Bước tiến trong công tác bảo tồn biển ở Quảng Nam

20:34 29-06-2021

VBĐVN.vn - Theo Chiến lược biển của tỉnh Quảng Nam, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; sẽ gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Nguồn tài nguyên biển phong phú

Theo đánh giá của các nhà khoa học, vùng biển của tỉnh Quảng Nam có nguồn tài nguyên sinh vật biển đa dạng, nhất là ở khu vực Cù Lao Chàm (thuộc thành phố Hội An) và mũi An Hòa (huyện Núi Thành).

Trong đó, Cù Lao Chàm vừa có 165ha rạn san hô, 500ha thảm cỏ biển, 47 loài rong biển, 4 loài cỏ biển, 66 loại thân mềm sống phụ thuộc vào các rạn san hô, 4 loại tôm hùm và khoảng 200 loài cá rạn san hô, 342 loài thực vật có ích và 116 loài thuộc nhóm cây làm thuốc... Nơi này đã được công nhận là Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khu vực mũi An Hòa cũng có gần 1.000ha thảm cỏ biển, có 2 kiểu rạn san hô chính là kiểu rạn riềm ven các đảo và kiểu rạn nền trên các bãi cạn, đồi ngầm. Cỏ biển phân bố gần 200ha, tập trung khu vực vùng triều ven biển thuộc địa bàn các xã Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang. Ngoài ra còn có các thảm rong biển chủ yếu là Sargassum.

Ngắm san hô ở Cù Lao Chàm. Ảnh internet

Ngoài ra, Vũng An Hòa còn có diện tích rừng ngập mặn phân bố thành từng dải rừng nhỏ hẹp dọc theo vùng triều ven bờ đầm hoặc rải rác trên các bờ bao và trong ao, đìa nuôi thủy sản với tổng diện tích khoảng 65,82ha. Môi trường được bảo vệ tốt là cơ sở để nguồn lợi thủy, hải sản phát triển dồi dào.

Linh hoạt biện pháp quản lý

UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban điều phối và Nhóm tư vấn kỹ thuật về quản lý tổng hợp vùng bờ. Việc xây dựng, triển khai và phê duyệt các kế hoạch, dự án liên quan đến môi trường biển, hải đảo trong những năm qua luôn được sự tham gia của các bên liên quan.

Trước đó, từ năm năm 2003, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ TN&MT chọn thí điểm áp dụng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ bằng nguồn ngân sách Nhà nước, triển khai tập trung tại thành phố Hội An và huyện Núi Thành.

Để tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn biển, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam thành lập khu bảo tồn biển kết hợp nuôi thủy, hải sản và khai thác du lịch ở mũi An Hòa theo mô hình đồng quản lý và có khớp nối với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm định kỳ phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ giám sát rác thải bờ biển tại Cù Lao Chàm. Chương trình này giúp xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hỗ trợ cho công tác quản lý rác thải tại Cù Lao Chàm. Trong năm nay, đơn vị cũng phối hợp xây dựng đề cương để nghiên cứu sinh thái bãi biển và vùng triều, xúc tiến chương trình giám sát rong biển.

Điểm mấu chốt là Quảng Nam huy động cộng đồng chung tay bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các mô hình, dự án, nhận thức và hành động của người dân bản địa đã thay đổi tích cực. Minh chứng là việc ngư dân các xã Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành), Bình Nam (Thăng Bình)… thường xuyên thả rùa xanh, rùa biển vô tình mắc lưới về biển.

Dự án “Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng” đến nay đã hình thành được mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ rùa biển ở 15 xã, phường ven biển với 45 thành viên. Đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ, điều đáng mừng nhất trong các buổi truyền thông cộng đồng là bà con ngư dân không còn tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Ở đó họ đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng, phản biện từ chính kinh nghiệm, vốn sống của mình, từ đó các bên liên quan sẽ chọn lọc giải pháp phù hợp nhất trong bảo tồn và phát triển.

Thu Thảo (theo monre.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang