Chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Bài 2: Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt
VBĐVN.vn - Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang được triển khai quyết liệt nên kể cả cán bộ ấp cũng nằm trong “guồng quay nóng”. Hàng loạt các giải pháp đã được triển khai dồn dập ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để chống khai thác IUU.
Khó quản lý vì tàu ẩn, hiện từng giờ
Ông Nguyễn Văn Giàu, cán bộ ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, thành viên Tổ tuyên truyền, vận động chống khai thác IUU liên tục mang giấy thông báo đến nhà các chủ tàu để nhắc nhở việc kích hoạt thiết bị giám sát hành trình trên tàu; lưu ý 24 tàu cá trùng lịch sử hành trình đang bị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tiến hành điều tra…
Tại Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ thông tin về việc quản lý hàng ngàn tàu cá ở địa phương và dù đã có thiết bị theo dõi, giám sát, nhưng thực tế, phải vật lộn cùng các lực lượng mới xử lý hết được. Trên màn hình giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh, thông số các tàu được hiển thị: 1.764 tàu kết nối, 3 tàu ra vùng ranh giới, 3 tàu gặp sự cố SOS, 46 tàu gần ranh giới, 170 tàu mất kết nối ngoài khơi, 698 tàu mất kết nối trong bờ...
Khó khăn cho công tác theo dõi vì các tàu mất kết nối do rất nhiều nguyên nhân: Lỗi kết nối vệ tinh, thiết bị hư hỏng, chưa đóng tiền thuê bao, thuyền trưởng chưa biết cách tự xử lý sự cố, công tác bảo hành của đơn vị lắp thiết bị chưa kịp thời… Bên cạnh đó, một số tàu tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình và gửi sang tàu cá khác, sau đó, đi đánh bắt kiểu tự do.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đã triển khai gói tin nhắn cảnh báo, nếu tàu cá nào mất tín hiệu giám sát hành trình 6 giờ thì chủ tàu sẽ nhận ngay tin nhắn VMS từ VNPT; mỗi huyện, thành phố đều lập Tổ phản ứng nhanh xử lý thông tin tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình.
Ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đối với các trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình ở tọa độ gần khu vực giáp ranh, gia đình chủ tàu sẽ nhận được giấy thông báo từ Chi cục Thủy sản tỉnh. Công việc trên diễn ra dồn dập và liên tục, vì vậy, phải huy động cả cán bộ ấp tham gia.
Tại khu vực ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, ông Nguyễn Văn Phước, cán bộ ấp cầm trên tay những tờ thông báo tàu cá mất tín hiệu để mang tận nhà các gia đình ngư dân. Ông Phước tỏ ra hơi lúng túng và cho biết, có trường hợp máy chủ thông báo tàu cá mất tín hiệu ngoài biển, nhưng khi tới nhà thì chủ tàu kéo ra bến và chỉ chiếc tàu đang neo trong bờ và nói “tui cúp máy vì tàu về nghỉ chứ có đi biển đâu”. Vậy là phải điện lên tỉnh, hoặc đồn Biên phòng để xác minh.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu, tính tới ngày 31-7-2022, toàn tỉnh có 4 vụ/8 tàu/63 ngư dân bị bắt giữ (trong đó có 1 vụ Indonesia bắt giữ trong vùng biển của Việt Nam). Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển còn mỏng, trong khi việc kiểm soát vùng biển rộng lớn, ranh giới một số vùng biển chưa phân định nên khó khăn trong việc xác định vùng biển mà tàu cá vi phạm.
Kiểm điểm công khai
Xã Phước Tỉnh là địa bàn trọng điểm đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn khai thác IUU. Tại đây, có 1.037 tàu cá, trong đó có 893 tàu đánh bắt xa bờ. Ông Đỗ Viết Trung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Tỉnh cho biết, Đảng ủy xã đã có Kế hoạch số 84-KH/ĐU về việc “Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép”.
Những biện pháp địa phương này đã và đang đẩy mạnh thực hiện, bao gồm: Yêu cầu các chủ tàu phải hoàn trả chi phí để các nước sở tại đưa ngư dân vi phạm về nước, đề nghị cắt chế độ hỗ trợ dầu (hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QÐ-TTg) đối với các chủ tàu vi phạm. Trong các biện pháp trên, việc đưa ra kiểm điểm trước tập thể cũng là biện pháp mạnh tay nhất mà xã Phước Tỉnh thường xuyên thực hiện.
Ông Trung chia sẻ danh sách các chủ tàu từng bị UBND xã Phước Tỉnh tổ chức đưa ra họp kiểm điểm có sự chứng kiến của các đoàn thể, quần chúng nhân dân, đó là các ông, bà: Lê Thị Cúc, Nguyễn Quýt, Nguyễn Rừng, Đỗ Minh Toàn… Khi tổ chức họp kiểm điểm các chủ tàu bị nước ngoài bắt giữ, ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh chủ trì, có sự tham gia của chỉ huy đồn Biên phòng Phước Tỉnh, Ủy ban MTTQ xã, cán bộ các ấp. Những cuộc kiểm điểm gần đây nhất được địa phương tổ chức đối với 2 chủ tàu Trần Thị Kim Hằng và Trần Thị Kim Hà.
Tại các cuộc họp kiểm điểm, chủ tàu cá vi phạm đều thừa nhận sai phạm, đồng thời đề nghị địa phương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngư dân làm nghề lưới giã cào chuyển đổi nghề, vì hiện nay, nghề này đang đứng trên bờ vực phá sản. Do nguồn thủy sản cạn kiệt, chi phí chuyến biển quá lớn, dẫn đến phần lớn các chủ tàu đều đối mặt với cảnh nợ nần, đây là nguyên nhân dẫn đến việc các thuyền trưởng làm liều, cho tàu đánh lấn sang vùng biển các nước.
Thuộc lòng các cam kết
Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Phước Tỉnh, chiếc tàu đánh cá Kiên Giang mang biển số KG62126TS sau khi đã làm xong thủ tục xuất bến đã lùi ra nhường chỗ cho tàu cá Bình Định mang số BĐ92052TS do ngư dân Lê Văn Cu làm thuyền trưởng. Trung tá Vũ Xuân Chung, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Phước Tỉnh giải thích, tàu Kiên Giang đánh bắt cá ở vùng lộng, vì vậy, việc làm thủ tục nhanh hơn. Anh cũng trao đổi với ngư dân về việc, nếu có thông tin về tàu giã cào đánh bắt sai tuyến thì cần thông báo cho trạm kiểm soát Biên phòng, còn đối với tàu cá Bình Định đánh bắt vùng khơi thì chủ tàu phải ký vào bản cam kết không vi phạm quy định về IUU.
Thuyền trưởng Lê Văn Cu là một trong hàng chục ngàn lượt ngư dân đi đánh bắt vùng khơi phải ký vào bản cam kết và đọc các điều khoản quy định trước khi ra khơi. Chồng giấy cam kết để tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Phước Tỉnh (Đồn Biên phòng Phước Tỉnh) và Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá (Đồn Biên phòng Bến Đá) cao hơn nửa mét. Thuyền trưởng Cu cho biết: “Do được viết cam kết rất nhiều nên tôi thuộc cả một số quy định, mức phạt, vì thế, khi ra khơi, không dám chạy sang vùng biển các nước đánh bắt”.
Bài 3: Phối hợp trong bờ, ngoài biển
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận