Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh mới
VBĐVN.vn - Cùng với vị trí địa chiến lược trọng yếu, Biển Đông đã trở thành khu vực biển chứa đựng các lợi ích đan xen, không chỉ của các quốc gia ở trong mà còn cả các quốc gia ngoài khu vực biển này. Bối cảnh mới với những điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn dưới các hình thức khác nhau đang đặt ra những thách thức khác nhau đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có Bộ đội Biên phòng phải nỗ lực hơn nữa.
Bối cảnh mới
Sau đại dịch Covid-19, nhất là từ năm 2022 đến nay, thế giới và khu vực tiếp tục bị phủ bóng bởi các cuộc cạnh tranh địa chính trị dưới các hình thái “chiến tranh mới”, mang tính ủy nhiệm, khó đoán định, nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ và dấu ấn của các cường quốc. Điều này làm nảy sinh nhiều thách thức, rủi ro hơn cơ hội, thuận lợi, khiến cho nhiều khu vực chìm sâu vào các cuộc chiến tàn khốc, tốn kém, chưa rõ hồi kết, gây ngắt quãng các chuỗi cung ứng, kéo giảm khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Trong đó, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là ngoại lệ với các điểm nóng vốn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn dưới các hình thức và mức độ khác nhau, như: Myanmar, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Khu vực Biển Đông và ASEAN giữ vị trí “bản lề”, còn Biển Đông trở thành “nút giao” liên kết hai mảng không gian quan trọng của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Để “nút giao” không trở thành “nút thắt”, Mỹ đã và đang thúc đẩy triển khai sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”, trong khi Trung Quốc cũng triển khai quyết liệt sáng kiến “Vành đai, Con đường” với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và “Chuỗi ngọc trai” cắt qua Biển Đông. Cùng với vị trí địa chiến lược trọng yếu, Biển Đông đã trở thành khu vực biển chứa đựng các lợi ích đan xen, không chỉ của các quốc gia ở trong mà còn cả các quốc gia ngoài khu vực biển này, trong đó có Mỹ và đồng minh, liên quan tới quyền tự do hàng hải và hàng không trong và qua Biển Đông. Cho nên Biển Đông trở thành nơi “va chạm” của các sáng kiến chiến lược nước lớn, nơi xảy ra các tranh chấp chủ quyền biển, đảo nhiều bên, kéo dài với những yêu sách chủ quyền đơn phương nước lớn và các bất đồng cần tiếp tục được kiểm soát tốt.
Tình hình Biển Đông vẫn phức tạp, khó lường, vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực biển này cũng biểu hiện thường xuyên hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, quy mô ảnh hưởng rộng hơn, nhanh hơn và khó dự báo hơn. Ranh giới giữa vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống, đôi khi, đôi chỗ không rõ ràng. Bên cạnh đó, các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và của “nhân tai” liên quan tới hành vi ứng xử thiếu thân thiện của con người có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trong khu vực biển còn tranh chấp này rất khó loại bỏ; nguồn lợi hải sản và đa dạng sinh học biển bị giảm sút so với trước năm 2010... Các vấn đề như vậy đã, đang và sẽ ảnh hưởng xấu, trực tiếp, không nhỏ, cả trong ngắn hạn và dài hạn đến các hoạt động kinh tế biển của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đặc biệt ở những khu vực biển, đảo còn có những yêu sách phi lý về chủ quyền.
Đối mặt với những thách thức, khó khăn nói trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; bằng vào những điều chỉnh chiến lược, sách lược linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, đất nước ta đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng, tạo được niềm tin cho nhân dân và để lại dấu ấn trong cộng đồng quốc tế. Nhờ vậy, trong bối cảnh “nguy nhiều hơn cơ” nói trên, đất nước ta vẫn “biến nguy thành cơ”, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù để gia tăng các thuận lợi, nhanh chóng đẩy lùi các khó khăn. Tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 ở nước ta phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Cả nước cũng đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật, chiến lược quốc phòng, an ninh mới và các quy hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, vùng ven biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các ngành, địa phương liên quan đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng đến năm 2030, như: vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.
Các cam kết quốc tế của nước ta về chuyển đổi xanh, về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG14) và gần đây, nước ta ký tham gia Hiệp định về biển cả... đều đem lại những cơ hội mới, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế biển xanh, bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa. Bối cảnh mới nói trên đòi hỏi phải thay đổi tầm nhìn và tư duy hành động, phải coi nhiệm vụ “bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển, đảo là ba mặt của một vấn đề”. Giải quyết tốt mối quan hệ này góp phần đưa nước ta “giàu lên từ biển xanh”.
Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
Tình hình trên đòi hỏi Bộ đội Biên phòng - lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt trong bảo vệ khu vực biên giới biển quốc gia, phải quán triệt công tác đối ngoại hòa bình về biển, đảo; luôn nâng cao cảnh giác, tham gia thực hiện tốt nhất hai nhiệm vụ chiến lược: phát triển bền vững kinh tế đi đôi với bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng đã đoàn kết, nhất trí, vượt mọi khó khăn, thử thách, kiên trì bám trụ nơi biên giới biển, đảo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo quốc gia. Các chiến công của BĐBP đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Ra quân đầu năm 2024, với khí thế Xuân mới, trong bối cảnh mới, BĐBP quyết tâm tiếp tục duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, địa phương ven biển, huyện đảo để xử lý, giải quyết nhanh gọn, hiệu lực, hiệu quả các vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới biển.
Theo đó, Bộ đội Biên phòng cần tập trung thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo, đài để truyền thông, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về tình hình nhiệm vụ mới cho cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương; bảo đảm sẵn sàng chiến đấu với các thế lực phản động, xâm phạm chủ quyền biên giới biển, đảo; phòng, chống các loại tội phạm trên biển (cướp biển, ma túy...); đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, đối ngoại biên phòng... trên biển, đảo.
Cùng với đó là tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới biển; ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép bằng đường biển; ngăn chặn, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền nước ta; tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi, tuân thủ pháp luật trên biển; phòng, chống và quản lý tàu cá của ngư dân ta đi khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài ngay từ khi xuất bến. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, địa phương và đoàn kết tôn giáo để duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới biển, đảo.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, địa phương và hỗ trợ người dân trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của các sự cố, thảm họa môi trường biển; thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; lan truyền dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới biển, đảo; Tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển, bảo vệ nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường biển, đảo (bao gồm rác thải nhựa) để thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư sống trong và lân cận khu vực biên giới biển.
Bối cảnh mới, yêu cầu mới, nhiệm vụ mới chính là cơ hội mới để Bộ đội Biên phòng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới biển. Đồng thời là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng thủ dân sự trong khu vực biên giới biển và ở các huyện đảo. BĐBP sẽ đáp ứng và xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi
(Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận