Cả đời nhớ Trường Sa
VBĐVN.vn - Tôi may mắn được hai lần đến Trường Sa. Lần thứ nhất vào năm 2000, đi với tư cách phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lần thứ hai vào năm 2019, được kênh VTV1 mời đi làm “nhân vật trải nghiệm” trong 6 tập phóng sự “Biển không xa”.
Dù ra Trường Sa với “vai” nào thì tôi cũng chịu khó thâm nhập nhiều, sâu và kỹ về cuộc sống của quân và dân ta trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc để có những tác phẩm văn học, báo chí mang hơi thở, nhịp điệu nơi ấy. Tôi nghĩ, phải khai thác hiện thực và viết như thế nào đây để Trường Sa trong tác phẩm của mình phải có cái riêng, cái mới không lặp lại những gì người khác đã sáng tác. Qua hai lần đến Trường Sa ngoài một số bài thơ ngắn, tôi viết trường ca “Hạ thủy những giấc mơ” đoạt Giải B Giải thưởng Bộ Quốc phòng và năm 2020 được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng tôn vinh những tác phẩm xuất sắc viết về biên giới, biển đảo. Nhiều bài bút ký, ghi chép như “Trường Sa-Làng đảo”; “Bên cây dừa đảo Phan Vinh”; “Con khướu của đảo trưởng và đôi chim chèo bẻo của phân đội hai”; “Gặp gỡ Trường Sa”; “Trở lại Trường Sa”, “Những lá cờ và đôi mắt Trường Sa”... được in trên các báo và tạp chí, như: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân Cuối tuần...
Với tôi, con người và thiên nhiên ở Trường Sa cực kỳ ấn tượng. Đặt chân đến đâu ta cũng cảm nhận thật rõ rệt và sâu sắc sự thiêng liêng chủ quyền Tổ quốc, lòng yêu nước thể hiện bình dị trong cuộc sống ngày thường, từ sự chấp nhận gian khổ, chịu đựng cách xa đất liền, gia đình, người thân để làm tròn nhiệm vụ của bộ đội, công nhân đến tà áo dài phụ nữ, tiếng đọc bài của trẻ em trên đảo... Một cánh diều chao lượn trong buổi chiều Trường Sa căng gió, tiếng chuông thong thả ngân rung cùng những cánh sen hồng trong sân chùa tĩnh mịch cũng làm cho ta không khỏi bồi hồi. Cuộc sống thật đáng sống luôn đầy ắp yêu thương, chia sẻ ấy ùa vào tôi những ngày ở Trường Sa và đã khảm khắc trong ký ức của mình. Hiện thực đầy đặn, bộn bề, chất chứa, ngổn ngang trong nhiều trang ghi chép, cứ tưởng rằng, cái gì cũng có thể đưa vào bài viết được. Không viết là có lỗi với đồng đội, với nhân dân Trường Sa. Phía trước tôi, hình như luôn có tiếng gọi, ánh mắt vọng tới, nhìn đến từ quần đảo phong ba mỗi năm có tới 8 tháng trời biển không yên.
Thế nhưng, xử lý chất liệu đời sống để đưa vào trang viết luôn đòi hỏi người cầm bút sự lựa chọn, cân nhắc kỹ càng. Viết cái gì, viết ai để tự nó bật lên được văn hóa giữ nước từ Trường Sa, trong Trường Sa một cách sinh động, sâu lắng là điều nhà báo, nhà văn phải đau đáu, trăn trở. Không thể thấy gì viết nấy kiểu tôi đến, tôi đi, tôi gặp... Tôi nghĩ, một bài báo đơn thuần cũng cần có ý tưởng, cấu tứ trước khi tác giả gõ lên bàn phím. Tôi nhớ, trong lần ra Trường Sa năm 2000, cái cảm nhận mỗi đảo ở đây là một làng Việt cứ rung rinh và ngày càng khắc đậm trong tôi. Không thể khác được, trong thơ tôi đã viết: “Trập trùng sóng, trập trùng mây/ Giữa bao la biển, ô hay, làng mình!/ Cũng vàng hoa mướp rung rinh/ Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/ Mồng tơi ra với Trường Sa/ Lá xanh quấn quýt như là đợi em”... và những bài báo được nối dài cảm nhận “Trường Sa làng đảo” trong tôi. Đây là một ví dụ: Ở Trường Sa, hình như đất không chỉ là đất. Cầm trên tay vốc đất nâu thẫm, mịn tơi, dường như người lính nghe được hơi thở của đồng quê xóm bãi, tiếng cựa mình xôn xao của những hạt giống nảy mầm, tiếng ngọn gió heo may se se thổi qua bờ vai của mẹ. Những khay rau muống, rau dền, rau cải, rau quế, những chậu cau cảnh, sứ cảnh, những khóm ớt lác đác quả xanh, mấy cụm dọc mùng bên bể nước, chục dây mồng tơi trồng trong thùng đạn quấn quýt leo lên như những nốt nhạc xanh... có mặt ở Trường Sa dễ thương như những kỷ niệm.
Rau ở Trường Sa không phải chỉ để ăn mà còn được để nhìn. “Nhìn cây cho đỡ nhớ đất liền”. Đã hơn một lần tôi được nghe lính ở đảo nói như vậy. Và đây, là một câu chuyện thật tôi đã chứng kiến và đưa vào trong một bài báo về Trường Sa: Khi ca sĩ Bích Ngọc hát “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên tôi thấy cánh lính cứ trầm trồ xuýt xoa: “Chị Bích Ngọc hát hay quá. Tiếc là không có hoa để tặng chị”. Mọi người nhìn nhau như thấy mình có lỗi. Một chàng lính trẻ bỏ ghế đứng dậy đi ra. Gương mặt còn rất trẻ tỏ vẻ xúc động. Vài phút sau chàng lính ấy đã trở lại với những bông hoa trắng muốt, cánh mỏng, phập phồng trên bàn tay đen cháy. Trời ơi, những bông hoa tươi, thực sự tươi, vừa mới được hái về. Cánh hoa dân dã, quê mùa ấy vừa trải qua những đêm biển động, những ngày nắng nóng cùng những người lính trấn giữ phên giậu của đất nước ở phía mặt trời lên... May mắn cho tôi được thấy lính Trường Sa hái hoa muống trắng tặng cho ca sĩ nên tôi chỉ việc cứ thế viết ra.
Trường Sa, không gì thiêng liêng, xúc động bằng những lần chào cờ. Mỗi lá cờ đỏ sao vàng ở Trường Sa là một ngọn lửa vĩnh cửu trong lòng những ai đã sống và đến đây. Tôi đến Trường Sa, ngắm nhìn Tổ quốc tung bay giữa trập trùng mây nước qua những ngọn Quốc kỳ và cả trong đôi mắt của những người dân, người lính nơi này. Nói với ta rất nhiều điều từ những lá cờ và đôi mắt đấy. Tôi đang nhìn vào những đôi mắt Trường Sa. Những đôi mắt ngước chào cờ Tổ quốc. Đôi mắt của các chiến sĩ hải quân, lục quân, thiết giáp, pháo binh, biên phòng... Đôi mắt của nhà sư, của thầy giáo, của công nhân, của các anh dân quân, của các cô gái... Trời ơi, và đây nữa, những đôi mắt trẻ thơ. Các cháu bé đã theo mẹ cha ra dự buổi chào cờ. Gái. Trai. Đứa lên mười như cháu Nguyễn Trần An Thuyên, năm nay học lớp bốn. Đứa lên năm như cháu Nguyễn Trần An Tuyên... Đứa còn bé hơn nữa như các cháu Lê Xuân Viễn, Lâm Nhật Trinh Anh, Nguyễn Thị Mỹ Hòa. Có cả cháu đang nằm trong bụng mẹ... Những đôi mắt Trường Sa thật đáng yêu. Nó mang ánh đẹp trong sáng, chân thành, tin cậy của một nơi đáng sống... Trong những đôi mắt Trường Sa ấy, tôi thấy phấp phới Tổ quốc như một minh định về chủ quyền bất khả xâm phạm. Tôi thấy tình yêu đất nước sâu lắng, nồng nàn và bình dị. Đất nước hiện hữu bằng những thực thể quá đỗi thân thuộc và vô cùng sâu sắc ở quần đảo khi nắng gió bỏng rát, lúc mưa bão dữ dội này...
Chuyện về Trường Sa nhiều lắm. Và không hiếm điều làm ta rưng rưng khi chép lại. Tôi thật sự cảm thấy chẳng an lòng, sau mỗi chuyến đi Trường Sa không kể hết chuyện của những người tôi đã gặp. Những gì tôi đưa vào trang viết còn quá ít so với các nhân vật tôi đã gặp ở Trường Sa. Thôi thì, đành khất với đồng đội, đồng bào ở những trang viết mới. Và mong những gì mình viết được có thể làm ấm lòng người Trường Sa mà đoạn trích này là một ví dụ: “Nỗi nhớ quê, nhớ người thân dễ gì quen được chứ. Giữa hiện thực đẹp đẽ vốn được phản ánh nhiều trong các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, trong chuyến đi này tôi gặp ở Trường Sa những góc khuất lặng lẽ. Như nốt nhạc trầm, thoảng rung trong bản giao hưởng Trường Sa vậy. Yêu thương và sự lo toan của người lính. Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa, người bám trụ ở đây từ năm 2009. Anh quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Hỏi anh: “Trong mấy năm ở đảo, kỷ niệm nào Huân cho là sâu sắc nhất?”. Huân cười hồn hậu, trả lời luôn: “Nhớ mãi lần vợ em ra Trường Sa thăm”. Xa nhau đến mười chín tháng, Lô Thị Thu Hiền mới được theo tàu Trường Sa 571 ra đảo thăm chồng vào năm 2012. Tại cầu cảng, hai người ôm chặt nhau như chẳng muốn rời ra nữa. Hiền khóc, những giọt nước mắt mặn hơn vị biển thấm ướt vai áo chồng. Vợ chồng ở với nhau được một tuần. Giọng Huân bồi hồi: “Một tuần hạnh phúc nhất của vợ chồng em bác ạ, đêm tân hôn cũng chẳng được như thế!”...
Trường Sa đã cho tôi những trang viết đẹp, nồng nàn tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống. Những trang viết ghi dấu tình yêu sâu lắng, chân thực của tôi với Trường Sa. Không thể nào nói khác được, một lần ra Trường Sa cả đời nhớ Trường Sa!
Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ
Mai Trang (theo qdnd.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận