu vực nước dâng cao. Ảnh: Phan Phước

Những ngày qua, lượng mưa đo được tại tỉnh Quảng Nam rất lớn, huyện biên giới Nam Giang là một trong những huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bởi vậy, các Đồn Biên phòng Đăk Pring, La Êê, cửa khẩu Nam Giang chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các địa bàn xung yếu để kịp thời phát hiện, di dời người dân đến nơi an toàn. Ngày 7-10, mưa lớn khiến mực nước tại sông A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) dâng cao khiến nhiều điểm tại khu vực bị ngập, đường bị sạt lở, chia cắt giao thông cục bộ. Hiện, tuyến ĐT606 qua địa bàn huyện đang bị sạt lở nặng và chưa thể triển khai khắc phục được. Đồn Biên phòng A Nông cũng tổ chức lực lượng giúp người dân xã Bhalee di chuyển đồ đạc để bảo vệ tài sản.

Bão số 7 gây mưa lớn khiến các khu dân cư, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển có nguy cơ ngập úng cục bộ. Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương đã sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Dự kiến, sẽ có 71.559 hộ/284.054 dân khu vực ven biển được sơ tán. Đối với các tỉnh, thành đang có các ca mắc Covid-19, phương án di dân sẽ được gắn với các tình huống phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các địa phương tiến hành rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong đó, ưu tiên phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, sẽ tiếp tục xuất hiện cơn bão mới. Cơn bão này khi kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra những đợt mưa đặc biệt lớn ở Trung bộ. Mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến các tỉnh Trung bộ nguy cơ cao xuất hiện các chuỗi thiên tai nguy hiểm như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng. Thực tế, bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường sẽ đặt ra những thách thức mới cho BĐBP cũng như chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống bão và phòng, chống dịch Covid-19.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang