"Chiến mã" trên biển
Trong màn đêm, tiếng sóng vỗ nhẹ vào thân tàu, tiếng máy gầm gào đầy sức mạnh xé toang sự yên lặng của biển. Tàu của Hải đoàn 48 là loại tàu cao tốc, được ví như chiến mã trên biển cả.
Hải trình đêm
Ra đa quét đi quét lại mặt biển, tổng kết những thông số, lựa chọn mục tiêu để bám theo. Biển cả rộng mênh mông, nhưng “mắt thần” đã chỉ chỗ cho đoàn tàu của Hải đoàn 48 tiến ra những mục tiêu nghi vấn. Rạng sáng 1-6, Biên đội 34 thuộc Hải đoàn 48 lặng lẽ rời cảng Quy Nhơn. Ánh đèn phố phường nhanh chóng lùi xa khi con tàu BP-489801 tăng tốc dẫn đầu. Kim đồng hồ trên bảng điều khiển chỉ tốc độ vòng quay 1.500/phút. Dưới khoang máy, Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ - Máy trưởng ngồi dựa vào thành tàu đang nghiêng dần về mạn trái và hiểu rằng, mũi tàu đi về hướng bắc, anh em lại có dịp thăm bà con trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm.
Ở Quảng Nam, nếu nhắc tên Hải đoàn 48 thì ít người biết, vì đơn vị này không có đồn, trạm trên đất liền. Cuộc sống của lính Hải đoàn 48 diễn ra trên biển; địa bàn phụ trách là vùng biển tính chiều ngang 12 hải lý (từ đất liền hoặc từ các đảo gần bờ kéo thẳng ra khơi 12 hải lý). Địa bàn quản lý từ Phú Yên ra tới Quảng Bình.
Trong màn đêm, tiếng sóng vỗ nhẹ vào thân tàu, tiếng máy gầm gào đầy sức mạnh xé toang sự yên lặng của biển. Tàu của Hải đoàn 48 là loại tàu cao tốc, được ví như chiến mã trên biển cả. Chỉ cần có mục tiêu trên biển Quảng Nam, Quảng Ngãi thì tàu lập tức xuất kích và nhanh chóng có mặt tại khu vực mục tiêu. Vào những ngày trực cao điểm, tàu di chuyển từ Lý Sơn ra Cù Lao Chàm hoặc xê dịch ra vùng biển Đà Nẵng, tùy vào tín hiệu của ra đa đối hải thông báo tình hình.
Biên đội 34 xuất kích đi về hướng Quảng Nam. Tàu tiến hành các hoạt động tuần tiễu, cập mạn tàu cá của bà con ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng để tặng cờ Tổ quốc, kết nối liên lạc, tuyên truyền về pháp luật trên biển. Khi tàu đi vào vùng biển Quảng Nam, trời đã về chiều. Một cơn dông bất thần ập đến khiến bầu trời mù mịt, mặt biển ngả màu tím sẫm. Trung tá Bùi Đình Quang - Biên đội trưởng 34 nhìn lên bầu trời rồi chỉ thị đi ngay vào đảo Cù Lao Chàm để tiếp thêm nhiên liệu, thăm hỏi bà con trên đảo.
Tích cực bảo vệ môi trường
Tàu chỉ huy BP-489801 đi trước cập cầu cảng Cù Lao Chàm soi đèn cho tàu đi sau cập mạn. Cả 2 con tàu lặng lẽ tắt máy. Tiếng động cơ chói tai im bặt, chỉ còn tiếng gió biển phần phật. Một người dân ở Cù Lao Chàm quen mặt anh em cho biết, ngư dân đi biển ra Đà Nẵng, vô Quảng Ngãi đều gặp đội tàu của Hải đoàn 48 tuần tra bảo vệ biển, đội tàu này có mặt khắp nơi.
Tàu vào vị trí tạm dừng, khẩu lệnh đầu tiên của chỉ huy Biên đội 34 là việc bảo vệ môi trường của đảo xanh Cù Lao Chàm. Chỉ huy biên đội và Chính trị viên quán triệt toàn tàu: “Đây là đảo sinh thái, tuyệt đối không được bỏ rác xuống biển; đóng cửa nhà vệ sinh trên tàu và đi nhà vệ sinh công cộng trên đảo”.
Trong chuyến tuần tra trên biển, Biên đội tàu 34 đã cập mạn, nhắc nhở các tàu cá QNa-93159TS và QNa-92573TS thực hiện tốt quy định của pháp luật trong đánh bắt hải sản. Phát hiện tàu vận tải Dinh Vu 25 hành trình qua vùng biển Quảng Nam treo Quốc kỳ bạc màu và không còn lành lặn, tàu chỉ huy biên đội đã phát loa đề nghị thay lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột tàu. Những tàu đánh lưới giã cào cao tốc khi thấy tàu hành trình đã ra hiệu đang chấp hành tốt tuyến đánh bắt, không vào gần bờ gây ảnh hưởng đến các loại lưới nhỏ của ngư dân Quảng Nam.
Cù Lao Chàm hàng ngày tấp nập du khách. Đêm xuống, tiếng nhạc xập xình khắp các tụ điểm vui chơi sáng đèn, từng nhóm thanh niên kéo loa karaoke di động ra cầu cảng hát hò bên cạnh con tàu. Nhưng trong ca bin tàu là không khí làm việc, trực gác diễn ra theo kế hoạch - thông tin trực máy nhận lệnh sẵn sàng di chuyển, nắm tình hình mục tiêu; biên đội trưởng, chính trị viên lên kế hoạch để cho tàu sẵn sàng rời bến.
Đêm khuya, tiếng sóng vỗ vào thân tàu, anh em đơn vị tranh thủ nhắn hỏi sức khỏe gia đình, vì hôm sau tàu ra tọa độ “X” thì sẽ không còn sóng. Bởi hầu như ai cũng xa gia đình, như Trung úy Nguyễn Văn Nguyên, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; ... Anh em tâm sự, do quê quán ở xa, hằng ngày lênh đênh trên biển, nên lính Hải đoàn 48 luôn coi biển cả, người dân đảo là quê hương thứ hai...
Theo: Quảng Nam online
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận