Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển
Ngư dân có vai trò rất quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, trong những năm qua, cùng với triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, Bộ tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 đã chú trọng phát huy chức năng “đội quân công tác”, tích cực, chủ động làm tốt công tác dân vận bằng nhiều hình thức, biện pháp, mô hình, luôn sát cánh cùng ngư dân vươn khơi, bám biển.
Việt Nam là một quốc gia biển. Do vậy, từ xưa đến nay, nhân dân ta có mối quan hệ gắn bó mật thiết với biển. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, việc đánh bắt, khai thác sản vật biển là một nghề sinh sống của người Việt, tạo nên tầng lớp ngư dân đông đảo, ngày đêm bám biển, giữ vững cương vực và nghề truyền thống của ông cha. Trong quá trình đánh bắt hải sản, họ vừa là những người lao động cần cù, vừa là lực lượng cảnh giới, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về tình hình trên biển và tham gia tìm kiếm cứu nạn, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập trái pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài trong vùng biển của Tổ quốc.
Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển, mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước sóng gió là những hiện thân sinh động khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Chính ngư dân là lực lượng trực tiếp góp phần hỗ trợ cùng các lực lượng chức năng, trong đó có Lực lượng Cảnh sát biển đấu tranh trên thực địa để bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
BTL Cảnh sát biển luôn nhận thức đúng vị trí, vai trò của ngư dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, bám sát thực tiễn đặc điểm, tình hình vùng biển được phân công. Thực hiện chỉ đạo của BTL Cảnh sát biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 luôn chú trọng làm tốt công tác dân vận với nhiều nội dung, hình thức, mô hình, trong đó việc triển khai thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng nổi bật. Với mục tiêu là tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển trong bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo. Đây là mô hình mang tính đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, sự sáng tạo của BTL Cảnh sát biển trong việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26-10-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”.
Với đặc điểm quản lý và hoạt động trên vùng biển rộng, trải dài 763 km bờ biển khắp 10 tỉnh (thành phố) ven biển vịnh Bắc Bộ, từ cửa sông Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Để đạt hiệu quả, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai mô hình được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm, tiến hành chặt chẽ. Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Chính trị Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Vùng đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban phục vụ triển khai thực hiện mô hình; đồng thời, tăng cường giáo dục, quán triệt tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện. Do đây là mô hình mới, lại triển khai trên địa bàn các xã, huyện đảo xa bờ, nơi có nhiều khó khăn nên Bộ Tư lệnh Vùng đã tiến hành khảo sát 7 xã (huyện) ven biển và đảo. Căn cứ vào kết quả khảo sát, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển, BTL Vùng đã lựa chọn Hải đội 101 (nay là Hải đoàn 11) làm trước tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng để rút kinh nghiệm. Sau rút kinh nghiệm, Bộ Tư lệnh Vùng đã phối hợp triển khai mô hình tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đạt hiệu quả thiết thực.
Thực tế cho thấy, các xã ven biển, huyện đảo kinh tế - xã hội phát triển chậm, nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước không đồng đều, việc đi lại gặp nhiều khó khăn; đa số nhân dân mà trực tiếp là ngư dân đánh bắt trên biển bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhất là việc tranh chấp ngư trường, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản, sử dụng thuốc nổ, hóa chất khai thác hải sản mang tính tận diệt... Bởi vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo được đơn vị xác định là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình. Theo đó, Bộ Tư lệnh Vùng đã bám sát hướng dẫn của cấp trên, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm địa bàn.
Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích, đơn vị đã tích cực đổi mới, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ; Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc; Luật Thủy sản; Luật môi trường; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật Cảnh sát biển … tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài để khai thác hải sản trái phép; tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ổn định sinh sống trên đảo, tích cực bám ngư trường khai thác; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo; kịp thời phát hiện, thông tin tình hình trên biển cho Cảnh sát biển và lực lượng chức năng để có biện pháp xử lý... Hình thức tuyên truyền được tiến hành linh hoạt, đa dạng, sinh động, sát thực, hiệu quả như: tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật; băng rôn, khẩu hiệu; cử các các tổ, đội trực tiếp xuống các âu tầu, nhóm tàu để tuyên truyền; phát loa tuyên truyền trên các tàu đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biển...
Thông qua tuyên truyền, đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân và ngư dân; đồng thời xây dựng ý thức trách nhiệm cho ngư dân đấu tranh với các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như: Vi phạm quy định về trật tự, an toàn trên biển; buôn bán hàng cấm; trốn lậu thuế; đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; đánh bắt hải sản có tính chất tận diệt, dùng hóa chất đánh bắt hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và phá hoại môi trường sinh thái biển; thông qua tuyên truyền giúp cho nhân dân xã (huyện) đảo và ngư dân có nhiều thông tin hữu ích về tình hình biển, đảo. Đặc biệt, thông qua tổ chức tốt Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” và tuyên truyền về cách nhận biết và phòng chống tác hại của ma túy dành cho các em học sinh ở các trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, trường THPT Cô Tô, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, qua đó đã có tác dụng giáo dục sâu sắc cho học sinh về chủ quyền biển, đảo, về ma túy học đường. Qua hai năm triển khai thực hiện, Bộ Tư lệnh Vùng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở 3 xã (huyện) đảo tổ chức tuyên truyền cho hơn 5.400 cán bộ và nhân dân; 870 giáo viên, học sinh; cấp phát 23.600 tờ rơi tuyên truyền các loại và 270 cuốn sổ tay tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm tàu cá ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc Bộ tư lệnh Vùng quản lý.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên vùng biển, để sẵn sàng kịp thời hỗ trợ cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển trong phạm vi vùng biển đơn vị quản lý, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 thường xuyên duy trì từ 3 đến 5 tàu, xuồng trực tại các đảo xa bờ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, nhất là vùng đánh cá chung trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua đó, kịp thời xử lý tốt các tình huống xảy ra, nhất là khi các tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va, cướp ngư lưới cụ, đồng thời trực tiếp hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển, cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng luôn quán triệt tốt tinh thần “Cứu người bị nạn như cứu người thân của mình” và xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, do vậy bất kể điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão hoặc ở vùng biển xa, các lực lượng và phương tiện của BTL Vùng vẫn có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân. Tính riêng từ năm 2017 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã sử dụng 23 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo được 13 tàu, thuyền với 109 thuyền viên bị nạn, vớt được 4 thi thể trên biển. Sự có mặt của Lực lượng Cảnh sát biển trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và triển khai lực lượng tàu, thuyền trực tại các điểm đảo xa bờ để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, Bộ Tư lệnh Vùng còn triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh, tạo nền tảng cho xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, rộng khắp trên biển. Theo đó, BTL Vùng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường biển; các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới; thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình các ngư dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, tủ thuốc, radio cho các tàu cá; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân,... Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng đã tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn bồi dưỡng công tác bảo đảm an toàn, phương pháp sơ cấp cứu người bị đuối nước cho 540 lượt ngư dân; tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo cho 500 lượt học sinh các trường phổ thông cơ sở; thăm tặng quà cho 256 gia đình chính sách, ngư dân nghèo, học sinh nghèo học giỏi; đỡ đầu 6 cháu học sinh nghèo học giỏi đến hết 18 tuổi (500.000 đồng/tháng); tặng 580 cờ Tổ quốc, 360 áo phao, 170 phao tròn; 20 xe đạp; khám và cấp thuốc miễn phí cho 290 lượt ngư dân; tặng 100 cuốn sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường trên biển, 20 radio, 20 tủ thuốc và túi thuốc… với tổng trị giá quà tặng là 516 triệu đồng.
Có thể nói, sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ đơn thuần là con số nêu trên, điều quan trọng là thông qua việc làm cụ thể, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho ngư dân trên các xã, huyện đảo; xây dựng cho họ động cơ, trách nhiệm đúng đắn, vừa bám biển phát triển kinh tế, vừa tham gia có trách nhiệm vào bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, trực tiếp là giữa đơn vị với nhân dân, ngư dân trên các xã, huyện đảo; tô thắm thêm truyền thống, hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng nhân dân.
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận