Can trường bám biển Hoàng Sa
VBĐVN.vn - Ở tuổi 50, khi con tàu mắc cạn ngoài quần đảo Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng ) và phải bỏ lại, cứ ngỡ ngư dân Nguyễn Đình Bê sẽ dừng nghề đi biển. Nhưng biển thôi thúc, ngư trường cha ông bao đời nay gìn giữ... đã kéo ông gượng dậy đóng con tàu khác, trở thành ông chủ đội tàu khủng tiếp tục trực chỉ Hoàng Sa.
“Nghiệp đi biển của tôi cũng lắm thăng trầm. Từ tay trắng gầy dựng nên đội tàu 4 - 5 chiếc, rồi tinh gọn thành đội chỉ còn 3 tàu lớn theo luồng cá khắp ngư trường Hoàng Sa. Mất tàu trị giá hơn 3 tỉ đồng. Rồi lại đóng mới, lại giong tàu ra khơi. Không biết còn biến cố gì xảy đến nhưng chắc chắn một điều là tôi không bao giờ bỏ biển”, ngư dân Nguyễn Đình Bê (54 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) mở đầu câu chuyện.
Ông chủ đội tàu “khủng”
Nhiều lần tôi gọi nhưng lần nào điện thoại của ông Bê cũng báo không có tín hiệu. Một ngày giữa tháng 11, tôi lại gọi và chuông đổ. Chiếc điện thoại… đã về bờ. Ông bảo rất bận vì phải chuẩn bị lưới cụ cho chuyến ra khơi sắp tới. “Tàu mới cập bến sau chuyến biển gần nửa tháng. Muốn gặp, anh có thể ra tàu để tôi vừa nói chuyện vừa làm lưới”, ông Bê nói.
Từ cầu Mân Quang, phóng tầm mắt về phía âu thuyền Thọ Quang có thể thấy con tàu có số hiệu ĐNa 91279 (công suất 850 CV) với lớp sơn mới nổi bật cùng hình dáng bệ vệ hơn nhiều so với các tàu neo bên cạnh. Đây là 1 trong 3 con tàu của ông Bê thường xuyên bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt.
Ông Bê kể, để có được cơ ngơi là đội tàu gồm ĐNa 91279, ĐNa 90989, ĐNa 90979 như bây giờ, ông đã phải cố gắng bám biển không ngừng nghỉ, bởi xuất phát điểm của ông chỉ là một ngư dân chuyên đi bạn. “Quê tôi ở Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ngày còn nhỏ, tôi theo chân người làng sáng gánh thuyền xuống, chiều gánh thuyền lên, chỉ loanh quanh ở những vùng gần bờ. Thế rồi, anh em rủ nhau ra Đà Nẵng để xin đi bạn trên các tàu vươn khơi. Công việc đầu tiên đưa tôi đến với nghiệp đi biển Hoàng Sa là làm đầu bếp trên tàu cá. Năm đó tôi 14 tuổi”, ông Bê nhớ lại.
Ông Bê không nhớ mình đã bao lần đổi tàu đi bạn. Chỉ biết rằng càng bám biển Hoàng Sa, khát vọng được như bạn bè, là tự mình làm chủ con tàu để bám ngư trường, lại càng lớn thêm. Tích góp được chút vốn, ông cùng anh em bà con đóng tàu riêng. Liên tiếp những chuyến biển thắng lợi, ông ra riêng và làm chủ con tàu đầu tiên của mình khi ở tuổi gần 30.
Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 15 năm, ông Bê cho biết đó là lúc đánh bắt ở Hoàng Sa cực thịnh, cứ ra khơi là cá đầy khoang. Nhờ thế mà khi ở tuổi 40, ông Bê sở hữu đến 4 con tàu. Nhưng vì tàu cỡ nhỏ, không thể bám ngư trường dài ngày, ông quyết định hiện đại hóa đội tàu của mình bằng cách tinh gọn số lượng tàu.
Kiên cường vươn khơi
Nói đoạn, mắt ngư dân Nguyễn Đình Bê bỗng dưng ngấn lệ. Ông đang nhớ về “đứa con” ĐNa 90929. Ông kể mỗi lần đánh bắt ngang đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển chủ quyền của VN, mắt ông lại hướng về bãi đá nơi tàu cá ĐNa 90929 đã mắc cạn vào năm 2019 và vĩnh viễn nằm lại giữa biển Hoàng Sa. “Con tàu ĐNa 91279, nơi tôi và anh đang đứng đây, ra đời vào năm 2020 sau khi tôi không thể cứu được con tàu ĐNa 90929”, ông Bê trầm giọng.
Kể lại câu chuyện bị mất tàu cá do mắc cạn, ông Bê vừa tiếc nuối vừa pha lẫn những ấm ức. Ấy là ngày 26.9.2019, tàu cá ĐNa 90929 bất ngờ va vào đá ngầm rồi mắc cạn trên bãi đá gần đảo Bạch Quy. Sóng biển quá lớn, con tàu cứ thế bị đánh dạt sâu vào bãi đá. Lúc này, tàu cũng sắp chìm vì nước tràn vào khoang. Những tàu cá đánh bắt lân cận đã kịp thời ứng cứu 8 thuyền viên. Riêng ông Bê bám trụ lại tàu vì với ông con tàu không chỉ là nhà mà còn là đứa con 9 năm gắn bó, là gia sản trị giá đến hơn 3 tỉ đồng. Khi các ngư dân rời khỏi tàu thì 2 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc kéo đến, hụ còi đe dọa, ngăn không cho các ngư dân cứu tàu. Dù các tàu cá của ngư dân Việt Nam chạy quanh bãi đá với quyết tâm kéo con tàu khỏi mắc cạn nhưng các tàu Trung Quốc ra sức ngăn cản.
Điển hình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Khi giới thiệu về ngư dân Nguyễn Đình Bê, đại úy Dương Hữu Hưng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Sơn Trà, nhấn mạnh đây là ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa rất tốt. Ông Bê cũng là người đóng góp nhiều thông tin giá trị trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 2020, ông được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng tặng giấy khen vì thành tích tốt trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Trong khi các thuyền viên được đưa về bờ, ông Bê vẫn một mình bám trụ tại hiện trường. Khoảng 10 ngày sau, từ đất liền, gia đình ông đã thuê 2 tàu cá cùng hàng chục ngư dân ra bãi đá tìm cách cứu tàu. Một lần nữa, tàu Trung Quốc lại ngăn cản. Sau khi ra hiệu, phía tàu Trung Quốc giới hạn thời gian cứu tàu mắc cạn chỉ trong 5 tiếng đồng hồ. “Thời gian cứu tàu quá ngắn ngủi nên mọi nỗ lực của chúng tôi bất thành. Nước mắt tôi lăn dài, ấm ức vô cùng”, giọng ông Bê run run.
Trở lại đất liền sau 10 ngày bám trụ ở Hoàng Sa cứu tàu, ông Bê tưởng mình không thể đứng dậy được. Gần 40 năm đi biển, chưa khi nào ông phải đối diện với cú sốc mất đi số tài sản lớn như thế. Nhưng nghĩ còn tính mạng là còn tất cả, vả lại vài tuần không đi biển lại quay quắt nhớ Hoàng Sa, ông Bê quyết tâm đóng mới con tàu khác. Năm 2020, được nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng, ông vay mượn bà con để đóng con tàu ĐNa 91279. Sự o ép của những tàu Trung Quốc không khiến ông chùn bước, mà ngược lại càng khiến ông trở nên kiên cường hơn.
“Tôi vẫn còn 2 tàu nữa, vẫn đủ sức để nuôi con tàu mới vươn ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt. Mất tàu, chứ ý chí thì không bao giờ mất!”, ông Bê nói chắc nịch.
Tin vào thế hệ trẻ
Có tàu mới vừa to vừa mạnh, ngư dân Nguyễn Đình Bê cùng 2 người cháu luôn hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa để vừa đánh bắt vừa khẳng định chủ quyền vùng biển. Trong những lần theo luồng cá, tàu của ông không ít lần chạm trán và gặp phải sự truy cản ngang ngược của tàu Trung Quốc. “Tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc xua đuổi chúng tôi nhiều lần. Nhưng vùng biển mình thì mình đánh bắt. Tàu Trung Quốc rời đi, tàu chúng tôi trở lại đánh bắt. Không cớ gì phải sợ hãi”, ông quả quyết.
Giống như ông Bê, 2 người cháu Nguyễn Đình Tiên (thuyền trưởng tàu ĐNa 90979) và Nguyễn Đăng Thức (thuyền trưởng tàu ĐNa 90989) cũng say mê đánh bắt hải sản. Mỗi lần ra khơi, đội tàu của ông Bê lại sát cánh để kịp thời hỗ trợ nhau trong những tình huống bất trắc.
Ông Bê tỏ ý vui khi 2 người cháu khởi nghiệp là thuyền viên nhanh nhẹn, tháo vát từ hơn 10 năm trước, giờ đã trở thành những thuyền trưởng gan lì, lèo lái con tàu đi qua nhiều tình huống nguy cấp. Ông Bê yên tâm khi giao 2 con tàu lớn cho 2 người cháu. Làm nghề lưới vây ở Hoàng Sa, nếu non kinh nghiệm thì khó thắng lợi. Hằng ngày, tàu phải di chuyển để tìm những “gốc cây” trôi dạt trên biển. “Đó là nơi cá bé bơi theo, cá lớn sẽ đến để nuốt cá bé nên tìm được sẽ trúng lớn. Ngư dân giỏi là phải biết khu vực nào ở Hoàng Sa dồi dào cá… Hai đứa cháu không chỉ giỏi đi biển mà chúng còn gan lì, nhiều kỹ năng ứng biến khi đối diện bất trắc”, ông Bê nói.
40 năm đi biển, ngư dân lão luyện Nguyễn Đình Bê tin rằng thế hệ ngư dân kế cận sẽ tiếp tục viết tiếp những câu chuyện can trường, bản lĩnh trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.
Theo thanhnien.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận