Các đại dương ấm dần lên trong 12.000 năm qua

12:44 25-04-2021

Các tính toán trước đây về nhiệt độ của đại dương kéo dài qua nhiều thiên niên kỷ thường dựa trên các phân tích về đá trầm tích và kết luận rằng nhiệt độ của các đại dương đã đạt đỉnh vào 6.000 năm trước, sau đó dần nguội đi. Tuy nhiên, kết luận này mâu thuẫn với các số liệu về nhiệt độ toàn cầu, khi cho thấy xu hướng ấm lên, với tốc độ nhanh hơn kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc đã đánh giá các biểu đồ nhiệt độ nước biển và phát hiện thấy chúng thường thể hiện các mức nhiệt khác nhau theo mùa, thay vì nhiệt độ trung bình hằng năm.

Sau khi sắp xếp theo sự khác biệt này, họ phát hiện nhiệt độ nước biển thực tế vẫn tăng đều cùng với nhiệt độ không khí trong 12.000 năm qua.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, bà Samantha Bova, thuộc Phòng nghiên cứu Đại dương và Duyên hải Rutgers, cho biết kết quả trên cho thấy tác động của khí thải nhà kính đối với tình trạng nước biển dâng và nhiệt độ không khí tăng trong kỷ địa chất Holocene cũng như trong tương lai. Bà cho biết các tính toán chỉ ra rằng nhiệt độ nước biển tăng dần từ 12.000 - 6.500 năm trước là do băng tan.

Biến đổi khí hậu khiến các đại dương ngày càng ấm lên. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, từ khoảng 6.000 năm trước, nhiệt độ nước biển tăng tương ứng với nhiệt độ không khí và mức khí thải nhà kính trong khí quyển. Bà Bova kết luận nghiên cứu đã loại bỏ tất cả các nghi ngờ về vai trò quan trọng của khí CO2 trong việc khiến Trái Đất ấm lên.

Đại dương ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cùng với sự nóng lên của Trái Đất, đại dương cũng nóng lên với mức nhiệt độ khủng khiếp.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử và tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và hệ sinh thái biển bị hủy hoại. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.

Trưởng nhóm nghiên cứu Cheng Lijing, Phó Giáo sư Trung tâm Khí hậu và khoa học môi trường quốc tế của IAP, đánh giá lượng nhiệt mà con người đã thải ra đại dương trong 25 năm qua tương đương với 3,6 tỉ vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima. Nghiên cứu nhấn mạnh 5 năm vừa qua chính là giai đoạn nóng nhất của đại dương.

Năm 2019, đại dương đã hấp thụ nhiều hơn 25 Zetta Joule năng lượng so với năm 2018. Giám đốc Trung tâm Khoa học hệ thống Trái Đất của bang Pennsylvania, ông Michael Mann nêu rõ con số trên tương đương với việc tất cả mọi người trên hành tinh cùng chạy 100 máy sấy tóc và 100 lò vi sóng liên tục trong cả năm.

Chỉ với việc tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến đổi khí hậu đã khiến Trái Đất phải trải qua hàng loạt thảm họa như hạn hán, siêu bão, lũ lụt, cháy rừng. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa các thảm họa liên quan đến khí hậu như cháy rừng trong nhiều tháng tại Australia (Úc), với tình trạng các đại dương ấm lên.

Biển ấm lên đồng nghĩa với việc sẽ là tăng hiện tượng bốc hơi, dẫn đến nhiều mưa. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khí quyển đòi hỏi bốc hơi nhiều hơn. Tình trạng này sẽ dẫn đến khô hạn tại các lục địa, nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng từ Amazon cho tới Bắc Cực, bang California của Mỹ và Australia.

Đặc biệt, tình trạng đại dương nóng lên cũng đang lan rộng, dẫn đến mực nước biển dâng. Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo vào cuối thế kỷ này, hàng chục triệu người có thể phải di dời khỏi các vùng ven biển do tình trạng xâm thực.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, do đại dương có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn hẳn so với khí quyển, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ tiếp tục ấm lên kể cả khi con người có thể giảm khí thải theo mục tiêu của Hiệp định Paris.

Theo nghiên cứu, nếu con người có thể ngừng khiến Trái Đất ấm lên, các đại dương vẫn sẽ tiếp tục hấp thụ nhiệt trong nhiều thế kỷ trước khi có thể ổn định trở lại.

Nhật Hạ

Nguồn:kinhtemoitruong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang