Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên vùng biển “nóng”
VBĐVN.vn - Do một bộ phận ngư dân nhận thức còn hạn chế, nên cán bộ Đồn Biên phòng (ĐBP) Tây Yên, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Kiên Giang tốn nhiều thời gian và công sức để hoàn thành nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự trên biển, nhất là đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong khai thác thủy sản.
Cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thông điệp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) được cán bộ ĐBP nhắc đi, nhắc lại thường xuyên, liên tục để mỗi ngư dân đều hiểu và thay đổi từ nhận thức đến hành vi.
Mức xử phạt rất nặng
Địa bàn ĐBP Tây Yên quản lý có khoảng gần 2.400 phương tiện hành nghề khai thác thủy sản. Ngoài ra, còn có nhiều phương tiện từ các địa bàn khác và ngoại tỉnh thường xuyên ra vào cửa sông Cái Lớn và cảng cá Tắc Cậu. Mức độ am hiểu cũng như ý thức chấp hành pháp luật của các ngư dân là rất khác nhau đã ảnh hưởng ít nhiều tới công tác quản lý địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật của đơn vị.
Theo chân những người lính ĐBP xuống địa bàn, tiếp xúc với những ngư dân ở biển nhiều hơn trên đất liền, chúng tôi phần nào hiểu được sự kiên trì cũng như những khó khăn của các anh. Một cán bộ BP bảo rằng, qua tuyên truyền, đa số ngư dân nắm được những quy định cơ bản về khai thác thủy sản, có ý thức tuân thủ pháp luật, nhưng vẫn còn không ít ngư dân cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật. Chính bộ phận ngư dân thiếu ý thức đó khiến cho mục tiêu chấm dứt tình trạng khai thác IUU của tỉnh Kiên Giang đến nay chưa thể hoàn thành.
ĐBP Tây Yên đã nhiều lần tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang xử lý tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, trong đó, có những chủ tàu trên địa bàn bị xử lý rất nặng. Điển hình là xử phạt mỗi người 900 triệu đồng đối với 2 chủ tàu Thái Văn Học và Lê Thị Kim Huệ, ở thành phố Rạch Giá. Trước đó, 4 tàu cá của 2 người này đã bị cơ quan chức năng Thái Lan bắt giữ do khai thác thủy sản bất hợp pháp. Hàng loạt chủ tàu như Nguyễn Thị Vân, Trần Ngọc Quý (xã Tây Yên, huyện An Biên), Võ Thị Ánh (xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất), Dương Minh Lộc, Phạm Hoàng Đại (thành phố Rạch Giá)... cũng bị xử phạt 100 triệu đồng, tước giấy phép khai thác thủy sản thời gian 6 tháng vì có hành vi đưa tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển các nước Malaysia, Indonesia.
Tôi cầm trên tay một tập hồ sơ dày vụ việc vi phạm pháp luật mà ĐBP Tây Yên đã xử lý trong 3 năm qua, trong đó, có rất nhiều vụ tàu cá vi phạm pháp luật với rất nhiều hành vi khác nhau như: Khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, qua lại biên giới không làm thủ tục xuất nhập cảnh, hoạt động sai nghề, tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình, đánh bắt sai vùng, không có chứng chỉ thuyền trưởng, không có sổ nhật ký khai thác theo quy định, không có chứng chỉ máy trưởng, viết số đăng ký tàu cá không theo quy định... Điều đó cho thấy sự phức tạp, đa dạng các lỗi vi phạm của ngư dân. Nó cũng cho thấy công tác kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá của những người lính BP hết sức gian truân.
Dàn quân “đánh trận”
Thượng tá Bùi Khắc Dương, Đồn trưởng ĐBP Tây Yên cho biết: “Đơn vị có Trạm kiểm soát BP Kênh Dài và Trạm kiểm soát BP Kênh Cụt làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào, hoạt động trên địa bàn. Nhiệm vụ chống khai thác IUU đã được đơn vị triển khai quyết liệt, toàn diện. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải căng mình thực hiện cả công tác tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá cũng như điều tra, lập hồ sơ xử lý tàu cá vi phạm. Nhờ đó, số vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có giảm nhưng vẫn chưa được như mong đợi”.
Thống kê cho thấy, năm 2018, ĐBP Tây Yên đã ra quyết định xử lý 45 vụ/64 tàu khai thác thủy sản trái phép. Năm 2019, đơn vị tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang xử lý 42 vụ/55 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trực tiếp ra quyết định xử lý 13 vụ khai thác thủy sản trái phép. Năm 2020, ĐBP Tây Yên tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang xử lý 11 vụ/20 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thực tế, ĐBP Tây Yên đã tuyên truyền, phổ biến cho gần 2.000 lượt chủ tàu cá, thuyền trưởng nắm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, cam kết không đánh bắt hải sản trái phép. Hiện nay, tất cả các phương tiện xuất bến đều cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi khai thác hải sản. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp của ĐBP Tây Yên đang gặp không ít khó khăn.
Một trong những khó khăn là lưu lượng phương tiện ra vào Trạm Kiểm soát BP Kênh Dài, có nhiều thời điểm rất lớn, xảy ra ùn tắc, nhiều phương tiện lợi dụng để trốn tránh vượt trạm. Hơn nữa, cầu trạm xuống cấp nên tàu cá không thể cập bến, cán bộ kiểm soát phải đi xuồng ra kiểm tra thực tế phương tiện nên gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo an toàn. Có nhiều tàu cá trên địa bàn xuất bến qua trạm, nhưng sau quá trình khai thác không về địa phương mà đến neo đậu ở tỉnh khác nên rất khó quản lý. Ngoài ra, ở vùng ven bờ còn nhiều phương tiện khai thác thủy hải sản mang tính hủy diệt như: Cào bờ, sử dụng xung điện... Trong khi đó, phương tiện trang bị phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tàu cá của đơn vị còn hạn chế.
Thượng tá Bùi Khắc Dương cho biết thêm, để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản; kiên quyết xử lý các phương tiện không tuân thủ pháp luật và vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất, nhập bến qua các trạm theo đúng quy định; tuyệt đối không để phương tiện không đủ điều kiện xuất bến.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận