"Chợ" giữa Biển Đông

00:24 23-10-2023

VBĐVN.vn - Ở giữa Biển Đông rộng mênh mông, có hàng chục ngàn chiếc tàu đánh cá khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng hoạt động. Đi theo tàu đánh cá, có đội tàu hùng hậu thu mua hải sản, hay còn gọi là “tàu dịch vụ hậu cần nghề cá”. Hoạt động mua bán, giao dịch, cung ứng tấp nập đã tạo nên "phiên chợ" sôi động ở giữa Biển Đông.

Tàu thu mua hải sản cập vào cảng Gianh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình bán cá. Ảnh: Hải Luận

Tôi bước vào buồng lái tàu thu mua hải sản của ông Phạm Văn Hòa, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tình cờ nghe cuộc đàm thoại với tàu đánh cá ngoài khơi: “Số cá đó để tàu em mua, tàu đang lấy tổn, đầu giờ chiều nay nước triều lên cao, tàu sẽ ra khỏi cửa biển Nhật Lệ, em tăng ga chạy suốt đêm nay, ngày mai sẽ đến chỗ anh. Tàu của anh cần mua thêm thứ gì không? Tiện thể mua luôn... Chuyến này ra, em tặng anh em trên tàu của anh 5 con gà và 2 thùng bia lấy may mắn”.

Bảo đảm giữ bí mật “trận địa” khai thác

Tàu của ông Hòa vừa mới cập vào cảng cá Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bán cá, nghe nói tàu ngoài biển có nhiều cá, ông cho bơm thêm 5.000 lít dầu, mua 1.000 cây đá lạnh, lương thực, thực phẩm và các loại nước uống, sẵn sàng cung ứng cho đội tàu đánh cá.

“Em vừa nói chuyện với thuyền trưởng tàu lưới vây tỉnh Bình Định, họ đang ở ngoài quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), họ vừa mới trúng mẻ cá khoảng 30 tấn, đang theo tiếp đàn khác dưới biển. Em phải gọi chốt thời gian tàu đến với thuyền trưởng, nếu không, họ gọi tàu thu mua khác đến “ăn” mất mấy chục tấn cá” - ông Hòa nói tiếp.

Trong hệ thống thu mua cá của ông Hòa có 10 chiếc tàu lưới vây khơi của tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, xếp vào “mối ruột”, có tổng cộng gần 200 lao động làm việc trên tàu, thời gian 1-2 tháng. Mỗi lần tàu thu mua vào bán cá xong, phải chở hàng hóa ra biển phục vụ đội tàu khai thác “mối ruột”, tàu nào cần hàng cũng bán để thêm bạn hàng.

Nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, tàu ông Hòa có 5 máy bộ đàm đường dài và 1 máy điện thoại từ vệ tinh. Tôi hỏi: “Tàu thu mua sao sắm nhiều máy thông tin thế?”. Như đụng đến vấn đề sâu thẳm, ông Hòa trút bầu tâm sự: “Thông tin là yếu tố sống còn và quyết định thắng lợi hay thất bại. Ngoài biển có hàng nghìn tàu đánh bắt, tàu thu mua đang theo dõi tàu của nhau, chủ tàu sợ bị lộ “trận địa” đánh bắt, họ yêu cầu mình phải giữ bí mật. Có những nhóm tàu lưới vây “thiệt ăn, thiệt làm”, chỉ gọi theo tần số bí mật với thuyền trưởng. Còn gọi máy “đại chúng” chỉ hát hò cho nhau nghe, hỏi thời tiết, bão gió, tuyệt đối không tiết lộ tàu đang mua bán ở đâu”.

“Luật bất thành văn”, tàu khai thác có cá nhiều, gọi hỏi giá tàu thu mua. Thuyền trưởng tàu thu mua sử dụng điện thoại vệ tinh gọi thẳng vào số di động các chủ vựa thu mua cá ở đất liền. “Mình phải gọi khảo giá nhiều cảng, có khi từ Đà Nẵng đến Thanh Hóa, xem chỗ nào mua giá cao hơn. Tàu mình chốt giá bán với đất liền, chuyển sang chốt giá mua với tàu khai thác. Hai bên đồng ý giá mua bán, thuyền trưởng cho vị trí tọa độ tàu đang đánh bắt để tàu chạy đến mua cá. Có khi tàu cách xa nhau 150 hải lý cũng phải chạy đến, tăng chi phí lên mấy phi dầu” - ông Hòa phân tích.

Tàu thu mua cập mạn tàu khai thác để nhận cá, không sử dụng cân theo từng mã hàng, chỉ tính từng khay nhựa đựng cá, rồi cộng lại thành tạ, thành tấn, tính tiền cho nhau. Tàu lạ trả bằng tiền mặt, tàu quen vào bờ chuyển khoản qua ngân hàng. Nếu tàu khai thác cần mua thêm vài nghìn lít dầu, tàu thu mua bán theo giá ở đất liền; các loại nhu yếu phẩm, đá lạnh với số lượng ít, tàu thu mua cung cấp miễn phí.

Ban ngày biển êm, tàu thu mua thường hay rước thuyền trưởng tàu khai thác sang tàu ăn uống, hàn huyên tâm sự. Ông Hòa kể: “Mua cá ngoài biển tính trọng lượng bằng khay, vào bán ở cảng tính bằng cân, đôi khi bị hụt 2-3 tạ cá. Lúc nhậu, tôi nói với thuyền trưởng chuyện hao hụt cá, ông ta bảo “chuyện nhỏ, mẻ lưới sau bù lại”. Tuyệt đối không tự “dựng chuyện” để lấy cá của người ta, chỉ cần một lần không thật lòng với nhau, họ sẽ nói cả đoàn tàu không bán cá cho tàu mình, coi như dẹp nghề luôn”.

Cạnh tranh khốc liệt

Để vận hành chiếc tàu thu mua hải sản chuyên nghiệp ở giữa biển khơi không hề đơn giản, nhiều tập đoàn tàu đánh cá đã tự sắm cho mình “tàu mẹ” đi theo thu mua cá đưa về bờ bán, nhưng chỉ được thời gian ngắn bị thua lỗ, đường ai nấy đi. Ông Sáu Ninh, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có đội tàu vây khơi 11 chiếc, đã từng sắm chiếc tàu hậu cần đi theo đội tàu của mình gom cá chở vào bờ bán.

Ông Phạm Văn Hòa gọi điện cho tàu khai thác ngoài biển. Ảnh: Hải Luận

“Mấy ông quản lý nhà nước thường hay gọi “tàu dịch vụ hậu cần nghề cá”, dân biển gọi là “tàu thu mua”, tôi thì cho rằng đó là “tàu kinh tế”. Vì bản thân nó phải hoạt động độc lập, tự kinh doanh để có lãi nuôi chính nó và trả lương số lao động làm việc trên tàu. “Tàu kinh tế” của tôi hoạt động được một thời gian bị thua lỗ, tôi chuyển đổi sang tàu khai thác. Không thể lấy tiền của tàu khai thác đi nuôi “tàu kinh tế” được. Hiện nay, toàn bộ tàu khai thác của tôi bán cá ngoài biển cho tàu mua ở các tỉnh, hoặc đưa về cảng bán” - ông Sáu Ninh am hiểu sâu vấn đề cốt lõi.

Hầu như tỉnh nào cũng có tàu thu mua hải sản trên biển, một số địa phương có đội tàu thu mua chuyên nghiệp, như thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa); huyện Phù Cát (Bình Định); thị xã Đông Hòa (Phú Yên); thị xã La Gi (Bình Thuận); Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang... Bất kể ở vùng biển nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tàu mua bán với nhau.

Để có lợi nhuận tốt, điều kiện mang tính xuyên suốt nhất của tàu thu mua là có kinh nghiệm bảo quản cá từ ngoài biển vào đến bờ vẫn còn tươi ngon, bán được giá cao. Ông Sáu Ninh giải thích: “Đối với “tàu kinh tế” chuyên nghiệp, họ có cách quản lý hay hơn. Chẳng hạn, tàu đang ở gần quần đảo Hoàng Sa, thuyền trưởng “tàu kinh tế” sẽ tính toán tốc độ chạy tàu cho kịp vào buổi chợ sáng. Đầu vụ sản xuất, chủ “tàu kinh tế” cho chủ tàu khai thác mượn tiền sửa chữa tàu, mua thêm ngư lưới cụ..., tạo nên mạng lưới làm ăn chặt chẽ”.

Chi phí cho tàu đánh cá xa bờ từ 100-300 triệu đồng/chuyến biển, trong đó, tiền mua dầu chiếm khoảng 80%. Sản lượng khai thác đang giảm sút đáng kể, các chủ tàu đánh cá xa bờ tính đến phương án ở lại trên dưới 2 tháng mới cho tàu quay về bờ, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Thuyền trưởng tàu lưới vây Nguyễn Đăng Khoa, ở thị xã Hoài Nhơn chia sẻ: “Tàu lưới vây đa số đi tìm “vận may” ở ngoài biển, nghĩa là tần suất cho tàu chạy đi tìm đàn cá rất nhiều, trúng được mẻ cá 5-10 tấn, gọi tàu thu mua đến bán, mình khỏi để tâm đến bảo quản cá, tập trung vào khai thác. Tàu thu mua chạy đi gom cá đủ số lượng 50-70 tấn sẽ chạy vào bờ bán giá cá tươi, coi như đồng lãi được chia đôi hai tàu. Tàu khai thác cần gì thì có tàu thu mua hỗ trợ tận tình, ai cũng được hưởng lợi cả”.

Hải Luận (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang