Cá nổi nhỏ còn nhiều tiềm năng khai thác ở biển Việt Nam

08:19 13-12-2023

VBĐVN.vn - Viện Nghiên cứu Hải sản đã hoàn thiện và cập nhật hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ trên biển.

Khai thác cá nổi nhỏ ở Bạch Long Vĩ. Ảnh: Hoàng Minh.

Cá nổi nhỏ được đánh giá là chiếm tỷ lệ cao trong trữ lượng và tổng sản lượng khai thác cá biển ở biển Việt Nam. Theo từng vùng biển, tỷ lệ trữ lượng nguồn lợi của các nhóm cá nổi nhỏ có những đặc trưng riêng và có sự biến động khác nhau giữa các mùa gió.

Ở vịnh Bắc Bộ, nhóm cá nục và nhóm cá trích chiếm ưu thế ở cả mùa gió Tây Nam và Đông Bắc, với tỉ lệ tương ứng là 44% và 31% đối với cá nục; 22% và 27% đối với cá trích. Nhóm cá nổi nhỏ khác chiếm khoảng 3,2-3,3% trong tổng trữ lượng nguồn lợi.

Trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển và áp lực khai thác đã làm cho phân bố nguồn lợi nói chung và cá nổi nhỏ nói riêng có nhiều thay đổi.

Do đó, muốn đem lại hiệu quả cao trong khai thác hải sản thì ngoài đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, lực lượng lao động và năng lực quản lý phù hợp mà còn rất cần sự đóng góp của khoa học nghề cá, trong đó dự báo ngư trường khai thác là yêu cầu cấp thiết, trong đó có dự báo cá nổi nhỏ.

Theo tìm hiểu, nước ta hiện có hơn 90 nghìn tàu thuyền có chiều dài từ 6m trở lên tham gia khai thác hải sản trên biển, trong đó nghề lưới vây chiếm khoảng 8%, nghề lưới rê chiếm 35%, còn lại là nghề chụp.

Cá nổi nhỏ bao gồm nhiều loại cá nhỏ có kích thước khác nhau, có xu hướng tụ lại tạo thành đàn cá, thức ăn của chúng là sinh vật phù du ở lớp nước gần bề mặt biển, thành phần chủ yếu gồm cá nục, cá trích, cá cơm, cá khế, cá bạc má,…

Việc khai thác cá nổi nhỏ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến sản lượng khai thác không ổn định. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, nhiều tàu đóng mới làm nghề lưới vây, rê thường trang bị máy công suất lớn và thiết bị khai thác hiện đại như: lưới vây cơ giới, sử dụng ánh sáng đèn LED và máy dò cá đã làm tăng sản lượng khai thác.

Tuy nhiên, còn nhiều tàu khai thác cá nổi nhỏ chưa có điều kiện trang bị nên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến sản lượng khai thác không ổn định, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Nhất là trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển và áp lực khai thác đã làm cho phân bố nguồn lợi nói chung và cá nổi nhỏ nói riêng có nhiều thay đổi.

Điều này cho thấy, ngư dân muốn đem lại hiệu quả cao trong khai thác hải sản thì ngoài đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, lực lượng lao động và năng lực quản lý phù hợp mà còn rất cần sự đóng góp của khoa học nghề cá, trong đó dự báo ngư trường khai thác là yêu cầu cấp thiết, trong đó có dự báo cá nổi nhỏ.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, nhiệm vụ nghiên cứu dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hải dương học nghề cá, bao gồm: Cơ sở dữ liệu hải dương và cơ sở dữ liệu nghề cá đã được chuẩn hóa và kiểm chứng đáp ứng yêu cầu xây dựng dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ. Xây dựng được hệ thống công cụ xử lý dữ liệu, công cụ dự báo các trường hải dương và dự báo ngư trường.

Số lượng tàu khai thác cá nổi nhỏ ở Vịnh Bắc bộ rất lớn nhưng hiệu quả chưa cao. Ảnh: Đinh Mười.

Các bản dự báo thử nghiệm ngư trường tập trung của một số nghề khai thác cá nổi nhỏ (nghề rê, vây và chụp) được xây dựng dựa trên tri thức bản địa theo vụ cá bắc và cá nam.

Đồng thời một số đặc trưng hải dương cũng được thống kê, tạo cơ sở khoa học trong xây dựng dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ. Các bản dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ đã được cung cấp trên các kênh thông tin phục vụ cho hoạt đồng sản xuất.

Bên cạnh đó, việc cập nhập số liệu thống kê nghề cá và sổ nhật ký khai thác các tỉnh ven biển từ năm 2018 đến nay đã cung cấp kịp thời các số liệu về sản lượng, vị trí khai thác của các đội tàu câu cá ngừ đại dương, nghề rê, nghề vây và nghề chụp mực phục vụ cho công tác dự báo ngư trường của ngành thủy sản.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu Hải sản cũng đã ứng dụng thành công mô hình thích ứng sinh thái (HSI) để xây dựng dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ biển Việt Nam từ tháng 8/2019, khởi đầu cho sự chuyển dịch từ dự báo ngư trường theo nghề khai thác sang dự báo theo loài, nhóm loài có giá trị kinh tế. Đồng thời đã ứng dụng mô hình thủy động lực học phù hợp trong mô phỏng, dự báo sự dịch chuyển của các bãi đẻ, bãi ương nuôi trứng cá, cá con phục vụ công tác khoanh vùng hạn chế cấm khai thác.

Các thông tin dự báo ngư trường ngày càng được đổi mới và cung cấp kịp thời cho ngư dân trên các phương tiện truyền thông, trên website của Cục thủy sản và Viện Nghiên cứu Hải sản và các trang mạng xã hội,… được phản hồi tích cực từ ngư dân.

Một loại cá nổi nhỏ được người dân Cát Hải sử dụng sản xuất nước mắm. Ảnh: Đinh Mười.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, ở Việt Nam, sau hơn 20 năm nghiên cứu, cơ sở khoa học trong xây dựng dự báo ngư trường khai thác hải sản đã đạt được bước tiến đáng kể, mô hình và các sản phẩm dự báo ngư trường được đánh giá là tiên tiến, bởi nó phản ánh được mối quan hệ ngư trường, sinh học, môi trường.

Mặt khác, các bản tin dự báo được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc, với nguồn số liệu hải dương học và nguồn lợi được cập nhật liên tục, đảm bảo tính thực tiễn phục vụ hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.

Dự báo phân bố nguồn lợi hải sản và ngư trường khai thác cá biển, các loài hải sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí nhiên liệu và thời gian dò tìm luồng cá là hướng nghiên cứu ưu tiên của nhiều quốc gia, đặc biệt những quốc gia có các đội tàu khai thác hải sản xa bờ như Mỹ, Nhật, Nga, Pháp...

Các công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản thời gian qua đã xác định được mối quan hệ giữa cấu trúc các trường thủy động lực và môi trường biển với biến động ngư trường khai thác và có được mô hình thực nghiệm dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam.

“Các đối tượng cá nổi nhỏ tuy là đối tượng còn nhiều tiềm năng khai thác di cư chủ yếu trong vùng biển đặc quyền kinh tế nước ta, nhưng cần thiết phải tiến hành xây dựng các dự báo hạn năm để có được cơ khoa học quản lý khai thác bền vững. Đây cũng được coi như một khâu không thể thiếu trong việc hoàn thiện mô hình quy trình dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ nói riêng và nhiều loài đặc hải sản nói chung ở biển Việt Nam gắn liền phát triển kinh tế với quản lý biển và hải đảo”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ thêm.

Đinh Mười (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang