Chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp vào cuối năm 2021
VBĐVN.vn - Năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam. Sau gần 4 năm, chúng ta đã đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ “thẻ vàng” chưa đạt được khi còn nhiều địa phương để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều này khiến nước ta có thể bị EC áp dụng “thẻ đỏ” đối với thủy sản xuất khẩu.
Mức giảm chưa vững chắc
Chúng tôi gặp thuyền trưởng Huỳnh Thanh Hải, ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang khi anh vừa trở về sau chuyến biển dài ngày. Anh Hải là thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm đi biển và nắm rõ những quy định về khai thác thủy sản. Chiếc thuyền anh Hải đang làm thuyền trưởng cũng được gắn thiết bị giám sát hành trình ngay khi có quy định bắt buộc của Nhà nước.
Anh Hải chia sẻ: “Các mức phạt về khai thác thủy sản trái phép rất nặng, ví dụ như đánh bắt ở vùng biển nước ngoài khi bị phát hiện, cơ quan chức năng nước sở tại có thể tịch thu tàu, bắt giam thuyền viên. Nếu cơ quan chức năng của nước mình phát hiện thì có thể bị phạt tiền tới 900 triệu đồng, tước giấy phép khai thác thủy sản, tước chứng chỉ thuyền trưởng... Vì thế, tôi chưa bao giờ có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Không phải ngư dân nào cũng có ý thức tuân thủ pháp luật như anh Hải. Minh chứng là vẫn có ngư dân bị các nước bắt giữ, xử phạt do khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 7-2021, xảy ra 32 vụ/53 tàu cá bị nước ngoài bắt, xử lý, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 7 vụ/7 tàu; trong đó, đã xác định 17 vụ/28 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 7 vụ/9 tàu. Số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm nhưng chưa vững chắc, các địa phương phải quyết liệt hơn nữa mới chấm dứt được tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Hiện nay, một số tỉnh đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận... Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là gần 62 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là hơn 13,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế.
Nhiều tàu cá mất kết nối
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, phía EC khẳng định không gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam nếu còn trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, hạn chế, tồn tại lớn nhất hiện nay trong việc khắc phục "thẻ vàng" IUU là chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang.
Tính đến ngày 31-8-2021, có 27.628/30.609 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (đạt 90,26%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%. Nhiều địa phương có tỉ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn thấp như Quảng Trị (64,1%), Trà Vinh (67,17%), Hà Tĩnh (68,66%), Quảng Ninh (67,05%), Thanh Hóa (46,90%)... Việc cấp giấy phép khai thác cho tàu cá còn thấp, đến nay mới có hơn 54% tàu cá đã được cấp phép.
Điều đáng nói là nhiều tàu cá lắp thiết bị VMS nhưng mất kết nối với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là tàu cá mất kết nối từ ngày 31-12-2020 trở về trước với số lượng là 2.411 tàu cá... Các địa phương có nhiều tàu cá mất kết nối VMS như: Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Định, Quảng Ngãi, Kiên Giang... nhưng kết quả xử lý còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp với các địa phương về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, các địa phương, nhất là cấp cơ sở, phải làm tốt việc tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân để người dân biết, hiểu và làm.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm quản lý Nhà nước, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng, ai làm tốt phải khen, ai làm chưa tốt phải phê bình, kiểm điểm, ai vi phạm phải xử lý, kỷ luật. Phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia phát triển hạ tầng, thực hiện các mục tiêu phát triển ở địa phương.
Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau..., đặc biệt là Kiên Giang cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tại cuộc họp trực tuyến các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), diễn ra ngày 7-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, mục tiêu chậm nhất đến cuối năm 2021 phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận